Siết quảng cáo của người có ảnh hưởng

Nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đề nghị cần quy định chặt chẽ, siết lại quảng cáo của người có ảnh hưởng.

Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Ngày 10/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. ĐB Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho biết, để đưa sản phẩm tới người tiêu dùng thì quảng cáo rất lquan trọng. Do đó khi sửa luật bên cạnh việc khắt khe với những hành vi sai phạm thì cần phải có điểm mở để quảng cáo trở thành ngành đóng góp vào sự phát triển của kinh tế.

Ông An cho hay, việc người chuyển tải quảng cáo là người có ảnh hưởng thì người có ảnh hưởng đã có trong Luật bảo vệ người tiêu dùng, đã có Nghị định 55/2024. Nhưng với những sự việc vừa xảy ra trong thời gian qua cho thấy vướng nhất trong quảng cáo đó là người có ảnh hưởng tác động rất lớn đến quảng cáo.

Theo Luật bảo vệ người tiêu dùng và Nghị định 55/2024 thì người có ảnh hưởng là người có trình độ, có chuyên môn, năng lực. Nhưng còn có một bộ phận nữa là những người gây sự chú ý bằng mấy cách như: thi hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, diễn viên, người tạo ra scandal trên mạng để gây sự chú ý. Và đây là vấn đề mà chúng ta chưa xử lý được. Nhất là, người người gây ảnh hưởng lại có khối lượng người theo dõi, quan tâm trên trang cá nhân; mà bản thân họ cũng tìm mọi cách để xã hội theo dõi.

“Tôi cho rằng chúng ta phải siết lại, chỉ những người có khả năng chuyên môn liên quan đến sản phẩm quảng cáo thì mới được tham gia quảng cáo. Chứ bảo hoa hậu, diễn viên nắm được chất lượng sản phẩm thì rất khó; mà trong 4 chủ thể quảng cáo bây giờ đngười ta chỉ chú ý đến người chuyển tải”, ông An phân tích và khẳng định: Chỉ có như vậy mới siết được quảng cáo sai và tràn làn.

Liên quan đến người có ảnh hưởng, theo quy định tại Điều 15 a và Điều 13, ĐB Trịnh Xuân An bày tỏ: Đó là quy định đẩy rủi ro cho người có ảnh hưởng tham gia quảng cáo. “Quyền chỉ có hai quyền, trong đó rất mở nhưng nghĩa vụ thì quy định một loạt, trong đó có nghĩa vụ rất chung chung như nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.", từ đó ông An cho rằng: Nếu chúng ta siết lại được phạm vi người có ảnh hưởng tham gia quảng cáo thì sẽ quy định được nghĩa vụ, quyền hạn của người này một cách cụ thể.

ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) góp ý, Ban soạn thảo cần làm rõ và bổ sung một số quy định cụ thể về quảng cáo trên nền tảng số tại điều 23, cần quy định cụ thể quy trình và trách nhiệm của bên liên quan đối với việc kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng, xác minh danh tính của người quảng cáo.

Cụ thể, người quảng cáo phải cung cấp giấy phép kinh doanh hoặc tài liệu pháp lý hợp lệ. Nền tảng quảng cáo có trách nhiệm lưu và cung cấp thông tin khi cơ quan chức năng yêu cầu. Nền tảng quảng cáo trực tuyến phải có cơ chế báo cáo tự động về các quảng cáo xuất hiện cạnh nội dung vi phạm pháp luật, giúp người tiêu dùng nhận biết được.

Về quảng cáo ngoài trời, theo bà Trân, không cần quy định về kiểu dáng, kích thước, chất liệu vì như vậy không khuyến khích sự sáng tạo và không phù hợp với không gian thực tế. Việc áp dụng quy định quảng cáo ngoài trời không khả thi với thực tế. Thay vào đó, cần đưa ra các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật xây dựng lắp đặt quảng cáo theo quy chuẩn an toàn và mỹ quan đô thị, đặc biệt là công trình giao thông.

ĐB Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) cũng đề nghị: cần bổ sung một khoản về cấm quảng cáo sai sự thật để gắn với trách nhiệm của người tham gia quảng cáo và bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) kiến nghị, cần rà soát các nội dung về quyền và nghĩa vụ của người truyền tải sản phẩm quảng cáo. Theo hướng cần chịu trách nhiệm về những thông tin mà mình truyền tải. Phải kiểm soát chặt chẽ một số người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật như trong thời gian qua cần có chế tài xử lý đủ mạnh.

Dẫn chứng thời gian qua các cơ quan chức năng phát hiện các vụ quảng cáo hàng giả, không rõ nguồn gốc, không đúng thực tế, thổi phồng công dụng sản phẩm như vụ quảng cáo sữa giả của MC, biên tập viên, vụ việc quảng cáo của Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục, và gần đây nhất là vụ lòng se điếu. Việc quảng cáo hàng hóa trên nền tảng mạng xã hội và kỹ thuật số dẫn đến khó khăn trong quản lý và kiểm soát. Do đó bà Hằng đề nghị các quy định về quảng cáo cần tiếp tục được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung để bịt những lỗ hổng pháp lý, không để quảng cáo sai sự thật.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/siet-quang-cao-cua-nguoi-co-anh-huong-10305502.html