Siết xuất xứ, chặn trung chuyển trá hình

Việc xác định xuất xứ hàng hóa đóng vai trò then chốt trong chính sách thương mại của các quốc gia, vì đây là cơ sở để các nước áp dụng chính sách thương mại với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Hoạt động bốc dỡ, vận chuyển container hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN

Hoạt động bốc dỡ, vận chuyển container hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và áp lực ngày càng gia tăng từ chính sách thương mại của Hoa Kỳ, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng, quy tắc xuất xứ (Rules of Origin - ROO) đã trở thành thách thức lớn với doanh nghiệp.

Do đó, đây là thời điểm trấn áp mạnh hơn tình trạng gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, bị lợi dụng thành điểm trung chuyển hàng xuất khẩu giả sang nước thứ ba nhằm né thuế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cũng khẳng định: “Thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động, cầu thị và phối hợp mạnh mẽ với phía Hoa Kỳ để đàm phán thuế một cách công bằng, chống vấn đề trung chuyển hàng hóa, đẩy mạnh thương mại hai chiều theo hướng cả hai cùng có lợi”.

* Minh bạch nguồn gốc

Thông tin về việc áp dụng quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo Điều 3(b) Hiệp định về quy tắc xuất xứ của WTO, “một nước được xác định là nước xuất xứ của hàng hóa nếu hàng hóa hoàn toàn sản xuất ra ở nước đó hoặc khi nhiều nước cùng tham gia quá trình sản xuất, nước xuất xứ là nước thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng”.

Việc xác định xuất xứ hàng hóa đóng vai trò then chốt trong chính sách thương mại của các quốc gia, vì đây là cơ sở để các nước áp dụng chính sách thương mại với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Quy tắc xuất xứ được xây dựng để đảm bảo đúng hàng hóa có xuất xứ mới được hưởng thuế quan theo từng khuôn khổ cam kết mà các nước dành cho nhau.

Chẳng hạn một lô hàng quần áo gắn nhãn “Made in Viet Nam” chưa chắc đã có Giấy chứng nhận xuất xứ (hay còn gọi là C/O) của Việt Nam và ngược lại, một lô hàng quần áo xuất khẩu có C/O của Việt Nam nhưng có thể lại không hề gắn mác “Made in Viet Nam”.

Thời gian qua, Cục Xuất nhập khẩu đã tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tạo môi trường để các tổ chức cấp C/O, cũng như doanh nghiệp có quy định cụ thể và minh bạch trong lĩnh vực xuất xứ; trong đó, chế tài xử phạt hành vi gian lận xuất xứ rất được chú trọng. Cùng đó, Cục Xuất nhập khẩu thường xuyên phối hợp với các tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, đồng thời kiểm tra, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu khi có đề nghị xác minh xuất xứ. Việc này nhằm phát hiện trường hợp hàng hóa gia công đơn giản tại Việt Nam, mượn xuất xứ để hưởng ưu đãi. Ngược lại, trong trường hợp hàng hóa đáp ứng xuất xứ, Cục Xuất nhập khẩu hỗ trợ xác minh xuất xứ để C/O được chấp nhận, hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chú trọng việc tham vấn, đàm phán quy tắc xuất xứ phù hợp với quy trình sản xuất, thực tế doanh nghiệp Việt Nam, cải cách thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ đề nghị cấp C/O trên môi trường trực tuyến, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý, trả lời vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất xứ.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/siet-xuat-xu-chan-trung-chuyen-tra-hinh/369538.html