Trung tâm tài chính quốc tế: TP.HCM cần 'đèn ưu tiên' từ Trung ương
Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM là một nhiệm vụ mới và đầy thách thức, đòi hỏi những chính sách đặc thù, vượt trội để đạt được như kỳ vọng.
TP.HCM trước thềm kỷ nguyên mới đang mang trên vai trọng trách quan trọng: Xây dựng và vận hành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Cần chính sách đặc thù, vượt trội - điều mà nhiều lãnh đạo, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước rất đồng tình.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Hồ Quốc Tuấn, Giám đốc chương trình đào tạo thạc sĩ tài chính và kế toán (ĐH Bristol, Vương quốc Anh), đề ra các khuyến nghị cho các cơ chế, chính sách này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Trung ương, TP.HCM, Đà Nẵng dự lễ công bố thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bốn yếu tố tạo nên cơ chế vượt trội
. Phóng viên: Dư luận và giới làm chính sách đang thảo luận sôi nổi về các cơ chế, chính sách vượt trội phục vụ cho Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM. Ông có thể lý giải kỹ hơn về những cơ chế, chính sách vượt trội ấy?
+ TS Hồ Quốc Tuấn: Để đi từ một Trung tâm tài chính quốc tế khu vực lên tầm cỡ quốc tế thì vấn đề quan trọng là nằm ở “tính kết nối”, hiểu nôm na là khả năng TP.HCM hay Việt Nam nói chung được nghĩ tới, nhận diện mỗi khi các giao dịch quốc tế diễn ra.
Ví dụ, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam muốn huy động vốn quốc tế hiện vẫn phải vòng qua đầu cầu Singapore và Hong Kong, hay với một số dịch vụ bảo hiểm cũng vậy. Ngay cả các hội nghị công nghệ tài chính (fintech) lớn, hội nghị tiền mã hóa thì đa số tổ chức của Việt Nam cũng sang Dubai, Singapore.

TS Hồ Quốc Tuấn, Giám đốc chương trình đào tạo thạc sĩ tài chính và kế toán (ĐH Bristol, Vương quốc Anh)
Như vậy, ngay chính nhu cầu của tổ chức trong nước thì môi trường pháp lý hiện vẫn là một “chiếc áo chật”. Ngân hàng Nhà nước trong các phát biểu cũng cho biết sẽ cần một khuôn khổ rộng hơn.
Khuôn khổ ấy cần có: (1) Các điều kiện thuận lợi hơn để tổ chức quốc tế mở chi nhánh, văn phòng đại diện, điều kiện hoạt động dễ dàng hơn, ít giới hạn trong khuôn khổ chính sách cho Trung tâm tài chính quốc tế; (2) Việc huy động vốn, trả nợ, luân chuyển ngoại tệ dễ dàng hơn nhưng không bị rơi vào các rủi ro rửa tiền; (3) Mở cửa khuôn khổ về tiếp cận dịch vụ tài chính toàn diện, tỉ lệ sở hữu của nước ngoài trong các tổ chức tài chính trong nước; (4) Chính sách thuế và giải quyết tranh chấp hiệu quả trong hoạt động kinh doanh ở Trung tâm tài chính quốc tế.
Ngoài khuôn khổ về các quy định thì TP.HCM còn cần có nguồn lực để đầu tư hạ tầng và đào tạo, nâng chất lượng đội ngũ nhân lực. Những mặt này cũng cần có chính sách vượt trội hơn, mà vấn đề đầu tiên là cần phải huy động được “tiền đâu” cho đầu tư nhân lực và hạ tầng. Nguồn lực hiện nay là chưa đủ.
TP.HCM định vị vị thế tương lai ra sao?
. Hãy nói một chút về thứ hạng TTTC quốc tế, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về tiềm năng của TP.HCM trong tương quan với thế giới, vì sao?
+ Tôi cho rằng vấn đề nằm ở chỗ nhiều người có cách hiểu và kỳ vọng khác nhau về TTTC quốc tế. Một trong những lý do dẫn đến sự băn khoăn là khi nhắc đến các Trung tâm tài chính quốc tế, người ta thường nghĩ ngay đến những cái tên đã có vị thế vững chắc trên toàn cầu như London, New York, Tokyo hoặc ít nhất là những trung tâm quen thuộc trong top 15 như Dubai, Hong Kong, Singapore.
“Tôi tin rằng Việt Nam có thể đạt được vị thế như Bangkok, Jakarta hoặc thậm chí vươn lên cùng nhóm với Kuala Lumpur”
Để TP.HCM có thể vươn từ vị trí hiện tại, thuộc nhóm “khu vực” trong xếp hạng TTTC quốc tế theo Chỉ số TTTC toàn cầu (GFCI) ấn bản lần thứ 37 (năm 2025), lên top 15 - tức nhóm “trung tâm dẫn đầu toàn cầu” hoặc “trung tâm toàn diện toàn cầu” - Việt Nam phải vượt qua hơn 50 TTTC khác thuộc nhóm “quốc tế”. Trong đó có những cái tên quen thuộc ở Đông Nam Á như Bangkok, Jakarta và Kuala Lumpur.
Tôi tin rằng Việt Nam có thể đạt được vị thế như Bangkok, Jakarta hoặc thậm chí vươn lên cùng nhóm với Kuala Lumpur. Hiện tại, Kuala Lumpur đứng thứ 51 toàn cầu nhưng hồi năm 2023, họ từng xếp hạng 80. Tương tự, Bangkok từng ở hạng 60 nhưng hiện nay chỉ xếp trên TP.HCM hai bậc.
Chúng ta không quá đặt nặng vào các bảng xếp hạng nhưng nhắc đến để thấy rằng kỳ vọng xây dựng TTTC quốc tế ở Việt Nam, cụ thể là TP.HCM, không phải là điều quá tầm với. Nói cách khác, việc vươn lên nhóm “quốc tế” không phải là mục tiêu quá xa vời so với vị thế trong nhóm “khu vực” hiện tại của TP.HCM.
Còn nếu chúng ta nghĩ mình lên quốc tế để cạnh tranh với top 15 thì đó lại là một góc nhìn khác. Ít nhất là trong ngắn hay trung hạn, điều ấy không dễ, bởi những TTTC tốp đầu thế giới có bề dày nội lực rất lớn và được hậu thuẫn bởi nguồn lực quốc gia, văn hóa, vốn xã hội và những mối quan hệ kết nối... Nói cách khác, để TP.HCM lên đến TTTC quốc tế tốp đầu, mà GFCI gọi là các trung tâm toàn cầu thì phải đọ sức với cả nguồn lực quốc gia và quyền lực mềm của người ta. Việc này chỉ xem xét khi chúng ta có nền tảng lớn mạnh hơn hiện nay.
Kỳ vọng vào nhóm dẫn đầu khu vực
. Vậy ông kỳ vọng gì về vị thế của TP.HCM trên bảng xếp hạng thế giới dựa trên các chỉ dấu về nguồn lực hiện tại?
+ Tôi lạc quan nếu nói chúng ta muốn có một TTTC quốc tế ở tầm trong top 30-50 thế giới. Vị thế này tương ứng với nguồn lực quốc gia và tham vọng về tăng trưởng kinh tế, cũng như vấn đề về dân số, tăng trưởng thu nhập, hoạt động kinh tế, độ mở của nền kinh tế và sự cởi mở tiếp nhận cái mới của người Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
Nếu chúng ta muốn vươn khỏi tầm đó thì chúng ta cần có những đột phá rất lớn mới mong đạt vị thế như những trung tâm hàng trăm năm tuổi hoặc những trung tâm có lợi thế và thể chế rất đặc thù như Dubai. Nói nôm na, như trong bóng đá, tôi lạc quan khi chúng ta đi từng bước, từ sân chơi ASEAN hướng ra World Cup, đặt mục tiêu vừa phải và hướng tới. Chứ ngay lập tức muốn mình vào top 10-20 đội hàng đầu thế giới thì khó. Một số người tỏ ra bi quan nhiều khi là do chúng ta đặt mục tiêu và định nghĩa “TTTC quốc tế” quá cao xa.
. TP.HCM sẽ mở rộng địa giới hành chính thời gian tới, theo ông, mô hình TTTC mà TP.HCM cần hướng tới nên được định hướng thế nào?
+ Trong các mô hình TTTC, thì một số nước đi về mô hình chuyên sâu (như Dubai, HongKong), một số nước đi theo mô hình toàn diện, đa dạng hóa như các trung tâm toàn cầu lâu đời như London, New York, hay Singapore và cũng là định hướng mà Thượng Hải muốn hướng tới.
Hiện tôi thấy người dân, doanh nghiệp, chuyên gia đang thảo luận về phương án dự kiến sáp nhập TP.HCM với cả Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu. Ở khía cạnh trung tâm tài chính thì việc sáp nhập cho phép qui mô kinh tế và độ đa dạng hóa cũng như nhu cầu thanh toán và dịch vụ tài chính khác như mua lại và sáp nhập, tài trợ vốn tăng lên. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho dự án TTTC quốc tế TP.HCM.
Tuy nhiên, dù có mở rộng hay không thì tôi nghĩ TP đều có thể phát triển theo hướng đa dạng hóa để tận dụng tất cả các kết nối. Đây là một lựa chọn tự nhiên của TP.HCM, bởi vì tính đa dạng hoạt động kinh tế và sự kết nối của TP.HCM với các vùng kinh tế Nam Bộ đã tồn tại từ nhiều thập niên qua.
. Xin cảm ơn ông.
Xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh
Xây dựng mô hình TTTC quốc tế phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế, chính sách độc lập, đặc thù, đặc biệt, vượt trội, có sức cạnh tranh, đồng thời tăng cường hợp tác công tư, thu hút và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp, người dân; xây dựng TTTC tiên tiến, hiện đại, tăng cường số hóa; tổ chức hoạt động và quản lý thông minh, bằng các giải pháp khoa học công nghệ; có nguồn nhân lực chất lượng cao...
Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH, Trưởng ban Chỉ đạo về TTTC quốc tế tại Việt Nam, chỉ đạo tại phiên họp hôm 3-4-2025