Siêu dự án mở rộng lọc dầu Dung Quất bớt 'khát' vốn
Tương lai dự án mở rộng lọc dầu Dung Quất tỷ đô trở nên sáng hơn với cái bắt tay giữa chủ đầu tư và PVcomBank.
Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đã ký kết hợp đồng tư vấn thu xếp vốn cho dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi (gọi tắt là dự án mở rộng lọc dầu Dung Quất).
Với hợp đồng này, PVcomBank sẽ hỗ trợ BSR thu xếp vay 40% tổng mức đầu tư dự án mở rộng lọc dầu Dung Quất (khoảng 526 triệu USD) từ nhiều nguồn vốn vay khác nhau trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế.
Việc thu xếp sẽ ưu tiên nguồn vốn vay tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA) từ các tổ chức tín dụng quốc tế, bên cạnh nguồn vay thương mại đến từ các tổ chức tín dụng trong nước, nhằm đáp ứng tiến độ triển khai tổng thể của dự án.
Sau khi hoàn thành dự án mở rộng lọc dầu Dung Quất, BSR dự kiến nâng tổng công suất, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để đảm bảo duy trì nguồn cung ổn định, tối ưu hóa chi phí đầu vào, bảo đảm khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn khí thải EURO V.
Theo ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc BSR, dự án mở rộng lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng cùng các hạng mục phụ trợ liên quan và đang được triển khai thiết kế kỹ thuật tổng thể - FEED.
Năm tới, dự kiến sẽ thực hiện lựa chọn tổng thầu EPC để đảm bảo đưa dự án vào vận hành theo tiến độ phê duyệt.
Như vậy, về lý thuyết, với trợ lực từ PVcomBank, BSR sẽ bớt áp lực bài toán vốn tỷ đô của dự án, nhất là sau khi Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đã hơn một năm nay.
Theo điều chỉnh chủ trương phê duyệt, bên cạnh mục tiêu và quy mô đầu tư, tổng giá trị của dự án cũng được thay đổi thành gần 1,26 tỷ USD. Trong đó, 40% vốn chủ sở hữu, 60% vốn vay và BSR được xem xét điều chỉnh cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay cho phù hợp với thực tế.
Cũng theo phê duyệt điều chỉnh, dự án mở rộng lọc dầu Dung Quất có vốn chủ sở hữu khoảng 503 triệu USD và vốn vay tương đương 754 triệu USD.
Hiện tại, ngay cả trong trường hợp PVcomBank thu xếp 526 triệu USD ổn thỏa, BSR cũng mới chỉ yên tâm phần nào về nguồn lực để triển khai dự án theo đúng tiến độ vận hành khi thời gian chỉ còn chưa đầy 4 năm.
Bởi lẽ, ngay tại đại hội đồng cổ đông hồi tháng 5 năm nay, BSR đã xác định dành gần 1/3 lợi nhuận sau thuế năm 2023 để góp phần đáp ứng vốn chủ sở hữu quy định cho dự án mở rộng lọc dầu Dung Quất.
Thời điểm đó, BSR thừa nhận việc tiếp cận nguồn vốn vay ECA/ngân hàng quốc tế và Việt Nam cho dự án ngày càng khó khăn.
Vì vậy, để đảm bảo đủ nguồn vốn cho dự án, BSR đã phải tính tới phương án tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu (VCSH) trong cơ cấu VCSH/vốn vay thành 60/40 hoặc 70/30 hoặc 80/20.
Cũng ở đại hội đồngcổ đông năm nay, BSR cho biết đã báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ của BSR từ 31.000 tỷ đồng lên 50.000 tỷ đồng (trả cổ tức bằng cổ phiếu).
Sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ, BSR sẽ đảm bảo đủ nguồn vốn chủ sở hữu từ 40-60% tổng mức đầu tư của dự án.
Ngoài phương án trên, một kênh huy động vốn khác được BSR rốt ráo thực hiện trong năm nay là niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu từ sàn UPCoM sang HOSE nhưng vẫn chưa rõ kết quả.
Hơn 3 tháng trước, sau khi xóa bỏ thành công khoản nợ quá hạn của công ty con (Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung), BSR đã được HOSE công bố tiếp nhận hồ sơ IPO.
Với khối lượng đăng ký niêm yết lên đến 3,1 tỷ cổ phiếu, vốn hóa Lọc hóa dầu Bình Sơn vào khoảng hơn 74.000 tỷ đồng, đứng thứ ba sàn UPCoM. Nếu chuyển sàn thành công, BSR sẽ lọt top 20 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn, thậm chí có khả năng bước vào rổ VN30.
Tuy nhiên, tính đến hiện tại, khi năm tài chính chỉ còn chừng một tháng, khả năng cao BSR sẽ phải chờ sang năm 2025 mới có thể hiện thực hóa kế hoạch tăng vốn điều lệ lẫn chuyển sàn.