"Nga đã triển khai tàu ngầm lớp Yasen/Yasen-M đến Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Chúng có thể tuần tra liên tục ngoài khơi nước Mỹ và trở thành mối đe dọa thường trực trong vòng 1-2 năm tới", tướng Glen VanHerck, người đứng đầu Bộ tư lệnh Phương Bắc quân đội Mỹ (NORTHCOM) nói hôm 23/3.
"Việc tàu ngầm hạt nhân Nga âm thầm tiếp cận ven biển Mỹ đãhHạn chế khả năng phản ứng của lãnh đạo cấp cao khi xảy ra khủng hoảng", tướng Glen VanHerck nói thêm.
Phát biểu được tướng VanHerck đưa ra trong cuộc họp với Ủy ban Quân vụ Thượng viện, sau khi các nghị sĩ đặt câu hỏi về mối đe dọa của tàu ngầm mang tên lửa hành trình Nga và Trung Quốc hoạt động gần bờ biển Mỹ.
Giới phân tích phương Tây cùng nhiều sĩ quan cao cấp Mỹ cho rằng tàu ngầm lớp Yasen và phiên bản nâng cấp Yasen-M Nga là đối thủ đáng gờm nhất của hải quân Mỹ vì độ ồn thấp, tốc độ cao và dàn vũ khí uy lực.
Hải quân Mỹ hồi năm 2018 phải khôi phục Hạm đội 2 và thành lập bộ chỉ huy tác chiến chống ngầm ở Đại Tây Dương để đối phó lực lượng tàu ngầm Nga.
Nguồn tin Lầu Năm Góc giấu tên cho biết Mỹ đã triển khai hàng loạt tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay tuần thám hồi mùa thu năm 2019 nhưng không thể tìm thấy tàu ngầm Severodvinsk thuộc lớp Yasen của Nga khi nó tuần tra ở bắc Đại Tây Dương.
Phó đô đốc Andrew Lewis, tư lệnh Hạm đội 2 hải quân Mỹ, đầu năm 2020 cho rằng bờ biển nước này không còn là nơi an toàn bởi các tàu ngầm hiện đại của Nga.
"Thực tế mới là các thủy thủ sẽ phải hoạt động trong vùng đụng độ ngay khi rời quân cảng. Các tàu chiến của chúng ta không còn khả năng hoạt động vô tư và không bị cản trở", ông Andrew Lewis cảnh báo.
Yasen-M là lớp tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm thế hệ mới nhất, được đánh giá là một trong những chiến hạm có năng lực tấn công mạnh nhất của quân đội Nga
Chiếc tàu này dài 120m, lượng giãn nước 13.800 tấn và có khả năng hoạt động ở độ sâu 520 m
Tàu di chuyển dưới nước ở tốc độ là 31 hải lý/h với thủy thủ đoàn 64 người.
Về vũ khí, mỗi chiếc tàu ngầm lớp Yasen-M được trang bị 8 ống phóng thẳng đứng với 32 tên lửa chống hạm P-800 Oniks hoặc 40 tên lửa hành trình 3M-54 Kalibr, cùng ống phóng ngư lôi 533 mm.
Số vũ khí trên cho phép tàu ngầm lớp Yasen-M một mình đương đầu với cả biên đội tàu chiến đối phương.
Ngoài ra chúng vẫn có thể trang bị tên lửa hạt nhân Rk-55 Grannat có tầm bắn trên 2.500km. Mỗi tên lửa này mang đầu đạn có đương lượng nổ lên tới 200kt.
Bên cạnh đó dù chưa được công khai, song tàu ngầm Yasen-M được cho là có thể mang tên lửa siêu vượt âm diệt hạm Zircon mà Nga đang phát triển, có thể được khai hỏa từ ống phóng Oniks hoặc Kalibr.
Tàu cũng có khả năng triển khai ngư lôi không người lái mang đầu đạn hạt nhân Poseidon, đủ sức xóa sổ mọi căn cứ gần bờ.
Rõ ràng đây là một kho vũ khí di động trên đại dương của Nga đủ để hủy diệt bất cứ thành phố nào trong tầm tác chiến của nó.
Tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo hạt nhân được coi là cú đấm thép trên đại dương của các cường quốc.
Tuy nhiên hiện nay chúng chỉ mang tính chất răn đe là chính. Việc sử dụng đến những vũ khí này trong chiến tranh hiện đại thường rất hiếm.
Trên thực tế các cuộc chiến tranh gần đây đều là các xung đột nhỏ lẻ và là các cuộc chiến tranh quy ước sử dụng vũ khí thông thường, nơi lên ngôi của các tên lửa hành trình tấn công.
Mỹ là nước đi đầu trong việc trang bị tên lửa hành trình cho tàu ngầm tấn công hạt nhân.
Ngay sau khi Liên Xô tan rã, nhận thấy rằng không nhất thiết phải duy trì một số lượng lớn tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo hạt nhân lớp Ohio, Mỹ đã cải tiến để một số tàu này chuyển sang trang bị tên lửa hành trình Tomahawk.
Ống phóng tên lửa hạt nhân đã được Mỹ chỉnh sửa lại để mang theo 7 tên lửa hành trình Tomahawk.
Nhận thấy hiệu quả của phương pháp tác chiến này, Nga cũng liền cho ra đời các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen-M trang bị các tên lửa hành trình Kalibr
Theo giới chuyên gia quân sự nhận định, tàu ngầm lớp Yasen-M của Nga là một trong những dòng tàu ngầm tấn công hàng đầu thế giới và là đối thủ xứng tầm của tàu ngầm lớp Ohio mang tên lửa Tomahawk của Mỹ.