Siêu thị Emart Gò Vấp đã khắc phục các vi phạm phòng dịch, được mở lại vào chiều nay
Siêu thị Emart Gò Vấp không đảm bảo giãn cách giữa người với người, tập trung đông ở cửa ra vào, chưa có phân luồng để đảm bảo di chuyển một chiều nên bị tạm ngưng hoạt động.
Siêu thị Emart tạm ngừng hoạt động trong ngày 3/10 do không đảm bảo yêu cầu phòng dịch
Chiều ngày 4/10, tại buổi họp thông tin tình hình phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM, ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết thông tin liên quan đến việc tạm dừng hoạt động siêu thị Emart hôm 3/10 vừa qua.
Theo ông Tú, sau khi Sở Công Thương TP nhận được phản ánh siêu thị không đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Thanh tra của Sở Công Thương phối hợp lực lượng chức năng quận Gò Vấp đã tiến hành kiểm tra.
Theo đó, Sở ghi nhận có tình trạng khách vào siêu thị đông, không đảm bảo giãn cách giữa người với người, tập trung đông ở cửa ra vào… Siêu thị cũng chưa có phân luồng để đảm bảo di chuyển một chiều.
“Chúng tôi yêu cầu các cơ sở, siêu thị khi để người dân vào mua sắm phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét. Do đó, đoàn kiểm tra yêu cầu siêu thị tạm dừng để khắc phục. Chiều nay, Sở Công Thương và quận Gò Vấp đã kiểm tra lại, siêu thị đã khắc phục và được phép hoạt động trở lại” - ông Tú nói.
Cũng theo ông Tú, về việc phối hợp với các quận huyện để giám sát các siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở sản xuất… Sở căn cứ Bộ tiêu chí theo Quyết định 3328 để thực hiện và gửi thông tin đến chính quyền địa phương để theo dõi, làm cơ sở để lực lượng chức năng kiểm tra. Nếu các đơn vị vi phạm một trong những tiêu chí thì phải tạm dừng hoạt động. Việc phối hợp kiểm tra của Sở Công Thương và địa phương diễn ra thường xuyên và không có kế hoạch cụ thể.
Ông Tú cũng cho rằng, Bộ tiêu chí về an toàn phòng, chống dịch COVID-19 ban hành từ 15/9/2021, đến nay Bộ Y tế và các bộ ngành đã có những hướng dẫn mới. Do đó, có một số nội dung không còn phù hợp. Trong chiều nay, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp để xem xét, điều chỉnh Bộ tiêu chí giúp các doanh nghiệp thuận lợi hoạt động, sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn phải an toàn.
“Thành phố chưa có chủ trương để các chợ tự phát hoạt động trở lại, thậm chí cả chợ truyền thống và chợ đầu mối. Chợ đầu mối và chợ truyền thống muốn hoạt động trở lại phải đáp ứng Bộ tiêu chí theo quyết định 3328; ngoài ra cần phải tổ chức chặt chẽ trong quá trình buôn bán để đảm bảo an toàn. Việc kinh doanh tại gia đình nếu thuộc các ngành, lĩnh vực Chỉ thị 18 cho phép và kinh doanh có giấy phép đầy đủ mới được phép kinh doanh" – ông Tú nói.
Về tiến độ hỗ trợ đợt 3 đối với người dân TPHCM, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP cho biết: "Đến nay đã có 312 phường, xã đã chi cho hơn 1,1 triệu người và sẽ tiếp tục trong những ngày tới. Để đảm bảo giám sát việc chi trả, Sở LĐ-TB&XH TP đã thành lập 23 đoàn kiểm tra, giám sát”.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP, qua thực tế cho thấy, việc chi trả gói hỗ trợ lần 3 ở địa phương đang diễn ra khá tốt.
Về nhu cầu lao động, ông Lâm thông tin, theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trong quý III/2021, TPHCM có hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Nhu cầu lao động của các doanh nghiệp là 43.600-56.800 người.
Với các doanh nghiệp có lao động về quê, họ sẽ nhận được tin nhắn mời về TPHCM để tiếp tục làm việc. Điều kiện làm việc theo Bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất của doanh nghiệp, ví dụ như tiêu chí về xét nghiệm, tiêm phòng….
Đối với nguồn lao động là lực lượng lao động tại TPHCM có nhu cầu tìm việc, Thành phố có 127 cơ quan giới thiệu việc làm có đăng ký, có giấy phép. Trong đó, Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố và Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên là nòng cốt. Các cơ quan này đang khảo sát để tư vấn, giới thiệu danh sách cụ thể, có địa chỉ người lao động và đơn vị có nhu cầu tuyển dụng. Trung tâm giới thiệu việc làm sẽ kết nối 2 bên với nhau.
Ngoài ra, học sinh trung cấp nghề, sinh viên cao đẳng nghề sắp ra trường do các trường cao đẳng, trung cấp giới thiệu cho doanh nghiệp có nhu cầu nguồn lao động.
“Ba nguồn trên có thể đảm bảo cung ứng nguồn lao động cho doanh nghiệp có nhu cầu phục hồi sản xuất sau dịch” - ông Lâm cho biết.