Singapore nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) ngày 13/8 cho biết Singapore đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 lên 2% đến 3%, từ mức kỳ vọng trước đó là từ 1% đến 3%.
Theo MTI, quyết định này được đưa ra sau khi xem xét hiệu quả hoạt động của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2024, cũng như tình hình kinh tế trong nước và thế giới mới nhất, theo Straits Times đưa tin.
Nửa đầu năm 2024, tăng trưởng GDP của Singapore đạt trung bình 3% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo triển vọng kinh tế năm 2024 của MTI cũng phù hợp với nhận định hồi tháng 7 của Cơ quan Tiền tệ Singapore, khi cơ quan này dự báo tăng trưởng GDP có khả năng sẽ tiến gần hơn đến mức tiềm năng là 2% đến 3% cho cả năm.
Trong quý 2/2024, GDP Singapore tăng trưởng 2,9%, không thay đổi so với ước tính do MTI công bố một tháng trước đó. Con số này thấp hơn mức tăng trưởng 3% của quý 1/2024 – tốc độ nhanh nhất kể từ mức 4,2% trong quý 3/2022.
Trả lời báo chí, bà Yong Yik Wei - nhà kinh tế trưởng của MTI, cho rằng trừ khi có rủi ro suy giảm toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Singapore dự kiến sẽ duy trì ở mức xu hướng khoảng 2% đến 3% trong trung hạn, cho đến khoảng năm 2033 hoặc hơn.
Trước đó, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nói rằng nước này đang đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm trung bình từ 2% đến 3% trong thập kỷ tới.
MTI cũng kỳ vọng ngành sản xuất Singapore sẽ phục hồi dần trong nửa cuối năm nay. “Đặc biệt, nhóm điện tử dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn, được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh mẽ về điện thoại thông minh, máy tính cá nhân và chip liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI),” MTI cho biết.
Các ngành hướng đến người tiêu dùng của Singapore, như bán lẻ và dịch vụ thực phẩm và đồ uống, đã suy giảm, một phần là lượng người dân chi tiêu du lịch nước ngoài tăng lên. MTI cho biết nhìn chung, triển vọng nhu cầu bên ngoài của Singapore dự kiến sẽ ổn định trong suốt thời gian còn lại của năm 2024.
Ông Gabriel Lim, Thư ký thường trực về chính sách của MTI, cho biết: “Trong khi tăng trưởng GDP ở Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ giảm dần, thì tăng trưởng GDP ở khu vực đồng Euro, Nhật Bản và các nền kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á sẽ được cải thiện”. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo “rủi ro suy giảm trong nền kinh tế toàn cầu vẫn còn”.
MTI lưu ý rằng các cuộc xung đột địa chính trị và thương mại gia tăng có thể làm giảm niềm tin kinh doanh và làm tăng chi phí sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến thương mại và tăng trưởng toàn cầu.
Báo cáo của MTI cũng chỉ ra rằng sự gián đoạn trong quá trình giảm phát toàn cầu cũng có thể dẫn đến tình trạng tài chính thắt chặt hơn trong thời gian dài hơn và gây ra sự biến động của thị trường hoặc những lỗ hổng tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng và tài chính.