Sinh hoạt tổ chuyên môn - chìa khóa tạo nên chất lượng tiết học trực tuyến
Khi ngành GD&ĐT chuyển trang thái, xác định học trực tuyến là giải pháp ổn đinh, lâu dài trong giai đoạn dịch bệnh Covid- 19 có diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay thì chất lượng dạy - học online rất được coi trọng. Để tạo nên điều này, vai trò sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn của các thầy cô giáo, các nhà trường đóng vai trò quyết định.
Tăng cường tập huấn chuyên môn và công nghệ
Trong giai đoạn học trực tuyến, các khóa tập huấn về công nghệ thông tin (CNTT) thường xuyên được tổ chức với sự tham gia của 100% giáo viên các trường học, cấp học. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, dạy trực tuyến khác học trực tiếp; và điểm khác biệt lớn nhất đó là ngoài nội dung truyền đạt thì còn liên quan đến yếu tố công nghệ, các phần mềm dạy học.
Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học- Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài nêu quan điểm: Đối với học trực tuyến, trường học sử dụng phần mềm dạy học nào thì nên có những buổi tập huấn công nghệ chuyên sâu cho giáo viên để thành thạo các phần mềm đó.
Thực tế, hầu hết giáo viên của các trường học trên địa bàn TP Hà Nội đã được tham gia tập huấn phần mềm, kỹ năng dạy học trực tuyến để nắm được và linh hoạt sử dụng những ứng dụng dạy học trong các bài giảng trực tuyến. Tập huấn, tăng cường CNTT trong quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến; Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, của tổ chuyên môn và của giáo viên; phương pháp dạy kỹ năng viết cho học sinh THCS... là nội dung tập huấn được các đơn vị tổ chức thời gian qua với sự tham gia của đông đảo giáo viên các cấp học.
Năm học 2021- 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với lớp 2 và lớp 6; vì vậy công tác tập huấn chuyên môn đối với chương trình GDPT được quan tâm kỹ lưỡng. Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn chương trình và SGK mới cho từng đơn vị. Ngoài ra, các trường học cũng xây dựng chương trình, kế hoạch sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn rất tích cực.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng đại trà, chú trọng hơn đến chất lượng mũi nhọn, tổ Xã hội, trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình đã xác định đổi mới các tiết hội giảng, chuyên đề, tránh hình thức, đi sâu vào giải quyết các vấn đề nổi cộm trong nội dung môn học hoặc quản lí học sinh, nhất là quản lí học sinh trong các tiết học online. Theo đó, các buổi sinh hoạt chuyên đề được tổ chức dưới hình thức một tiết dạy học hoặc một buổi chia sẻ kinh nghiệm dạy học trong giáo viên. Tại buổi sinh hoạt chuyên môn về “Kĩ năng ra đề kiểm tra và Kinh nghiệm tổ chức các hoạt động dạy học online” được tổ chức đầu năm học mới đã thu được nhiều ý kiến góp ý của giáo viên trong tổ, đáp ứng tốt yêu cầu của dạy học phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, các buổi sinh hoạt chuyên môn khác cũng lồng ghép trao đổi về cách thức xây dựng giáo án để hoàn chỉnh hơn về phương pháp giảng dạy và soạn giáo án online.
Sáng tạo trong sinh hoạt tổ, nhóm
Luôn đau đáu về các giải pháp trong dạy học trực tuyến, trường THCS Xuân La, quận Tây Hồ đã xây dựng nếp sinh hoạt chuyên môn hàng tuần cho giáo viên vào thứ Bảy với tên gọi “Tối thứ Bảy yêu thương”. Đây là diễn đàn, là không gian để giáo viên lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu về những khó khăn, những tình huống của các đồng nghiệp gặp phải trong các giờ học online và cùng nhau tìm cách tháo gỡ. “Những ngày đầu dạy trực tuyến, các cô giáo cũng gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, lúng túng nhưng qua chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên môn; cùng học hỏi, rút kinh nghiệm; giờ đây, mọi vấn đề trong dạy trực tuyến đã được tháo gỡ, chất lượng các giờ học online của trường đã được nâng lên rất nhiều”- cô Trần Thị Mỹ Lâm, Hiệu trường trường THCS Xuân La cho biết.
Theo cô Trần Thị Mỹ Lâm, đến nay, giáo viên, nhân viên nhà trường sử dụng thành thạo công cụ Microsoft Forms; 100% giáo viên biết vận dụng các ứng dụng trên Web giáo dục như: Kaloot, Quizizz, Liveworksheet, Padlet, Classdojo ... để tạo hứng thú và tăng khả năng tương tác với học sinh. 100% học sinh tham gia học trực tuyến và có các kỹ năng sử dụng công nghệ để hỗ trợ học tập. Bằng hình thức trực tuyến Live event, Webina ... trên nền tảng O365, nhà trường đã tổ chức các Hội thảo, tọa đàm các chuyên đề về “Ngày chuyên môn”... thu hút sự tham gia của 100% giáo viên, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác giảng dạy trực tuyến.
Tại trường THCS Thành Công (quận Ba Đình), công tác sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đều đặn hàng tuần qua hình thức trực tuyến. Từ đầu năm học đến nay, ngoài việc sinh hoạt theo đúng kế hoạch, trường tập trung chủ đề sinh hoạt chuyên môn vào các tiết dạy mẫu của chương trình SGK mới lớp 6; cùng nhau rút kinh nghiệm, trao đổi về phương pháp dạy để cải tiến chất lượng tiết học.
Chia sẻ về giáo án online cũng là chủ đề thường xuyên được các tổ nhóm chuyên môn thảo luận, thiết kế trò chơi lồng ghép ra sao, các hoạt động tổ chức trong tiết học thế nào… được các cô bàn luận, học hỏi lẫn nhau để cải tiến và tăng chất lượng của từng giờ học trực tuyến - cô Trần Thị Quỳnh Hương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thành Công nói.
Được biết, để giúp khắc phục một số khó khăn trong việc tổ chức dạy các môn học tích hợp, hoạt động giáo dục với lớp 6, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập Tổ tư vấn gồm chyên viên và giáo viên cốt cán các bộ môn: Lịch sử và Địa lý, Mỹ thuật, Âm nhạc, Vật lý, Hóa học, Sinh học để tư vấn chuyên môn, giúp các nhà trường xây dựng kế hoạch môn học, đưa ra phương án sắp xếp thời khóa biểu phù hợp thực tế; tư vấn cho giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy, khung ma trận và bảng đặc tả đề kiểm tra môn học; gợi ý kiến thức trọng tâm trong kế hoạch bài dạy; tư vấn thường xuyên, tháo gỡ thắc mắc và hướng dẫn trực tiếp cho giáo viên và đơn vị qua zalo. Trên cơ sở đó, các quận, huyện cũng thành lập nhóm giáo viên cốt cán tham gia công tác chuyên môn từ đầu năm học 2021- 2022.