Sinh ra từ tinh trùng hiến tặng, chàng trai tìm thấy 32 anh chị em cùng cha
Tôi vẫn luôn biết rằng mình là đứa trẻ được sinh ra từ tinh trùng của người hiến tặng. Nhưng năm 19 tuổi, tôi phát hiện ra mình có các anh chị em cùng cha khác mẹ.
Sau đó, tôi bắt đầu tìm kiếm họ - con số lên tới 32 người.
Phần 1: Anh chị em - những người lạ
Trong nhà, việc tôi được sinh ra với sự trợ giúp của người hiến tặng tinh trùng chưa bao giờ là một bí mật. Ngày nhỏ, tôi gần như không bao giờ nghĩ tới người ấy. Nhưng năm 11 tuổi, tôi bắt đầu đặt câu hỏi.
Khi ấy, bố mẹ tôi (tôi có 2 bà mẹ) đưa cho tôi một bản photo bảng khai mà người hiến tặng tinh trùng đã khai trước khi ông ấy làm việc này. Ngân hàng tinh trùng California Cryobank đã gửi nó cho 2 bà mẹ của tôi. Bảng khai được viết vào năm 1996 - 2 năm trước khi tôi ra đời.
Tôi nhớ là mình đã mang theo nó bên mình đi khắp nơi. Nhiều lúc tôi lại có một cảm giác khó tả. Nó như một bằng chứng cho thấy ông ấy là có thật. Nó cũng cho tôi cái cảm giác rằng có một thế giới rộng lớn hơn, có một hệ thống rộng lớn hơn - thứ đã giúp tôi sinh ra đời. Đó cũng là cách giúp tôi hiểu mình hơn.
Tôi biết nhiều đứa trẻ khác cũng được sinh ra nhờ tinh trùng hiến tặng, bởi vì cứ mỗi mùa hè, chúng tôi lại tổ chức cắm trại giữa các gia đình có bố mẹ đồng giới.
Mùa hè năm ngoái, trong cộng đồng chúng tôi có lan truyền một thông tin rằng có 2 đứa trẻ ở 2 gia đình khác nhau đã cố gắng kết nối với người hiến tặng hoặc các anh em cùng cha/ cùng mẹ của mình. Và họ đã phát hiện ra rằng họ có chung bố.
Lúc ấy, mọi chuyện vẫn chưa đến với tôi. Nhưng không có nghĩa là chúng tôi không suy nghĩ về điều đó, bởi vì 2 người mẹ của tôi đã cố tình chọn người hiến tặng mà tinh trùng của ông ta đã thành công ít nhất 1 lần.
Việc 2 đứa trẻ ở trại hè tìm ra anh chị em ruột khiến tôi tò mò muốn biết xem liệu tôi có các anh chị em cùng cha khác không. Vì thế, tháng 8 năm ngoái - khi tôi 19 tuổi, tôi đã lục lại bản khai của người hiến tặng mà tôi vẫn giữ trong chiếc ba lô.
Tôi mang nó tới bộ phận đăng ký tìm anh chị em của ngân hàng tinh trùng California Cryobank - ngân hàng tinh trùng lớn nhất nước Mỹ. Sau đó tôi đánh số của người hiến tặng.
Trước mắt tôi là một bảng tin dành cho con cái của người hiến tặng. Tôi nhìn thấy hàng chục cái tên giả của các bà mẹ và những đứa trẻ, có lẽ do ngại tiết lộ tên thật của mình. Có một cái tên sừng sững hiện ra trước mắt tôi - jplamb.
Tôi lớn lên ở Oakland, nhưng có một một học kỳ hồi trung học tôi học ở New York - chương trình dành cho những học sinh thích học hỏi thông qua trải nghiệm. Ở đó, tôi có kết bạn với Gus Lamb - người cũng có 2 bà mẹ đồng tính và được sinh ra nhờ tinh trùng hiến tặng.
Ngay lập tức, tôi nhắn tin cho Gus để hỏi xem cậu ấy đã kiểm tra mã số của người hiến tặng ở California Cryobank chưa. Cậu ấy nói đã kiểm tra rồi. Chúng tôi trao đổi mã số của người hiến tặng tinh trùng cho nhau, và chúng tôi nhận ra rằng mình có cùng một người bố.
Ngay lúc đó, chúng tôi vừa thấy vui vừa thấy bàng hoàng. Thật tuyệt vời nhưng cũng thật bối rối khi chúng tôi từ những người bạn bây giờ lại trở thành anh em.
Trong chương trình học tập thông qua trải nghiệm, chúng tôi thường xuyên được yêu cầu viết những bài luận cá nhân để hiểu về cuộc sống của bản thân. Suốt 4 tháng, chúng tôi đã làm điều đó, đã đọc cho nhau nghe bài luận của mình, đã ngủ chung phòng ký túc xá nhưng không hề biết rằng mình là anh em - một tình cảnh thật éo le.
Tôi có cảm giác rằng các nhà khoa học đang tiến hành một thí nghiệm, rồi họ đi ăn trưa và quên kiểm tra lại.
Thế rồi, chúng tôi gọi cho nhau - tôi ở California, còn Gus ở Massachusetts. Gus nói với tôi rằng cậu ấy chưa bao giờ thích tìm hiểu sâu hơn về các anh chị em cùng cha của mình. Nhưng Izzy - em gái cùng cha của cậu ấy và cũng là của tôi - thì rất quan tâm tới việc này.
‘Chúng ta có rất nhiều anh chị em’ - Gus nói.
Lại là một cú ‘sốc’ khác. Cậu ấy kể rằng, nhiều người trong số họ đã liên lạc với nhau nhiều năm rồi. Gus và Izzy thậm chí còn nói chuyện với nhau qua video vài lần.
Sau khi gác máy, tôi kể cho bố mẹ nghe những gì tôi vừa khám phá ra. Họ cũng sững sờ không kém. Tôi cảm thấy vừa tò mò vừa lo lắng về những người này và việc họ có ý nghĩa với tôi như thế nào. Nó khiến tôi có cảm giác rằng chúng tôi đã được sản xuất hàng loạt và không có giới hạn.
Để tiếp cận các anh chị em của mình, tôi nảy ra ý tưởng dùng nhiếp ảnh như một cái cớ để gặp họ. Nhiếp ảnh vốn là thứ mà tôi thích thú từ lâu. Có lẽ trong khi làm việc này, tôi sẽ tìm thấy một sự tĩnh tâm, ngay cả khi tôi nhận ra rằng trải nghiệm này sẽ mang tới cho tôi những mâu thuẫn, sự khó chịu, hay thậm chí là một thứ tình yêu...
(còn nữa)
Loạt bài viết của tác giả Susan Dominus. Tác giả ảnh là Eli Baden-Lasar - cũng là nhân vật chính của loạt bài.
Nguyễn Thảo (Dịch từ The New York Times)