Sinh viên chấp nhận mức lương thấp không phải để sống mà để học hỏi, hoàn thiện bản thân
'Thực trạng của giới trẻ hiện nay là chưa đi làm đã đòi quyền lợi, họ quên việc đầu tiên là phải cống hiến cho tổ chức, xã hội. Từ tổ chức đó nâng tầm bản thân lên thì tiền sẽ tự đến, thu nhập có sự cân bằng với trình độ. Sinh viên đi làm lương thấp không phải để sống mà để học hỏi, hoàn thiện bản thân', ông Lê Xuân Tùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang nam BILUXURY chia sẻ tại Tọa đàm Sinh viên với nghề nghiệp và việc làm thời đại cách mạng 4.0 - Hội chợ Hướng nghiệp và việc làm TMU 2024.
Sáng ngày 11/5, tại Trường Đại học Thương mại, đông đảo sinh viên tại Hà Nội đã đến Hội chợ Hướng nghiệp và việc làm TMU 2024 (TMU Jobs fair 2024) với nhiều hoạt động hướng nghiệp, giới thiệu việc làm hấp dẫn.
Điểm nhấn của TMU Jobs fair 2024 là Tọa đàm Sinh viên với nghề nghiệp và việc làm thời đại cách mạng 4.0 với các diễn giả: ông Lê Xuân Tùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang nam BILUXURY; bà Nguyễn Thị Lê Uyên – Phó Tổng Giám đốc khối vận hành Công ty cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc; bà Lê Dung – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup, Viện trưởng Viện Doanh Trí, chủ tịch CLB CEO 1983.
Tham dự chương trình có TS Nguyễn Xuân An Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội; bà Lê Thị Mỹ Hạnh – Trưởng Ban Đối ngoại, Khối Đào tạo ACCA Việt Nam, bà Ngô Thu Dương – Phó Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội; bà Phan Thị Hạ - Nhà sáng lập doanh nghiệp xã hội HR Companion…
Về phía Trường Đại học Thương mại, có sự tham dự của PGS. TS Bùi Hữu Đức – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thương mại; PGS. TS Hà Văn Sự - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại; PGS. TS Nguyễn Viết Thái – Chủ tịch Công đoàn Trường; TS Phan Thu Trang – Bí thư Đoàn trường, Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh; TS Nguyễn Thu Quỳnh – Trưởng phòng CTSV cùng các cán bộ, giảng viên và hàng trăm sinh viên tham dự.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS. TS Hà Văn Sự - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại cho rằng: “Hoạt động hướng nghiệp luôn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sinh viên và các trường đại học. Thông qua hoạt động này, sinh viên có cơ hội tìm hiểu về thị trường lao động, đánh giá năng lực của bản thân, từ đó đưa ra những quyết định đúng về chọn nghề nghiệp, chuẩn bị hành trang vững vàng cho tương lai. Đối với các trường đại học, đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp thể hiện cam kết mạnh mẽ của nhà trường đối với xã hội về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.”
Sinh viên cần điều gì ở công việc lương thấp
Tại buổi tọa đàm, nhận định về xu hướng ngành nghề, diễn giả Lê Xuân Tùng cho rằng ngành Công nghệ thông tin, ngành Y tế, chăm sóc sức khỏe và kinh tế xanh sẽ là những ngành xu hướng, cần nguồn lớn nhân lực. Chia sẻ về yêu cầu của những nhà tuyển dụng dành cho người lao động, với kinh nghiệm nhiều năm tham gia tuyển dụng nhân sự cấp cao cho các doanh nghiệp, ông Tùng cho rằng nhân sự ngày nay cần có sự toàn diện, thích ứng được với mọi điều kiện, không phải chỉ chuyên vào một lĩnh vực mà cần mở rộng sự học hỏi các lĩnh vực khác để trở thành con người đa năng, đa nhiệm để nhanh chóng thích ứng với mọi yêu cầu công việc.
“Doanh nghiệp rất cần những sinh viên có khao khát trở thành nhân sự xuất hoặc trở thành lãnh đạo xuất sắc sắc của doanh nghiệp trong tương lai hay không mới là điều quan trọng. Tôi thấy một thực trạng đáng buồn ở sinh viên hiện nay là tinh thần phấn đấu, rèn luyện, phấn đấu để trở thành nhân sự giỏi, lãnh đạo giỏi của các bạn trẻ đang rất ít. Doanh nghiệp luôn rất cần những người có tinh thần cầu thị, muốn vào doanh nghiệp để học hỏi, thực hành và từ đó đồng hành cùng doanh nghiệp.”
Nhận được câu hỏi về việc sinh viên cần điều gì ở một công việc có mức lương thấp, ông Lê Xuân Tùng chia sẻ: “Sinh viên đi làm lương thấp không phải để sống mà để học hỏi, hoàn thiện bản thân. Đừng nói về lương mà hãy chú ý đến môi trường làm việc, môi trường hoàn thiện mình, học hỏi và phát triển để một ngày nào đó các bạn có ước mơ và sự nghiệp cho riêng mình.
Thực trạng bây giờ của giới trẻ là chưa đi làm đã đòi quyền lợi rồi mà họ quên việc đầu tiên là phải cống hiến cho tổ chức, xã hội. Từ tổ chức đó nâng tầm bản thân lên thì tiền sẽ tự đến thôi, thu nhập có sự cân bằng với trình độ.”
Tại chương trình, nhiều sinh viên đã đặt câu hỏi về các khối ngành, cơ hội việc làm, cách thức xây dựng CV ấn tượng và đưa ra những tình huống cụ thể cho các diễn giả. Ngoài tọa đàm tại hội trường H1, các bạn sinh viên cũng được gặp và trò chuyện, tư vấn hướng nghiệp trực tiếp với các mentor là chuyên gia nhân sự.
Tại TMU Jobs fair 2024, sinh viên được gặp gỡ trực tiếp 44 doanh nghiệp tuyển dụng với hàng trăm vị trí việc làm, cơ hội kiến tập và thực tập, giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với các vị trí việc làm đồng thời hiểu rõ hơn về công việc, yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.