Sinh viên ĐHQG TP. HCM sắp được đi học bằng tàu điện Metro

Khi đi vào hoạt động, tàu Metro có thể vận chuyển gần 39.000 lượt khách/ngày, giúp cho người dân TP. HCM cũng như sinh viên đang học tập tại ĐHQG TP. HCM dễ dàng di chuyển một cách nhanh chóng. Theo như kế hoạch đã báo cáo với UBND TP. HCM, tuyến Metro số 1 dự kiến đi vào khai thác thử cuối năm nay.

Đi vào dự án cuối cùng

Tuyến Metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên gồm 9 cầu bộ hành có nhánh trái và nhánh phải kết nối các nhà ga trên cao dọc trục đường Võ Nguyên Giáp và Xa lộ Hà Nội. Phạm vi thi công trải dài và giao cắt với nhiều hạ tầng ngầm trọng yếu như cấp thoát nước, cây xanh, điện cao thế, hệ thống chiếu sáng, viễn thông.

Đây là một trong những hạng mục thi công cuối cùng nhưng chiếm vai trò quan trọng trong việc kết nối người dân với hệ thống nhà ga đường sắt đô thị. Đường Võ Nguyên Giáp là trục đường chính và huyết mạch của trung tâm thành phố, với nhiều phương tiện lưu thông trọng tải lớn, vì vậy các cầu bộ hành được xây dựng để hành khách có thể tiếp cận nhà ga an toàn. Nhất là đối với Ga Suối Tiên thuộc khu vực ĐHQG TP. HCM, khách di chuyển phương tiện công cộng chủ yếu là sinh viên Làng Đại học Thủ Đức, việc xây dựng cầu bộ hành giúp sinh viên tiếp cận với phương tiện công cộng mới dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Hệ thống tàu điện Metro nhìn từ trên cao xuống. (Ảnh: Duy Anh)

Hệ thống tàu điện Metro nhìn từ trên cao xuống. (Ảnh: Duy Anh)

“Theo mình, việc sinh viên ở trung tâm di chuyển bằng xe máy đi học tại khu vực ĐHQG TP. HCM và ngược lại, gặp nhiều khó khăn và khá nguy hiểm khi di chuyển trên tuyến đường quốc lộ nhiều xe công ten nơ lớn di chuyển, chưa kể vấn đề thời tiết thất thường. Nếu tuyến Metro số 1 có thể sớm đi vào vận hành, mình nghĩ việc đi học sẽ an toàn và đỡ cực hơn cho sinh viên rất nhiều”, Nguyễn Minh Như (trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ.

Kết nối sinh viên ngoài trung tâm thành phố

Theo ông Hoàng Văn Tứ - Quản lý thi công Gói thầu CP2, Dự án Metro số 1, chính quyền luôn nhận thức được sự kỳ vọng của người dân thành phố trong việc dự án sẽ sớm đưa vào khai thác vận hành. Tuy nhiên, bên cạnh công tác thi công xây dựng, công tác đào tạo đội ngũ nhân viên thì một số công tác khác cũng rất quan trọng để có thể kết thúc dự án. Như công tác kiểm tra, nghiệm thu của các cơ quan quản lý Nhà nước, công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy, kiểm tra môi trường, đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, kiểm định phương tiện đoàn tàu hoặc tiếp thu một số ý kiến từ hội đồng kiểm tra Nhà nước để dự án có thể sớm đưa vào khai thác và vận hành.

Hệ thống đường tàu và nhà ga trên cao tại Ga Thủ Đức đã hoàn tất. (Ảnh: Thủy Trang)

Hệ thống đường tàu và nhà ga trên cao tại Ga Thủ Đức đã hoàn tất. (Ảnh: Thủy Trang)

Lê Thị Mỹ Duyên (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Mình là sinh viên ở tỉnh lên đây học, nếu có thể đi tàu Metro vào trung tâm thành phố để vui chơi cuối tuần thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Vì đường ở đây (TP. HCM) đông đúc, mình khá ngại khi tự di chuyển bằng xe máy, hy vọng khi tàu Metro đi vào hoạt động, phần nào sẽ trở thành phương tiện để sinh viên ở Làng Đại học Thủ Đức như mình có thể thuận tiện di chuyển và dễ dàng tiếp cận các hoạt động vui chơi, văn hóa ở khu vực trung tâm thành phố hơn!”.

Sinh viên trải nghiệm tàu điện Metro thử. (Ảnh: Phú Quang)

Sinh viên trải nghiệm tàu điện Metro thử. (Ảnh: Phú Quang)

Hiện nay, còn 2 Ga Thủ Đức và Ga Suối Tiên đang bước vào giai đoạn nước rút, nhà thầu sẽ phấn đấu hoàn thiện trong tháng 10/2024. Tiến độ dự án vẫn được kiểm soát chặt chẽ, cho đến hiện tại, dự án Metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên đã đạt 98,6%. Dự kiến khi hoàn thành, tuyến Metro số 1 sẽ kết nối khu vực trung tâm và khu vực ngoại ô thành phố.

Thủy Trang

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-dhqg-tp-hcm-sap-duoc-di-hoc-bang-tau-dien-metro-post1686227.tpo