Sinh viên quốc tế là nguyên nhân gây lạm phát tăng cao tại Australia
Sinh viên quốc tế là thành phần quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Austraila. Tuy vậy đối tượng này được xác định là một trong những nhân tố gây ra tình trạng lạm phát cao tại Australia giai đoạn sau đại dịch Covid-19.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Australia cho thấy, sinh viên nước ngoài là một trong những yếu tố khiến cho tỷ lệ lạm phát của nước này lên tới 7.8% vào tháng 12/2022.
Theo số liệu của Ngân hàng Dự trữ Australia, sinh viên quốc tế đến nước này tăng từ 300 nghìn em vào năm 2022 lên đến 560 nghìn em vào năm 2023. Số lượng đông đảo sinh viên quốc tế đến Australia đổ nguồn tiền lớn vào thị trường nước này thông qua các khoản học phí và tiền chi tiêu nên trở thành nhân tố khiến lạm phát tại Australia ở mức cao và mất nhiều thời gian mới trở về mức mục tiêu.

Trường Đại học New South Wales của Australia nằm trong bảng xếp hạng 20 trường đại học hàng đầu của thế giới năm 2026. Ành: Việt Nga
Tuy vậy, báo cáo cũng khẳng định, sinh viên quốc tế là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Australia khi giáo dục quốc tế là một trong năm lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu của nước này.
Trước tình trạng sinh viên quốc tế ồ ạt đến Australia học, chính phủ nước này đã đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế số lượng này như đặt thêm các điều kiện và tăng thêm yêu cầu đối với du học sinh, xét duyệt hồ sơ thị thực chặt chẽ hơn, chấm dứt việc chuyển đổi thị thực từ du lịch sang học tập. Tuy vậy, chính quyền Australia đã hủy bỏ kế hoạch áp đặt hạn ngạch thị thực khi không nhận được sự ủng hộ cần thiết tại Quốc hội.
Theo số liệu mà Bộ Giáo dục Australia công bố đầu tháng 7/2025, trong 1 năm vừa qua, nước này đón gần 220 nghìn sinh viên quốc tế đến học, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có nhiều sinh viên đến Australia học tập nhất với 23%, tiếp đó là Ấn Độ với 17%, Nepal chiếm 8%, Việt Nam đứng thứ tư với 5%. Ngành học được các sinh viên quốc tế lựa chọn nhiều nhất là quản trị và thương mại, tiếp đến là công nghệ thông tin.