Sinh viên tìm thuê trọ: Giá cả không còn là tiêu chí ưu tiên

Nhiều sinh viên thuê trọ tại Hà Nội cho biết, không chỉ cần 'rẻ', vấn đề đảm bảo phòng cháy chữa cháy cũng được quan tâm rất nhiều khi họ đi tìm thuê trọ học ở Hà Nội.

Nhiều nhà trọ nằm sâu trong ngõ khó khăn cho công tác cứu hộ khi xảy ra hỏa hoạn. Ảnh: Vĩnh Khánh

Nhiều nhà trọ nằm sâu trong ngõ khó khăn cho công tác cứu hộ khi xảy ra hỏa hoạn. Ảnh: Vĩnh Khánh

Thời gian gần đây, Hà Nội ghi nhận liên tiếp các vụ cháy lớn liên quan đến chung cư mini, nhà trọ sinh viên. Các vụ cháy đã để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng con người và thiệt hại lớn về tài sản.

Bên cạnh yếu tố tài chính, các sinh viên đã đề cao các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy như nhà trọ có lối thoát hiểm, hệ thống điện, bình chữa cháy, báo cháy...

Mặt khác, sinh viên ý thức hơn việc trang bị cho bản thân các kỹ năng cơ bản để thoát nạn khi xảy ra sự cố.

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tại các phòng trọ giá rẻ

Hệ thống bình chữa cháy và hướng dẫn sử dụng tại nhà trọ của chị Ánh Nguyệt. Ảnh: Vĩnh Khánh

Hệ thống bình chữa cháy và hướng dẫn sử dụng tại nhà trọ của chị Ánh Nguyệt. Ảnh: Vĩnh Khánh

Địa bàn Hà Nội có mật độ dân số cao, đặc biệt là người lao động, học sinh, sinh viên làm việc, học tập và cư trú. Vì thế, nhu cầu thuê phòng trọ và chung cư mini trở nên rất phổ biến.

Đa phần sinh viên có xu hướng thuê chung 2-3 bạn một căn phòng để tiết kiệm chi phí. Sinh hoạt và nấu nướng trong không gian hẹp, chứa nhiều đồ dùng dễ bắt lửa, hệ thống điện không được bảo dưỡng thường xuyên... tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Mặt bằng chung, các phòng trọ hiện nay thường có diện tích nhỏ khoảng 15-20m2. Lối thoát hiểm thường là cầu thang trong nhà, lối đi chung và cũng là nơi để xe máy. Rất nhiều các nhà trọ nằm sâu trong ngõ nhỏ, khiến lối thoát hiểm đã bé lại bé hơn.

Trao đổi về việc này, Nguyễn Minh Thư (21 tuổi, quê ở Hải Phòng, sinh viên trường Đại học Lao động Xã hội), cho biết: "Mình khá bận nên không quá chú ý vấn đề phòng cháy chữa cháy.

Khoảng cách từ phòng mình đến lối thoát hiểm tương đối gần. Dù biết vẫn chưa đảm bảo an toàn nhưng ở đây mình thấy giá cả hợp lý, mọi người xung quanh thoải mái và an ninh tốt nên mình vẫn chưa có ý định chuyển".

Đỗ Vinh Quang (22 tuổi, quê ở Hạ Long, sinh viên Học viện Ngân hàng) chia sẻ, phòng không chia riêng khu vực bếp nên mọi sinh hoạt, nấu ăn, ngủ nghỉ, học tập,… đều diễn ra chung trong không gian 20m2.

Hệ thống điện khá sơ sài, sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp nhưng chỉ khi có các dấu hiệu bất thường về đường điện, chủ nhà trọ mới đến sửa chữa. Bình chữa cháy các tầng không được thay mới thường xuyên.

"Nhiều người thuê nhà thiếu ý thức thường xuyên hút thuốc lá và vứt tàn thuốc bừa bãi. Một số hộ hóa vàng mã vào ngày rằm và mùng một, sử dụng bếp ga để nấu nướng,... Với các điều kiện hiện tại của khu trọ, đó đều là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn", Quang nói.

Dương Thu Trang (24 tuổi, quê Phú Thọ, sinh viên Đại học Giao thông vận tải) thuê trọ sống một mình, chi phí dao động từ 1,7-2 triệu đồng/tháng, phù hợp tài chính cá nhân. Dù chung cổng ra vào nhưng dãy nhà cho thuê nằm tách biệt với nhà chủ trọ, người thuê có chìa khóa riêng.

Nhà trọ của mình chỉ có một lối đi chung rất hẹp, dài tầm 300m. Hệ thống phòng cháy chữa cháy tại đây chưa được đầu tư nên mình đã tự trang bị các kỹ năng và kiến thức như: Không sạc xe điện qua đêm, khóa van bình gas sau khi nấu, thường xuyên kiểm tra dây cáp và ổ điện. Trong nhóm tin nhắn chung, chủ trọ thường xuyên nhắc nhở và gửi thông tin hướng dẫn phòng cháy chữa cháy từ cơ quan chức năng", Trang bày tỏ.

Sinh viên tự tìm hiểu kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân

Qua khảo sát, nhiều sinh viên cho biết rất quan tâm đến vấn đề phòng cháy chữa cháy đặc biệt là các kỹ năng cơ bản để thoát nạn khi xảy ra sự cố.

Lê Ánh Nguyệt (24 tuổi), vừa mới tốt nghiệp và hiện đang làm nhân viên văn phòng, để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và hạn chế thiệt hại do cháy, nổ, chủ dãy trọ đã trang bị đầy đủ hệ thống, vật dụng phòng cháy chữa cháy. Toàn thể người thuê trọ được tham gia các buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy định kỳ.

"Ngoài các thang máy còn có lối thang bộ thoát hiểm cho người thuê khi có sự cố. Hệ thống báo cháy và phun nước tự động luôn được kiểm tra, đảm bảo hoạt động tốt. Bảo vệ dãy trọ cũng luôn nhắc nhở các bạn sử dụng xe điện không sạc qua đêm. Tuy giá có mới cao nhưng mình luôn cảm thấy an tâm", Ánh Nguyệt chia sẻ.

Thu Hằng (22 tuổi, quê Điện Biên, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đang thuê nhà riêng cùng với chị gái tại quận Thanh Xuân. Lựa chọn này phù hợp với mức thu nhập của cả hai, thuận tiện di chuyển. Chủ nhà cho người thuê toàn quyền sử dụng, vì không đủ tiền cho các thiết bị chữa cháy, hai chị em tự trang bị mặt nạ phòng độc, bình cứu hỏa, búa, camera an ninh đề phòng những trường hợp khẩn cấp.

Khi thuê trọ, các bạn sinh viên đặc biệt lưu ý cần phải đảm bảo có lối thoát hiểm, lối thang bộ an toàn và dễ dàng tiếp cận cho tất cả cư dân, người trọ, không lắp đặt "chuồng cọp" bít lối thoát nạn, không bị chặn hoặc bị cản trở bởi vật dụng, đồ đạc.

Sinh viên nên yêu cầu chủ nhà kiểm tra định kỳ, đảm bảo hệ thống điện trong phòng trọ, chung cư được lắp đặt, sử dụng an toàn.

Ngoài ra, cần đề cao việc kiểm soát chặt chẽ quá trình sạc điện đối với các phương tiện sử dụng pin cho xe đạp điện, xe máy điện, sạc dự phòng, điện thoại,… tuyệt đối không sạc khi không kiểm soát được các thiết bị.

Người thuê trọ thường xuyên kiểm tra hệ thống nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, tắt hoàn toàn khi không sử dụng. Người thuê trọ nghiên cứu, tận dụng bố trí lối thoát nạn thứ hai trên cửa sổ, mái nhà, qua ban công hoặc trang bị dụng cụ phá dỡ phù hợp.

Vĩnh Khánh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/sinh-vien-tim-thue-tro-gia-ca-khong-con-la-tieu-chi-uu-tien-179240620125436653.htm