Sinh viên USTH lọt TOP 7 cuộc thi Hùng biện nghiên cứu khoa học toàn cầu 2024
Học viên cao học Phạm Viết Hà Quảng của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã xuất sắc lọt TOP 7 ý tưởng tại vòng chung kết Cuộc thi Hùng biện nghiên cứu khoa học toàn cầu- InSPiR2eS Global Pitching Research Competition (IGPRC) được tổ chức vào ngày 29/01/2025 vừa qua.
Cuộc thi Hùng biện nghiên cứu khoa học toàn cầu - InSPiR2eS Global Pitching Research Competition (IGPRC) được khởi xướng từ năm 2022 do GS. Robert Faff và các thành viên trong mạng lưới International Society of Pitching Research for Responsible Science (InSPiR2eS) tổ chức và được tài trợ bởi ELSEVIER. Tiếp nối sự thành công của IGPRC năm 2022 và năm 2023, cuộc thi năm 2024 mở ra một sân chơi học thuật tầm cỡ quốc tế dành cho các bạn sinh viên năm cuối, học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh, thạc sĩ, tiến sĩ đam mê nghiên cứu khoa học.
Vượt qua hơn 100 đề tài đến từ các châu lục khác nhau, đề tài “Khả năng ức chế kết tập tiểu cầu bằng cây dong riềng đỏ Việt Nam: Khám phá các tương tác phân tử” của Phạm Viết Hà Quảng, học viên thạc sĩ chương trình Công nghệ Sinh học: Thực vật – Y sinh – Dược học của USTH đã xuất sắc lọt vào TOP 7 những ý tưởng nghiên cứu xuất sắc nhất.
![Hình ảnh Hà Quảng tại Canada - nơi bạn thực tập.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_176_51463020/1156f8c3c88d21d3789c.jpg)
Hình ảnh Hà Quảng tại Canada - nơi bạn thực tập.
Đề tài nghiên cứu dự thi của Phạm Viết Hà Quảng lấy ý tưởng từ quá trình thực tập chương trình Cử nhân tại USTH với PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Anh, giảng viên khoa Khoa học Sự sống. Trong quá trình nghiên cứu, Quảng nhận thấy rằng Việt Nam có rất nhiều cây dược liệu được sử dụng trong các bài thuốc dân gian. Tuy nhiên, trong các báo cáo khoa học hiện nay, có rất ít các chất sạch được chiết xuất ra từ cây được ghi nhận, vì vậy Quảng lấy làm tiếc khi nguồn “thuốc” có sẵn trong tự nhiên bị bỏ lỡ.
Cái “duyên” của Quảng với đề tài nghiên cứu này tiếp tục đến khi cậu bạn tham gia kỳ thực tập năm thứ nhất của chương trình thạc sĩ với PGS.TS. Phạm Thế Hải và TS. Nguyễn Cẩm Linh tại USTH. Trong đó, Quảng được làm quen với việc áp dụng tin sinh vào trong nghiên cứu mô hình và dự đoán liên kết trong phân tử. Từ đó, Quảng nảy ra ý tưởng về việc kết hợp mô hình này với ý tưởng bạn đã ấp ủ từ trước, biến đề tài “Khám phá khả năng ức chế kết tập tiểu cầu của cây dong riềng đỏ Việt Nam” thành một dự án hoàn chỉnh hơn. Tham dự cuộc thi IGPRC 2024, Quảng coi đây là một cơ hội để hoàn thiện ý tưởng nghiên cứu khoa học và đưa những tâm huyết của mình ra thế giới.
![Hình ảnh của Phạm Viết Hà Quảng tại vòng chung kết.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_176_51463020/af18448d74c39d9dc4d2.jpg)
Hình ảnh của Phạm Viết Hà Quảng tại vòng chung kết.
Chia sẻ về quá trình tham gia cuộc thi, Quảng cho biết mình trải qua 3 vòng thi: “Ở vòng đầu tiên, mình đã hoàn thành một bản đề xuất ý tưởng, bao gồm Câu hỏi nghiên cứu cơ bản (Basic Research Question), Động lực (Motivation), Ý tưởng (Idea), Số liệu (Data), Công cụ sử dụng (Tools) và Điểm mới trong nghiên cứu (What’s New). Sau đó đến vòng bán kết, mình phải quay 1 video từ 10-12 phút để thuyết trình toàn bộ dự án của mình. Đối với vòng chung kết, thời gian thuyết trình chỉ có tối đa 3 phút, nên mình đã cố gắng tối giản hết sức sao cho nội dung chuyển tải có thể trọn vẹn nhất”.
Nói về những cái “được” khi tham gia cuộc thi, Hà Quảng vui mừng cho biết: “Mình đã học được nhiều giá trị và bài học quý giá. Trước hết, mình đã cải thiện được các kỹ năng nghiên cứu của mình, từ việc tìm kiếm và phân tích tài liệu đến việc phát triển ý tưởng một cách hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, những yêu cầu của cuộc thi đã giúp mình học được cách trình bày ý tưởng một cách cô đọng, nhưng vẫn truyền tải được đầy đủ nội dung và thuyết phục Ban Giám khảo”.
![Hình ảnh Hà Quảng tại Đại học Québec tại Trois-Rivìeres - nơi bạn thực tập.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_176_51463020/c84431d1019fe8c1b18e.jpg)
Hình ảnh Hà Quảng tại Đại học Québec tại Trois-Rivìeres - nơi bạn thực tập.
Hiện tại, Hà Quảng đang đi thực tập tại Đại học Québec ở Trois-Rivìeres (Canada) theo chương trình học bổng trao đổi Canada-ASEAN Scholarships and Educational Exchanges for Development (SEED) để hoàn thành luận văn thạc sĩ của USTH.
Một lần nữa, xin chúc mừng Phạm Viết Hà Quảng với thành tích ấn tượng này. Hy vọng đây sẽ là bước đệm vững chắc để bạn tiếp tục đam mê với nghiên cứu khoa học và đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, chúc Quảng tiến xa hơn nữa với nghiên cứu này, để một chế phẩm thuốc mới từ dược liệu của Việt Nam góp phần phòng ngừa đột quỵ và nhồi máu cơ tim sẽ sớm xuất hiện trên thị trường thuốc thế giới trong tương lai.