Sinh viên Việt lúng túng trong 'sân chơi' gọi vốn số toàn cầu
Tại Ngày hội Truyền thông Nhà đầu tư Mạo hiểm 2025, ông Đào Hoàng Thanh – Chủ tịch Quỹ đầu tư B.ARMY nhấn mạnh, Việt Nam chưa có hệ sinh thái gọi vốn số hoàn chỉnh, khiến nhiều sinh viên khởi nghiệp gặp khó khi tiếp cận nhà đầu tư. Theo ông, gọi vốn số là chìa khóa để người trẻ hiện thực hóa ý tưởng và vươn ra quốc tế.
Theo ông Đào Hoàng Thanh – Chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm B.ARMY – trong khi thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các nền tảng huy động vốn cộng đồng và số hóa quy trình đầu tư, thì Việt Nam vẫn chưa sở hữu một hệ sinh thái gọi vốn số hoàn chỉnh – điều khiến nhiều dự án khởi nghiệp tiềm năng của người trẻ bị bỏ lỡ cơ hội vươn xa.

Ông Đào Hoàng Thanh – Chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm B.ARMY. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
“Trên các nền tảng gọi vốn quốc tế như Kickstarter hay Indiegogo, tỷ lệ dự án có nhà sáng lập là người Việt Nam hiện chiếm chưa tới 1%”, ông Thanh dẫn chứng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ rào cản truy cập, khi nhiều nền tảng lớn vẫn chưa hỗ trợ creator đến từ Việt Nam. Thực tế cho thấy phần lớn dự án của người Việt xuất hiện trên các nền tảng này đều mang tính thử nghiệm hoặc thông qua đối tác nước ngoài trung gian, thay vì trực tiếp đứng tên khởi tạo.
Trong lĩnh vực startup, dù Việt Nam từng đạt kỷ lục khoảng 1,3 tỷ đôla vốn đầu tư vào năm 2021, con số này cũng chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu cùng năm. “Chúng ta có tiềm năng, có tinh thần khởi nghiệp, nhưng vẫn thiếu nền tảng để giải phóng nguồn lực và ý tưởng. Điều đó càng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng một hệ sinh thái gọi vốn số nội địa, vừa phù hợp với điều kiện trong nước, vừa có khả năng kết nối quốc tế”, ông Thanh nhấn mạnh.

Gửi gắm lời khuyên tới các bạn sinh viên – đối tượng chiếm tỷ lệ lớn trong các phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – ông Thanh cho rằng, tinh thần mạo hiểm là yếu tố tiên quyết. “Khởi nghiệp không dành cho những người an toàn. Phải dám nghĩ lớn, hành động táo bạo, nhưng cũng cần thận trọng khi dùng tài sản cá nhân hay gia đình để đánh cược với rủi ro. Thay vào đó, sinh viên nên chủ động kết nối với các quỹ đầu tư để vừa gọi vốn, vừa học hỏi kinh nghiệm”, ông nói.
Theo ông, thay vì ấp ủ ý tưởng quá lâu trên giấy, người trẻ nên nhanh chóng lập nhóm, triển khai sản phẩm và đưa ra thị trường càng sớm càng tốt. “Phản hồi thực tế từ khách hàng sẽ là dữ liệu quý giá để tinh chỉnh sản phẩm, cải thiện mô hình, tăng tính khả thi khi tiếp cận nhà đầu tư”, ông Thanh chia sẻ.
Trong khuôn khổ sự kiện, nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên, đoàn viên cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và khách tham quan. Anh Trần Quang Hưng – Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho biết, Ngày hội Truyền thông Nhà đầu tư mạo hiểm Đổi mới sáng tạo thường niên là hoạt động trọng tâm nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học, công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn Thủ đô.
“Chúng tôi kỳ vọng đây không chỉ là sân chơi kết nối giữa sinh viên và nhà đầu tư, mà còn là nơi lan tỏa kiến thức, truyền cảm hứng khởi nghiệp trong giới trẻ. Từ đó, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước”, anh Trần Quang Hưng nhấn mạnh.

Hàng trăm bạn trẻ lắng nghe chia sẻ từ diễn giả.
Ngày hội năm nay được đánh giá là có quy mô mở rộng, đa dạng hoạt động kết nối, trưng bày và huấn luyện kỹ năng gọi vốn. Qua đó, nhiều bạn sinh viên đã thể hiện sự sáng tạo, nhạy bén với công nghệ và tư duy kinh doanh rõ ràng – là tiền đề để hình thành lớp doanh nhân trẻ trong tương lai.
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi toàn diện nền kinh tế, gọi vốn số chính là "chìa khóa" để sinh viên Việt Nam không chỉ khởi nghiệp thành công, mà còn đưa sản phẩm, ý tưởng của mình vươn ra thế giới.