Số ca bệnh COVID-19 trên thế giới vượt 132 triệu ca
Theo trang mạng worldometer.info, tổng số ca bệnh COVID-19 từ đầu dịch tới nay đã vượt 132 triệu ca, trong đó trên 2,87 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế Maimonides ở New York, Mỹ. Ảnh: THX
Tính đến 22h ngày 5/4 (giờ Việt Nam) thế giới ghi nhận tổng cộng 132.045.141 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.868.047 ca tử vong. Số bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục là 106.321.587 ca trong khi còn 22.855.507 bệnh nhân vẫn đang được điều trị.
Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 433.000 ca bệnh COVID-19 và trên 6.100 ca tử vong. Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (96.557 ca), Mỹ (trên 44.900 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (42.551 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (1.222 ca), Ấn Độ (445 ca) và Mỹ (370 ca).
Tại Ấn Độ, số ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua đã giảm xuống dưới ngưỡng 100.000 ca/ngày khi nước này ghi nhận 96.557 ca mắc. Trước đó, ngày 5/4, số ca nhiễm mới theo ngày đã lần đầu tiên vượt 100.000 ca. Ấn Độ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng thứ hai bởi dịch COVID-19, chỉ sau Mỹ.
Trong những tuần qua, làn sóng dịch bệnh mới đã nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại Ấn Độ lên lần lượt ở mức 12,5 triệu ca và 165.000 ca. Chỉ riêng bang Maharashtra đã ghi nhận gần 60.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Chính quyền bang đã quyết định siết chặt lệnh giới nghiêm vào buổi tối để khống chế dịch.
Tại Đức, trong bối cảnh chỉ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng gấp đôi trong tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo sau lễ Phục sinh có thể thực hiện phong tỏa triệt để và nhất quán trên cả nước, được coi là "siêu phong tỏa", bao gồm áp đặt hạn chế đi lại vào ban ngày.
Thủ tướng Merkel cho rằng nhiều bang chưa tuân thủ các biện pháp đã được chính quyền liên bang và các bang nhất trí, trong đó có yêu cầu thực hiện biện pháp khẩn cấp đối với những bang có chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày vượt quá 100/100.000 dân.
Bà Merkel đề cập việc sửa đổi Luật Chống lây nhiễm để có thể buộc các bang phải tuân thủ các quy định được Chính phủ liên bang đưa ra, thay vì chỉ khuyến nghị thực hiện như hiện nay.
Tại khu vực Trung Đông, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến xấu.
Nhà chức trách Iran quan ngại các thành phố của nước này có thể phải hứng chịu làn sóng mới dịch COVID-19. Bộ trưởng Y tế và Giáo dục y tế Iran Saeed Namaki cho biết trước kỳ nghỉ lễ năm mới cổ truyền của Iran, bắt đầu vào ngày 21/3 vừa qua, bộ này đã cảnh báo về sự nguy hiểm của các biến thể của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, người dân đã không lắng nghe khuyến cáo về hạn chế đi lại trong dịp nghỉ lễ nên hiện tình hình dịch bệnh trong nước rất nghiêm trọng. Hiện Iran ghi nhận trên 1,94 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 63.300 người tử vong.
Bộ Y tế Iraq thông báo ghi nhận 6.423 ca mắc mới trong ngày 5/4, nâng tổng số ca mắc lên 879.991 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận 39 ca tử vong mới, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi tại nước này lên 14.502 ca.
Kuwait cũng thông báo ngày hôm qua có thêm 1.357 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 238.549 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận 12 ca tử vong mới, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi do COVID-19 lên 1.365 ca.
Là một trong những nước đi đầu thế giới trong việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Mỹ đã thực hiện tiêm chủng hơn 165 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và phân phối gần 208 triệu liệu trên toàn quốc tính đến sáng 4/4 (theo giờ địa phương).
Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Mỹ đã công bố số liệu báo cáo trên, phản ánh công tác tiêm chủng nhanh chóng của nước này. Theo đó, đã có 106.214.924 người tại Mỹ đã được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi số người được tiêm vaccine đủ liều đã lên tới 61.416.536 người.
Hiện Mỹ sử dụng 3 loại vaccine ngừa COVID-19 gồm vaccine tiêm 2 mũi của Moderna Inc và Pfizer/BioNTech, cùng loại vaccine tiêm 1 mũi của Johnson & Johnson.