Số ca mắc bệnh truyền nhiễm gia tăng do khoảng trống tiêm phòng

Thời gian gần đây, tại tỉnh Đắk Lắk, các ca bệnh truyền nhiễm có chiều hướng gia tăng, trong đó, ghi nhận sự quay trở lại của bệnh sởi. Đáng lo ngại, tại địa phương có thời gian thiếu vaccine tạo nên những 'khoảng trống miễn dịch' khiến nguy cơ các loại bệnh bùng phát là rất lớn.

Gia tăng ca mắc sởi bị biến chứng

Ngành Y tế Đắk Lắk tiến hành tiêm bù, tiêm vét vaccine phòng bệnh sởi, sởi - rubella cho trẻ. Ảnh: TTXVN phát

Ngành Y tế Đắk Lắk tiến hành tiêm bù, tiêm vét vaccine phòng bệnh sởi, sởi - rubella cho trẻ. Ảnh: TTXVN phát

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 6/7 đến nay, địa phương liên tiếp ghi nhận 6 ca mắc sởi, nâng tổng số ca mắc sởi trong năm 2024 lên 7 trường hợp. Các ca bệnh tập trung tại thành phố Buôn Ma Thuột 2 ca, huyện Cư Kuin 2 ca, Krông Ana một ca, Krông Búk một ca. Trong đó, có 3 trường hợp chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi.

Bé gái T.A.T.A (sinh năm 2020, tại thành phố Buôn Ma Thuột) nhập viện sau một tuần sốt cao không hạ, kèm viêm kết mạc mắt, phát ban khắp người…

Anh Trần Quốc Phụng, bố bệnh nhi cho biết, cháu có biểu hiện sốt nhẹ đến sốt nặng trong vòng một tuần, kèm triệu chứng nặng, gia đình rất lo lắng nên đã cho con khám và nhập viện.

Bé trai Đ.C.N.M (sinh năm 2023, tại huyện Krông Búk) cũng phải nhập viện sau 4 ngày có triệu chứng ho, sốt, nôn ói.

Bà Hoàng Thị Hồng (tại xã Cư Né, huyện Krông Búk) bà của cháu M chia sẻ, cháu mới đi tiêm vaccine sởi từ tháng 5/2024 nên khi có biểu hiện sốt, nôn ói… gia đình không nghĩ là cháu bị bệnh sởi. Bệnh nguy hiểm cũng may gia đình đưa cháu nhập viện kịp thời. Vì đã được tiêm phòng, cháu có triệu chứng nôn ói, sốt phát ban… nhẹ hơn trường hợp chưa tiêm.

Tại Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, khoảng một tuần nay, liên tiếp tiếp nhận, điều trị ca bệnh nhi mắc bệnh sởi từ 1 - 4 tuổi.

Bác sỹ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi Tổng hợp cho biết, những năm gần đây, bệnh viện không ghi nhận ca mắc sởi nhập viện. Tuy nhiên, trong tuần vừa qua, Khoa tiếp nhận các ca nhập viện với những triệu chứng điển hình. Đa phần các ca có biểu hiện biến chứng viêm phổi. Đây cũng là thời điểm trẻ mắc sởi nhập viện cao nhất trong 5 năm qua.

Theo bác sỹ Trần Thị Thúy Minh, sởi là căn bệnh do virus gây ra, có thể phòng ngừa bằng tiêm vaccine phòng bệnh. Đa phần trẻ mắc sởi có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi… một vài trẻ có biểu hiện mắt đỏ, ghèn mắt… Nếu trẻ mắc sởi đơn thuần không có biến chứng, các dấu hiệu sẽ giảm dần trong 7-10 ngày. Tuy nhiên, một vài trẻ có biến chứng với triệu chứng viêm phổi, viêm tai giữa cấp, viêm não… sẽ phải can thiệp y tế kịp thời.

Khi trẻ đang trong giai đoạn mắc bệnh sởi, có khả năng gây suy giảm miễn dịch, do đó, các biến chứng gặp sẽ nặng và khó điều trị hơn so với trẻ không bị mắc bệnh. Một vài trường hợp có biến chứng tổn thương não, tiêu hóa… sau một vài năm, có thể để lại di chứng thần kinh. Đặc biệt, với trường hợp viêm não nặng, viêm tai giữa nặng biến chứng… có thể dẫn tới tử vong.

Theo bác sỹ Minh, bệnh sởi thường xảy ra ở trẻ chưa tiêm chủng. Phòng bệnh sởi tốt nhất bằng vaccine. Nếu trẻ chưa được tiêm, ngay khi có biểu hiện sốt, đỏ mắt, phát ban… người nhà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, phát hiện kịp thời.

Hiện nay, tại bệnh viện có khu vực riêng cho bệnh truyền nhiễm và khu vực riêng cho bệnh sởi nên không có khả năng lây nhiễm chéo. Ngoài chuẩn bị cơ sở vật chất, bệnh viện tăng cường nhân lực, thuốc để ứng phó với các loại bệnh truyền nhiễm.

Tăng cường phòng chống, kiểm soát lây lan

Ông Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngay sau khi ghi nhận ca bệnh sởi, Trung tâm nhanh chóng phối hợp cùng Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai xử lý môi trường tại khu vực xung quanh nhà bệnh nhân bán kính 200m, khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ ăn uống, nơi sinh hoạt của trẻ…

Bên cạnh đó, Trung tâm cử cán bộ xuống điều tra, truyền thông trực tiếp; tham mưu Sở Y tế ban hành văn bản gửi các huyện, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống dịch bệnh.

Theo Hoàng Hải Phúc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, tại tỉnh Đắk Lắk không có vaccine dẫn đến tình trạng mất “khoảng trống miễn dịch”. Việc mất khoảng trống miễn dịch không chỉ ở vaccine sởi, kể cả vaccine 5 trong 1. Từ đầu năm 2024 đến nay, Đắk Lắk ghi nhận 7 ca mắc sởi, 12 ca ho gà…

Ông Hoàng Hải Phúc thông tin thêm, hiện vaccine đã đảm bảo. Ngành Y tế tỉnh đã lên kế hoạch tiêm bù, tiêm vét các loại vaccine cho trẻ bị khoảng trống tiêm phòng trong thời gian thiếu vừa qua. UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị mời các sở, ngành, địa phương liên quan để triển khai thực hiện. Sở Y tế có văn bản yêu cầu ngành Giáo dục phối hợp trong việc huy động trẻ chưa tiêm vaccine cần đi tiêm để đảm bảo bao phủ vaccine trong thời gian tới.

Người dân cần tiêm chủng vaccine đầy đủ theo khuyến cáo của ngành Y tế. Đó là cách phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong thời gian hiện nay và sắp tới, ông Hoàng Hải Phúc khuyến cáo.

Nguyên Dung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/so-ca-mac-benh-truyen-nhiem-gia-tang-do-khoang-trong-tiem-phong-20240718081323153.htm