Số ca mắc giảm nhờ miễn dịch cộng đồng

Việt Nam thật ra đã đạt được miễn dịch cộng đồng khá lâu rồi, từ khi số ca mắc Covid-19 giảm. Giảm chính là nhờ miễn dịch cộng đồng, không phải giảm nhờ các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt như 5K nữa, vì gần như mọi hoạt động xã hội ở Việt Nam đã trở lại bình thường từ rất lâu.

Tổ chức Y tế thế giới chưa tuyên bố kết thúc đại dịch nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất. Quan trọng là tình hình của từng nơi đã hội đủ các điều kiện để chuyển Covid-19 từ đại dịch (pandemic) sang dịch bệnh lưu hành (endemic), hay còn gọi là bệnh đặc hữu, hay chưa. Ở Việt Nam, đã có thể xem Covid-19 như dịch bệnh - tức một bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Miễn dịch cộng đồng được tạo ra bởi tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao và tỉ lệ F0 khỏi bệnh trong cộng đồng cao, nhất là các F0 khỏi bệnh, đồng thời có cả miễn dịch từ vắc-xin. Ngoài nó ra, yếu tố thuận lợi để Covid-19 có thể được xem như bệnh đặc hữu là sự thuần dần của SARS-CoV-2.

Virus corona có 2 dòng gây bệnh ở người (human coronavirus) và gây bệnh ở động vật (animal virus). Một loại virus sẽ nguy hiểm nhất trong giai đoạn nó mới "nhảy" từ động vật sang người. Nó sẽ tiến hóa để ngày một lây nhanh hơn nhưng nhẹ đi. Chủng Delta hoành hành vì nó nửa là virus gây bệnh ở người, nửa là virus gây bệnh ở động vật. Nó không độc hơn các chủng gốc nhưng gây quá tải hệ thống y tế khi bệnh chưa đủ nhẹ, chưa có vắc-xin, thuốc kháng virus dồi dào như bây giờ, vì vậy nên mới gây ra tử vong nhiều.

Nhưng chủng Omicron và các biến chủng phụ về sau của nó thì đã là "virus corona người" (human coronavirus) rồi. Trước đây có 4 con "virus corona người" - tức là những con gây cảm lạnh, cảm vặt. Theo tôi, có thể xem đây là con thứ 5.

Xem Covid-19 như bệnh đặc hữu không có nghĩa là kệ nó, không cần làm gì hết. Vẫn phải phòng ngừa nhưng ngừa giống như kiểu chúng ta vẫn làm với các bệnh truyền nhiễm khác, như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm... Miễn dịch cộng đồng không giúp tất cả mọi người trong cộng đồng không bị bệnh, mà giúp số ca bệnh luôn ở mức thấp, y tế không quá tải, người bệnh được chăm sóc tốt nhất; người bệnh có miễn dịch rồi thì bệnh sẽ nhẹ hơn...

Cái có thể bỏ đi là những cái "K" không còn phù hợp và ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế - xã hội, bỏ đi những yêu cầu xét nghiệm, cách ly - kiểm dịch không cần thiết, như chúng ta đang từng bước nới lỏng.

Đeo khẩu trang trong trường hợp cần thiết, nhiều nhất có thể, vẫn nên. Ví dụ vào bệnh viện nên đeo khẩu trang. Nên rửa tay, nhất là người thuộc đối tượng nguy cơ, không chỉ để phòng Covid-19. Gặp người lạ thì có thể đeo khẩu trang nhưng ngồi với người quen, vẫn ăn uống, sinh hoạt gần nhau hằng ngày thì không cần thiết.

Còn nguy cơ xuất hiện một biến chủng nguy hiểm hơn như một số người bàn là rất khó. Bởi như tôi đã nói, virus tiến hóa từ xưa đến giờ là thuần dần và SARS-CoV-2 cũng đã như thế. Cho dù khả năng hiếm hoi đó có xảy ra ở một thời điểm nào đó trong nhiều năm nữa, miễn dịch cộng đồng mà chúng ta đang có trở nên kém hiệu quả thì đến lúc đó kích hoạt lại các quy trình khẩn cấp cũng không muộn.

Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/so-ca-mac-giam-nho-mien-dich-cong-dong-20220613211840322.htm