Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đã vượt ngưỡng 1 triệu người
Theo bảng thống kê số liệu trên trang Worldometers.info, tính đến 8h30 phút ngày 3/4 (theo giờ Hà Nội), tổng số ca nhiễm COVID-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra trên phạm vi toàn cầu đã vượt ngưỡng 1 triệu người, trong khi số ca tử vong là hơn 53.000 trường hợp.
Tới thời điểm trên, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là 1.015.059 trường hợp, trong đó có 53.167 ca tử vong và 212.035 ca bình phục. Mỹ, Italy và Tây Ban Nha tiếp tục đứng đầu bảng thống kê về số ca nhiễm COVID-19, với lần lượt 244.877; 115.242 và 112.065 ca ghi nhận được.
Ngày 2/4, Ủy ban Toàn quốc của đảng Dân chủ (DNC) thông báo sẽ hoãn Đại hội toàn quốc nhằm bầu ra ứng cử viên Tổng thống của đảng này tới ngày 17/8, so với kế hoạch diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 13-16/7 tại Milwaukee. Thông tin này được đưa ra sau khi ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đề xuất hội nghị toàn quốc của đảng này nên được hoãn đến tháng 8 thay vì diễn ra vào tháng 7, do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Hiện chiến chiến dịch tranh cử tại Mỹ đã được chuyển phẩn lớn sang hình thức trực tuyến, trong khi nhiều bang cũng hoãn các cuộc bỏ phiếu sơ bộ do người dân phải ở trong nhà để tuân thủ lệnh phong tỏa. Theo kết quả thăm dò của Harvard CAPS/Harris Poll được thực hiện từ ngày 24-26/3, 77% số cử tri được hỏi nhấn mạnh họ ủng hộ việc tiến hành tổng tuyển cử năm 2020 thông qua đường bưu điện - hình thức hiện đã được chấp thuận tại các bang Oregon, Washington và Colorado. Ngoài ra, 57% cử tri nói rằng cuộc bầu cử có thể được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Cho tới nay, Mỹ đã bắt đầu thảo luận khả năng đưa ra khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở những khu vực công cộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong khi đó, chính phủ nhiều nước châu Âu đã thừa nhận việc đeo khẩu trang có tác dụng phòng tránh dịch bệnh và đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang.
Trước những lo ngại về tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với đời sống con người, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ra tuyên bố chung kêu gọi các nước thận trọng và giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Lãnh đạo của các tổ chức trên kêu gọi thế giới cần đoàn kết, hành động có trách nhiệm và tuân thủ mục tiêu chung là thúc đẩy an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và tránh vô tình tạo ra kịch bản thiếu hụt lương thực một cách không chính đáng. Điều này sẽ giúp bảo đảm phúc lợi chung của mọi người trên khắp thế giới, đặc biệt là tại những nước thu nhập thấp và thiếu lương thực./.