Số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 800.000 người

Ngày 31-3, số liệu mới nhất của Trung tâm Hệ thống Khoa học và Công nghệ của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) chỉ ra số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 800.000 người.

Đây là thời điểm dịch bệnh vẫn đang hoành hành mạnh tại Mỹ, các quốc gia châu Âu và Iran. Trong ngày này, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục ban hành những biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, cho thấy dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và không dễ kiểm soát trong thời gian ngắn.

Theo Johns Hopkins, hơn 800.040 ca mắc Covid-19 trên toàn cầu với 38.714 ca tử vong, số người phục hồi là 166.768 người. Mỹ hiện là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất trên thế giới với 164.610 ca, trong khi Italy là quốc gia có số ca tử vong cao nhất là 11.591 ca. Cùng ngày, Italy đã dành một phút mặc niệm và treo cờ rủ để tưởng niệm hơn 11.000 người đã tử vong do Covid-19.

 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Mulhouse, miền Đông Pháp.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Mulhouse, miền Đông Pháp.

Trong khi đó, theo trang web chuyên về thống kê www.worldometers.info, tính đến 23h00 ngày 31-3 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới đã lên đến 819.091 ca, trong đó 39.796 ca tử vong và 173.214 ca đã bình phục.

Khi số ca tử vong ở Mỹ vượt 3.000 người, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ đã tiến hành xét nghiệm cho 1 triệu người dân trên cả nước, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào, "đánh dấu một cột mốc lịch sử trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2". Các bang Maryland, Virginia và thủ đô Washington, cùng bang Arizona đã ban hành lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà ngoại trừ trường hợp thiết yếu. Trước đó, một số bang như California hay Michigan cũng ban hành lệnh trên nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cũng trong ngày 31-3, tàu bệnh viện quân sự USNS Comfort với 1.000 giường bệnh đã cập cảng Manhattan, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thành phố New York nói riêng và bang cùng tên nói chung đang gồng mình chống chọi với Covid-19.

Đáng chú ý tại châu Âu, sau một ngày ghi nhận số ca tử vong mới giảm nhẹ, ngày 31-3, Tây Ban Nha lại công bố thêm 849 ca tử vong, mức cao kỷ lục được ghi nhận trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 8.189 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 9.222 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 94.417 ca.

Tại Trung Đông và châu Á, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường ở Iran và Nhật Bản. Ngày 31-3, Bộ Y tế Iran cho biết số ca tử vong đã tăng lên 2.898 người, sau khi có thêm 141 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm Covid-19 ở quốc gia Trung Đông này hiện là 44.606 người. Trong nỗ lực hỗ trợ quốc gia Trung Đông này chống dịch, các nước châu Âu đã chuyển những trang thiết bị y tế tới Iran thông qua giao dịch đầu tiên theo cơ chế INSTEX, vốn được lập ra để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt với Tehran. Trong khi đó, thủ đô Tokyo của Nhật Bản trong ngày 31-3 đã ghi nhận thêm 78 ca nhiễm, mức tăng kỷ lục trong một ngày kể từ trước tới nay.

Để đẩy mạnh các nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong ngày 31-3, một số quốc gia như Mexico và Indonesia đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia để người dân hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như tầm quan trọng của việc ở nhà, tránh ra đường khi không cần thiết nhằm giảm tốc độ truyền nhiễm và tránh việc hệ thống y tế bị quá tải.

Khi các ca nhiễm gia tăng, kéo theo các ca tử vong gia tăng, những lời cảnh báo về tình trạng thiếu trang thiết bị y tế cho các nhân viên tuyến đầu cũng xuất hiện nhiều hơn. Tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ y tế tại Ấn Độ buộc một số y bác sĩ phải sử dụng áo mưa và mũ bảo hiểm để phòng ngừa nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2. Tính đến ngày 31-3, Ấn Độ ghi nhận 1.251 ca mắc Covid-19, trong đó có 32 ca tử vong. Tuy nhiên, theo một dự đoán của giới phân tích, hơn 100.000 người ở nước này có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 vào giữa tháng 5 tới, từ đó tạo áp lực vô cùng lớn đối với hệ thống y tế của Ấn Độ.

Người đứng đầu Hội đồng Điều dưỡng thế giới (ICN) Howard Catton ngày 31-3 cũng kêu gọi huy động thêm trang thiết bị để bảo vệ các y tá, điều dưỡng đang ở tuyến đầu chống dịch. Ông Catton nhấn mạnh tỷ lệ mắc Covid-19 trong đội ngũ nhân viên y tế ở Italy và Tây Ban Nha, hai quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch, lần lượt là 9% và 12-14%, và điều này một phần có liên quan tới việc thiếu trang thiết bị bảo hộ cá nhân. Ông nêu rõ có một sự thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ toàn cầu và các y tá, điều dưỡng rõ ràng là những đối tượng có nguy cơ cao khi tiếp xúc với bệnh nhân. ICN đại diện cho 130 hiệp hội quốc gia và hơn 20 triệu y tá, điều dưỡng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liên tục kêu gọi các nước và các nhà sản xuất đẩy mạnh sản xuất khẩu trang, găng tay, áo choàng và trang thiết bị y tế khác cho các nhân viên y tế./.

Theo TTXVN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/so-ca-nhiem-toan-cau-vuot-moc-800-000-nguoi-613930