Số ca tử vong do mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt quá 300.000 người

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tới nhà tang lễ ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 30/4/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN

Reuters đưa tin, theo số liệu thống kê của hãng AFP, tính đến ngày 14/5, số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt quá 300.000 người, trong khi đó số trường hợp nhiễm virus đã vượt quá 4,5 triệu người (4,52 triệu bệnh nhân).

Trang thống kê Worldometer chuyên cập nhật tình hình COVID-19 trên toàn thế giới cho thấy số ca được chữa khỏi bệnh hiện là 1.702.152 người.

Mỹ hiện vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, với số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 1,45 triệu người và 86.900 người.

Hai quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao thứ hai và thứ bà thế giới lần lượt là Tây Ban Nha và Nga.

Theo số liệu mới nhất tính đến ngày 14/5 của Trường Đại học John Hopskins, Mỹ đã ghi nhận thêm 1.754 ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 85.813 người.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã ghi nhận thêm 4 ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở trong nước Ngày 15/5, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết đã nhận được các báo cáo về 4 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong ngày 14/5 trên toàn Trung Quốc đại lục.

Theo bản tin hàng ngày của cơ quan trên, 4 ca bệnh mới đều là những trường hợp lây nhiễm ở trong nước và tất cả đều ở tỉnh Cát Lâm. Ngoài ra, còn có 1 ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 khác thuộc diện đối tượng nhập cảnh từ nước ngoài ở thành phố Thượng Hải.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cũng không ghi nhận thêm bất cứ ca tử vong nào vì COVID-19 trong ngày 14/5.

Tại Algeria, Ủy ban giám sát khoa học về diễn biến của dịch cấp COVID-19 của nước này thông báo, tính đến chiều 14/5 (theo giờ địa phương), cơ quan chức năng nước này đã ghi nhận thêm 186 ca mắc COVID-19 và 7 người tử vong, đưa tổng số ca bệnh ở quốc gia Bắc Phi này lên 6.442 trường hợp, trong đó có 529 người tử vong.

Theo người phát ngôn của ủy ban trên - ông Djamel Fourar, Algeria cùng ngày đã ghi nhận thêm 100 bệnh nhân COVID-19 bình phục sức khỏe, nâng tổng số ca bệnh được chữa khỏi ở quốc gia Bắc Phi lên 3.158 người.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã lây lan đến toàn bộ 48 tỉnh, thành phố của Algeria. Các địa phương có tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất gồm Blida, Algiers, Oran, Sétif, Constantine, Tipaza. Phần lớn bệnh nhân COVID-19 ở Algeria nằm trong độ tuổi từ 25 đến 60 (chiếm 57%) và 67% ca tử vong nằm trong độ tuổi từ 65 trở lên.

Trong một diễn biến dịch bệnh liên quan, Bộ Y tế Nam Sudan ngày 14/5 đã xác nhận trường hợp đầu tiên tử vong do virus SARS-CoV-2 ở nước này. Đây là trường hợp một quan chức chính phủ, 51 tuổi, đã tử vong do suy hô hấp khi đang được điều trị ở bệnh viện Quân đội Juba.

Tính đến thời điểm hiện tại, Nam Sudan đã ghi nhận tổng cộng 231 ca virus SARS-CoV-2 kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên vào ngày 5/4. Số trường hợp nhiễm mới ở quốc gia châu Phi này đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, từ 35 ca hồi 2 tuần trước.

Xu hướng gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm bệnh xảy ra trong bối cảnh Chính phủ Nam Sudan tuần trước đã tuyên bố nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, rút ngắn giờ giới nghiêm vào buổi tối, đồng thời cho phép các khu chợ, cửa hàng, quán bar và nhà hàng mở cửa trở lại.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhân đạo quốc tế đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh lan rộng do tình trạng quá đông người hiện tập trung trong các trại tị nạn ở Nam Sudan.

Ông Claudio Miglietta - trưởng phái đoàn của tổ chức từ thiện Bác sĩ không biên giới (MSF) tại Nam Sudan nhấn mạnh, xu hướng tăng mạnh số lượng bệnh nhân COVID-19 là điều đáng lo ngại.

Vấn đề càng trở nên khó giải quyết bởi dịch bệnh đã bắt đầu xuất hiện trong các trại tị nạn lớn nhất cả nước. Điều kiện sống khó khăn, sự thiếu thốn các điều kiện vệ sinh tối thiểu, cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản đã khiến công tác ngăn chặn dịch bệnh ở Nam Sudan gặp nhiều trở ngại.

Theo hãng Kyodo, Bộ Y tế Nhật Bản ngày 15/5 cho biết bắt đầu vào tháng tới, nước này sẽ xét nghiệm cho khoảng 10.000 người để tìm kháng thể chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Katsunobu Kato cho hay các xét nghiệm nhằm xác định xem liệu ai đó đã mắc COVID-19 chưa, sẽ được tiến hành ở một số khu vực nhất định trong nước chứ không phải trên toàn quốc.

Biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp các nhà chức trách nắm được mức độ lây lan của dịch COVID-19 ở các khu vực trọng điểm và đánh giá xem liệu quốc gia này có đang tiến tới "miễn dịch cộng đồng" hay không, theo đó phần lớn cư dân phát triển kháng thể chống virus.

Việc xét nghiệm sẽ sử dụng mẫu máu và mất ít thời gian hơn so với xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase hiện đang thịnh hành - vốn phải lấy mẫu từ mũi bệnh nhân và cần tối thiểu vài giờ để cho kết quả.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố số liệu thống kê cho thấy tính tới 10 giờ (giờ địa phương) ngày 15/5, nước này đã ghi nhận thêm 27 ca mắc bệnh COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh trên toàn quốc lên thành 11.018 người. Trong khi đó, số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn tăng thêm 59 trường hợp lên thành 9.821 người, chiếm 89,1%.

Liên quan đến ổ dịch lây nhiễm tập thể mới bùng phát ở "khu phố Tây" Itaewon, KCDC cho biết số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã vượt quá 150 người, chủ yếu ở độ tuổi thanh niên từ 20-30 tuổi, với thành phần đa dạng và quy mô lây nhiễm đã lan ra một số tỉnh thành trong cả nước, trong đó có cả đảo Jeju. Số ca nhiễm là cư dân Seoul vẫn chiếm số đông, tiếp đến là vùng phụ cận là tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon.

Ngay sau khi Chính phủ Hàn Quốc cho phép tiến hành xét nghiệm miễn phí và không công khai danh tính những người có liên quan đến ổ dịch Itaewon, số người đến "trình báo" và làm thủ tục xét nghiệm đã tăng đột biến. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng Hàn Quốc vẫn đang bị "mất liên lạc" với hơn 2.500 người được cho là có liên quan đến ổ dịch Itaewon.

Tại Nga, Ủy ban Y tế TP St.Petersburg ngày 15/5 cho biết một bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được điều trị bằng huyết tương của người từng khỏi bệnh ở thành phố này đã xuất viện.

Thông báo của ủy ban trên cho hay: "Ba bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng được truyền huyết tương của người từng khỏi bệnh tại Bệnh viện thành phố số 40 ở quận Kurortny - đều có chuyển biến tích cực về sức khỏe. Đặc biệt, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đầu tiên có sự cải thiện đáng kể vào ngày thứ hai sau khi được truyền huyết tương, sang ngày thứ ba ông ấy được chuyển ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, và hôm nay đã xuất viện”.

Ông Evgeny Garbuzov, chuyên gia chính về gây mê và hồi sức của bệnh viện trên đã bày tỏ rất hài lòng với kết quả nghiên cứu đầu tiên này.

Ông nhấn mạnh liệu pháp điều trị bằng huyết tương miễn dịch lấy từ bệnh nhân từng mắc COVID-19 đã cho kết quả tốt và đội ngũ bác sĩ ở đây sẽ tiếp tục lựa chọn những người hiến tặng huyết tương để tiếp tục mở rộng phương pháp điều trị này.

Ngày 14/5, Quốc hội liên bang Đức thông qua các biện pháp hỗ trợ tiếp theo để giảm những tác động của đại dịch COVID-19. Theo phóng viên TTXVN tại Đức, đối với lao động theo mô hình giảm giờ làm việc, Bộ Lao động liên bang đề xuất tăng tiền lương sau thuế ở mức hiện tại 60% (67% với người có con) lên mức 70% (77% với người có con).

Từ tháng thứ 7 (tính từ thời điểm áp dụng lao động theo mô hình giảm giờ làm), mức lương sẽ tăng lên 80% (87% với người có con). Quy định này sẽ áp dụng đến hết năm nay. Ngoài ra, luật cũng quy định quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được gia hạn thêm 3 tháng đối với những người được hưởng mà quyền lợi của họ sẽ hết hạn trong khoảng từ tháng 5-12.

Bên cạnh đó, năm nay, tất cả các nhân viên điều dưỡng sẽ được hưởng quyền lợi đặc biệt một lần khoảng 1.000 euro (phí bảo hiểm corona) được tài trợ từ các quỹ bảo hiểm theo luật định và tài trợ từ Chính phủ Đức.

Trong khi đó, Bộ Y tế liên bang đề nghị các công ty bảo hiểm y tế theo luật định có nghĩa vụ thanh toán đối với các xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2, kể các trường hợp được xét nghiệm mà không có triệu chứng. Bộ Y tế đề nghị mở rộng các xét nghiệm phát hiện ca nhiễm tại các khu vực dễ bị tổn thương như các viện dưỡng lão hoặc các bệnh viện.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/239844/so-ca-tu-vong-do-mac-covid-19-tren-toan-cau-vuot-qua-300-000-nguoi.html