Sở coi trọng công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan báo chí đúng quy định của pháp luật

Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú đông đảo, dù vậy tỉnh luôn chủ động phối hợp, đồng hành cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện để báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đồng thời coi trọng công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan báo chí theo đúng quy định.

Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Hảo - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An.

+ Xin ông cho biết những chuyển biến trong công tác quản lý báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An những năm qua?

- Nghệ An là địa phương có số lượng Văn phòng đại diện (VPĐD) và phóng viên thường trú (PVTT) đông đảo, đứng thứ 4 cả nước với 40 văn phòng đại diện, 43 phóng viên thường trú (hơn 300 nhà báo, phóng viên đăng ký hoạt động thường xuyên).

Để triển khai có hiệu quả công tác quản lý báo chí, những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông luôn chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như:

Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản để thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Báo chí và các Luật liên quan, về: Quản lý VPĐD, PVTT trên địa bàn; Quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin đăng, phát trên báo chí, thông tin phản ánh trên mạng xã hội.

Theo đó đã quy định cụ thể việc quản lý phóng viên thường trú trên địa bàn. Quy định về việc tạo điều kiện để PV tiếp cận thông tin nhanh nhất, sớm nhất, những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm; được tạo điều kiện để tham gia các sự kiện lớn, được tham dự các kỳ họp, các hội nghị để hoạt động nghiệp vụ; được tham gia các hoạt động báo chí tỉnh Nghệ An tổ chức như Giải Báo chí Nghệ An hằng năm, các giải báo chí chuyên đề (Búa liềm vàng, Nông thôn mới, Du lịch, Dân vận khéo), Hội Báo xuân hằng năm, các hội nghị tập huấn nghiệp vụ… và được quan tâm, biểu dương kịp thời khi có thành tích xuất sắc, nổi bật đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh địa phương như tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh…

Sở cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ người phát ngôn cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã về công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông; công tác truyền thông chính sách, thông tin đối ngoại… Nội dung các lớp tập huấn phù hợp với tình hình của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để phóng viên báo chí tiếp cận thông tin sớm nhất, chính xác, đầy đủ, vì thế đã tạo được mối quan hệ gắn bó, đồng hành cùng phát triển giữa báo chí và chính quyền.

Do đó, mặc dù là địa phương có số lượng lớn VPĐD, PVTT nhưng nhiều năm qua, Nghệ An luôn được Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác quản lý báo chí và hỗ trợ phóng viên các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn.

 Nghệ An là địa phương có lực lượng phóng viên thường trú đông đảo.

Nghệ An là địa phương có lực lượng phóng viên thường trú đông đảo.

+ Đối với người làm báo, trở ngại lớn nhất có lẽ không phải là những khó khăn nguy hiểm, mà là sự từ chối, im lặng, né tránh cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm. Nghệ An đã triển khai các biện pháp gì để chủ động cung cấp thông tin cho báo chí?

- Nghệ An là một trong những địa phương triển khai cụ thể hóa Nghị định 25 và hiện nay là Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ từ rất sớm. Công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí được quan tâm, triển khai đồng bộ.

Ngày 6/11/2023, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2023/QĐ-UBND về “Quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; xử lý thông tin đăng, phát trên báo chí và thông tin phản ánh trên mạng xã hội của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An” (quy định được ban hành trên cơ sở sửa đổi các quy định cũ trước đây và bổ sung thêm một số nội dung mới).

Quy định này có những điểm mới so với Nghị định 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc xử lý thông tin đăng phát trên báo chí. Đặc biệt, trong quy định mới này, Nghệ An đã đưa quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức trong việc xử lý “thông tin phản ánh trên mạng xã hội” về việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của chính cơ quan, cá nhân cán bộ, công chức. Vì vậy, công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí cơ bản kịp thời, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của PV và cơ quan báo chí.

Các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Nghệ An đã thực hiện nghiêm túc việc cử người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP. Hiện đã có 48/48 Sở, ban, ngành, cấp tỉnh đã cử các đồng chí Giám đốc Sở, Thủ trưởng (cấp trưởng) là người phát ngôn. 21/21 huyện, thành, thị, cử đồng chí Chủ tịch UBND là người phát ngôn. 460/460 xã, phường, thị trấn, cử đồng chí Chủ tịch UBND là người phát ngôn.

Danh sách người phát ngôn của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An kèm theo số điện thoại liên lạc đồng thời thông tin về người phát ngôn cũng được công bố trên Cổng/Trang thông tin điện tử của chính các đơn vị, địa phương đó. Vì vậy, nhiều trường hợp phóng viên báo chí khi cần lấy thông tin chỉ cần trao đổi, liên lạc qua điện thoại, giảm thời gian đi lại, gặp gỡ không cần thiết.

Hằng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh đều đặn phối hợp tổ chức giao ban với tất cả các cơ quan báo chí trên địa bàn, qua đó nắm bắt thông tin, tâm tư nguyện vọng cũng như giải đáp các yêu cầu của các PV để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động đúng quy định của pháp luật.

UBND tỉnh cũng định kỳ mỗi quý tổ chức họp báo một lần để cung cấp thông tin về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh cho các cơ quan báo chí. Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An thường xuyên cập nhật kết quả hoạt động kinh tế xã hội - quốc phòng an ninh của tỉnh, các sở, ngành… Các cơ quan hành chính nhà nước khi cần đều đã tổ chức họp báo hoặc phối hợp cung cấp thông tin tại các cuộc giao ban báo chí hàng tháng để cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến các nội dung thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Trong một số trường hợp cụ thể, ví dụ như Sở nhận được thông tin cơ quan, địa phương nào có biểu hiện né tránh, ngại tiếp xúc với báo chí hay không muốn cung cấp thông tin, khi có ý kiến của PV (tại cuộc giao ban hay ý kiến bằng văn bản), Sở đều có văn bản nhắc nhở, yêu cầu cơ quan, địa phương đó phải tạo điều kiện cho PV tiếp cận để lấy thông tin chính thống, chính xác, qua đó góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa hai bên, làm lành mạnh môi trường hoạt động báo chí.

+ Việc yêu cầu các cơ quan báo chí phải hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích một cách “cứng nhắc”, chỉ được phép phản ảnh các hoạt động trong phạm vi ngành mình mà bỏ qua các sự việc (dù là có vấn đề) của ngành khác, là chưa thỏa đáng. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

- Trên thực tế, tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đã được Luật Báo chí quy định và là một trong những điều kiện tiên quyết để cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động. Nhiều người cho rằng, yêu cầu cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích là đi ngược lại với quyền tự do báo chí và làm hạn chế chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí.

Điều này chưa đúng với thực tế hoạt động báo chí và các quy định của Luật Báo chí. Bởi báo chí bên cạnh việc “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân”, báo chí còn phải “Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí...” (Điều 4 Luật Báo chí).

Từ đó, thấy rằng, vấn đề thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích trong quá trình hoạt động của cơ quan báo chí là hoàn toàn thỏa đáng và không ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí. Tôi cho rằng, việc triển khai quy hoạch báo chí những năm gần đây và việc yêu cầu các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích chính là tăng thêm sức mạnh, tạo điều kiện để cơ quan báo chí phát triển theo chiều sâu, không sa vào những vấn đề không cần thiết hoặc chạy theo dư luận xã hội.

+ Để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí hoạt động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Nghệ An sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

- Ngoài tiếp tục triển khai tích cực các biện pháp như tôi đã nói ở trên, Sở cũng đang kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm tham mưu sửa đổi Luật báo chí 2016, Nghị định số 09/2017/NĐ-CP để phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí và công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí hiện nay, đồng thời giúp các cơ quan hành chính nhà nước giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.

Nghiên cứu xây dựng kênh tiếp nhận phản ánh của các cơ quan hành chính nhà nước, người dân, doanh nghiệp về những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên trong quá trình hoạt động tác nghiệp. Nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp xã đến cấp Trung ương; việc thực hiện quy định về phản hồi, cải chính, xin lỗi của các cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, Nghệ An cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước và việc thực hiện quy định về phản hồi, cải chính, xin lỗi của các cơ quan báo chí. Đồng thời thanh tra, kiểm tra hoạt động của các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú tại Nghệ An để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động tác nghiệp nếu có.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Phong (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/so-coi-trong-cong-tac-quan-ly-chan-chinh-hoat-dong-cua-cac-co-quan-bao-chi-dung-quy-dinh-cua-phap-luat-post299726.html