Sơ cứu đuối nước đúng cách để cứu bệnh nhân trong gang tấc

Theo các bác sĩ sơ cứu đuối nước đúng cách sẽ giúp cứu sống bệnh nhân đuối nước, ngược lại người bệnh sẽ nguy hiểm tính mạng.

Kể về việc cấp cứu ca đuối nước, bác sĩ Hoàng Anh Tuấn, Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ưng quân đội 108 nhớ lại, một lần khi đang bơi tại bể bơi của khách sạn thì anh nghe thấy tiếng kêu cứu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một bé gái bị đuối nước được đưa lên bờ và một người đàn ông dốc ngược cháu để nước chảy ra. Tuy nhiên, tình trạng tím tái của cháu bé không cải thiện.

Nhận thấy tình trạng cháu bé nguy kịch, bác sĩ Tuấn và bác sĩ Hà Hoài Nam (cùng Khoa) đã đặt cháu bé xuống nền cứng và tiến hành hồi sinh tim phổi ép tim ngoài lồng ngực kèm thổi ngạt.

Sau khoảng 2 phút ép tim, nhận thấy trong khoang miệng bé có nhiều thức ăn từ dạ dày trào ngược lên, bác sĩ Nam đã cùng 1 bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khai thông đường thở cho cháu bé.

Sau 5 phút cấp cứu, cháu bé đã có ý thức, tỉnh lại và bé được đưa đến trung tâm y tế gần nhất để tiếp tục điều trị.

Sáng ngày hôm sau, khi gặp lại chúng tôi, gia đình vui mừng thông báo kết quả kiểm tra của cháu bé đều tốt. Đó thực sự là niềm hạnh phúc của chúng tôi.

Theo bác sĩ Hoàng Anh Tuấn, khi xảy ra đuối nước, việc sơ cứu ban đầu là hết sức quan trọng. Trong trường hợp này, vác nạn nhân đuối nước dốc ngược nạn nhân xuống là cách sơ cứu chưa phù hợp.

Với cách sơ cứu như vậy nhiều người lầm tưởng động tác này giúp loại bỏ nước ra khỏi hệ hô hấp của trẻ và giúp trẻ có thể tự thở được.

Tuy nhiên, việc đó chỉ làm chậm trễ các bước sơ cứu quan trọng hơn, bao gồm hồi sức tim phổi. Lượng nước đi vào phổi khi bị đuối nước thường không nhiều và có thể được thải ra ngoài khi thực hiện ép tim ngoài lồng ngực và khi trẻ có thể tự thở. Trì hoãn việc hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực làm tăng nguy cơ tổn thương não không hồi phục do thiếu oxy.

Để cấp cứu đuối nước theo bác sĩ, việc cần làm đầu tiên trong sơ cứu trẻ đuối nước là đưa trẻ lên khỏi mặt nước. Sau đó đánh giá tình trạng của trẻ xem trẻ có ngừng thở, ngừng tim hay không.

Nếu có, cần nhanh chóng tiến hành hồi sinh tim phổi đồng thời báo người xung quanh gọi cấp cứu 115.

Vị trí ép tim: Trên xương ức, ngang với đường nối 2 núm vú. Ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 -1/2 lồng ngực. Tốc độ ép tim 100 lần/phút. Nếu chỉ có một mình bạn cấp cứu: Hãy thực hiện 30 lần ép tim, sau đó thổi ngạt 2 lần.

Nếu có 2 người cấp cứu: Hãy thực hiện 15 lần ép tim, sau đó thổi ngạt 2 lần. Sau mỗi 2 phút cần đánh giá lại xem trẻ có thở lại hay không, có mạch không? Sau khi trẻ có nhịp tim và nhịp thở trở lại, cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra chức năng sau hồi sinh tim phổi.

Được biết thời gian qua rất đau lòng khi chỉ trong một thời gian ngắn tại các điểm nghỉ dưỡng (khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng) đã xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 3 trẻ gặp nguy hiểm.

Đáng tiếc, ở vụ việc thứ nhất, do không được phát hiện kịp thời và sơ cứu đúng cách, 2 cháu bé là con của một cặp vợ chồng thuê căn hộ nghỉ dưỡng đã không qua khỏi.

Đây là lời cảnh báo đối với các bậc phụ huynh khi đưa trẻ đi nghỉ dưỡng ở những nơi có bể bơi, biển, hồ ao, sông ngòi...: phụ huynh cần phải hết sức chú ý, không rời mắt các cháu trong quá trình bơi lội để tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra.

TS. Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, vài phút đầu là thời gian vàng để cấp cứu trẻ đuối nước.

Việc sơ cứu không đúng sẽ gây chậm trễ khoảng thời gian cấp cứu này thậm chí gây thêm các tổn thương cho trẻ. Có một số trường hợp sau thấy trẻ tỉnh lại thì đưa trẻ về nhà nghỉ ngơi. Tuy nhiên, điều này là không nên và vẫn cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.

Các dấu hiệu có thể rất khó phát hiện như: khó thở, đau ngực kèm theo ho, cơ thể mệt mỏi, thay đổi hành vi… đặc biệt ở nhóm trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng có thể làm nặng thêm tình trạng sức khỏe của trẻ.

Vậy làm gì để phòng ngừa đuối nước? Theo TS. Duy, các cơ quan chức năng cần tổ chức tuyên truyền cho mọi người dân cùng tham gia phòng tránh đuối nước trẻ em. Giáo dục kiến thức, kỹ năng (cho trẻ từ lớp 1) phòng, chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn.

Tuyên truyền cho người chăm sóc trẻ luôn để ý, quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi. Loại bỏ nguy cơ đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng, gia đình, trường học.

Các khu vực bơi công cộng phải được giám sát bởi nhân viên cứu hộ được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ.

Ao, hồ, dụng cụ chứa nước trong gia đình phải có rào chắn, nắp đậy. Có các biển cảnh báo tại các sông ngòi, hồ nước,... nơi công cộng.

Giáo dục, hướng dẫn cho trẻ lớn nhận biết các nơi nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước. Cần tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng ngừa và sơ cứu đúng cho người dân. Tổ chức các lớp cấp cứu cơ bản cho cộng đồng.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/so-cuu-duoi-nuoc-dung-cach-de-cuu-benh-nhan-trong-gang-tac-d218203.html