Sơ cứu đuối nước sai cách: bé trai 8 tuổi suýt tử vong

Sơ cứu đuối nước là kỹ năng quan trọng giúp cứu sống người bệnh trong tình huống khẩn cấp. Nhiều người nghĩ rằng, khi trẻ đuối nước cần dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy để đưa nước ra ngoài, nhưng điều này hoàn toàn sai lầm.

Nhiều trẻ đuối nước được sơ cứu sai cách

Mới đây, một bé trai 8 tuổi bị đuối nước ở khu nghỉ dưỡng đã được nữ điều dưỡng Dương Thị Hồng - khoa Nội tiết - Cơ xương khớp, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cấp cứu kịp thời. Hành động này đã kịp thời giữ lại mạng sống cho cháu bé. Nữ điều dưỡng nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và cộng đồng mạng xã hội.

Trước đó, trong kỳ nghỉ cùng gia đình ở một khu nghỉ dưỡng, điều dưỡng Dương Thị Hồng đã phát hiện một bé trai bị đuối nước đang được cấp cứu sai bằng cách vác dốc ngược lên vai rồi chạy.

Trước tình huống nguy cấp đó, bằng phản xạ của nhân viên y tế, chị Hồng chạy tới, giới thiệu mình là điều dưỡng và quyết liệt yêu cầu đặt cháu bé xuống mặt phẳng cứng để tiến hành cấp cứu.

Chị kiểm tra thấy trẻ không còn dấu hiệu sinh tồn, nhanh chóng thực hiện ép tim, thổi ngạt trong khoảng 3-4 phút. Sau đó, cháu bé nôn ra nhiều nước, có ý thức trở lại và được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện gần nhất.

Đây là một trong số trường hợp may mắn khi gặp nạn ngoài cộng đồng nhưng vô tình có người chuyên môn y tế bên cạnh. Còn phần lớn các trường hợp gặp nạn, người sơ cứu ban đầu chỉ có thể là người dân, bạn bè...

Theo PGS.TS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, việc cập nhật kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu là vô cùng cần thiết giúp tăng khả năng cứu chữa người bệnh trong các tình huống khẩn cấp ngoài cộng đồng.

Trẻ bị đuối nước cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trẻ bị đuối nước cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Dù được các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều, nhưng số ca tai nạn đuối nước mỗi năm vẫn gia tăng. Từ đầu năm đến nay, tại một số địa phương liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước trẻ em thương tâm. Đáng nói, nhiều trẻ bị đuối nước được sơ cứu sai cách.

Điển hình như bé trai 11 tuổi ở Mộc Châu, Sơn La và bé gái 12 tuổi ở huyện Thạch Thất, Hà Nội bị đuối nước, lúc được đưa lên bờ lại có người vác dốc ngược chạy vì lầm tưởng làm thế cho nước chảy ra. Tuy hai cháu đã hồi phục nhưng vẫn phải theo dõi lâu dài vì di chứng thần kinh có thể xảy ra.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, hiện có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm.

Ngăn ngừa tai nạn đuối nước

Theo bác sĩ Lê Nhật Cường - Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bệnh nhi đuối nước nhập viện thường trong 2 tình trạng chính là suy đa cơ quan do hậu quả sau ngừng tim hoặc tổn thương phổi nặng (hội chứng suy hô hấp cấp do tổn thương hít).

Đuối nước ở trẻ em thường là hậu quả do sự hiếu động của trẻ nhỏ, sự bất cẩn của người lớn khi trông trẻ và hệ thống sông ngòi, ao hồ, bể bơi... chưa đảm bảo điều kiện an toàn. Đặc biệt, mùa Hè, trời nóng, trẻ nghỉ học, nên các trường hợp đuối nước do trẻ đi tắm ao hồ, sông suối rất dễ xảy ra.

Đáng chú ý, tình trạng người dân sơ cấp cứu ban đầu sai cách với người đuối nước như: dốc ngược nạn nhân và bế chạy vẫn xảy ra.

Theo bác sĩ, với trường hợp đuối nước, sơ cứu ban đầu ngay tại hiện trường rất quan trọng. Thời gian chịu đựng thiếu ô xy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh.

Do đó, để kịp thời sơ cứu, khi thấy trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, không mạch (không bắt được mạch cảnh, mạch bẹn), người dân cần đặt trẻ trên một mặt phẳng cứng và tiến hành hồi sinh tim phổi ngay.

Người dân tuyệt đối không dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy, làm các dịch dạ dày trào ngược, hít vào đường thở, mất thời gian vàng cấp cứu trẻ; không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở. Khi ép tim ngoài lồng ngực, không ấn ngực quá mạnh vì sẽ gây gãy xương sườn, đụng dập phổi. Người dân cần đưa tất cả trẻ bị đuối nước đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, để ngăn ngừa tai nạn đuối nước cũng như hạn chế hậu quả đáng tiếc xảy ra, giải pháp quan trọng vẫn là hướng dẫn, dạy trẻ bơi an toàn. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện các biện pháp như: đậy nắp các dụng cụ chứa nước, tránh cho trẻ tiếp xúc với các nguy cơ này. Với ao, hồ, giếng khơi cần phải có rào chắn. Cha mẹ, người lớn cần giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi.

Ngoài ra, tại các khu vực bơi công cộng, phụ huynh cần cho trẻ tắm ở nơi đảm bảo độ sâu an toàn, đúng lứa tuổi; có đủ phương tiện và nhân viên cứu hộ. Đặc biệt, người dân cần tìm hiểu, trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu đúng cách để hành động cứu người thực sự hiệu quả.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/so-cuu-duoi-nuoc-sai-cach-be-trai-8-tuoi-suyt-tu-vong.html