Thực phẩm bẩn đội lốt 'hàng thật': Lỗ hổng chính sách và bài toán quản lý
Thực phẩm giả, kém chất lượng đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng và gây tổn hại niềm tin của người tiêu dùng. Mới đây, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ rõ những lỗ hổng trong các văn bản pháp luật hiện hành đang bị các đối tượng xấu lợi dụng, đồng thời đưa ra các kiến nghị sửa đổi nhằm siết chặt quản lý, đẩy lùi vấn nạn này.
Thủ đoạn tinh vi
Vụ việc phát hiện dầu chăn nuôi trá hình dầu ăn tại Hưng Yên là một ví dụ điển hình cho thấy sự tinh vi và liều lĩnh của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả. Nhóm chủ mưu đã thiết kế hệ thống đường ống ngầm, bơm dầu nguyên liệu dành cho gia súc, thủy sản sang bồn chứa dầu ăn, rồi dán nhãn mác thương hiệu, đưa vào tiêu thụ tại các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, làng nghề sản xuất bánh kẹo. Đáng báo động hơn, hồ sơ công bố sản phẩm còn ghi bổ sung Vitamin A, nhưng kết quả kiểm nghiệm lại không hề phát hiện chất này.
Vụ án này không chỉ liên quan đến Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food, mà còn có sự tham gia của Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu An Hưng Phước, một trong những doanh nghiệp nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất cả nước. Chỉ trong ba năm gần đây, doanh thu toàn hệ thống lên tới hơn 8.200 tỷ đồng, cho thấy quy mô và mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Cơ quan điều tra đã thu giữ hơn 1.000 tấn dầu nhập lậu, khởi tố 3 bị can đầu vụ về tội sản xuất, buôn bán hàng giả và buôn lậu. Các đối tượng không chỉ hưởng lợi bất chính từ chênh lệch giá giữa dầu ăn cho người và dầu chăn nuôi, mà còn trốn thuế giá trị gia tăng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do một số văn bản pháp luật còn sơ hở, bất cập, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng. Cụ thể, Bộ Công an kiến nghị cần phải sửa đổi Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 15/2018-NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Chất lượng hàng hóa năm 2007, Luật Quảng cáo và Bộ luật Hình sự hiện hành.
Trả lời về vụ dầu chăn nuôi "biến" thành dầu ăn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, mặt hàng dầu thực vật thuộc nhóm sản phẩm do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Điều này cho thấy sự chồng chéo và chưa rõ ràng trong phân công trách nhiệm quản lý, dẫn đến khó khăn trong việc truy vết và xử lý vi phạm.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã bắt giữ, xử lý gần 50.000 vụ việc về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, gian lận thuế; thu nộp ngân sách Nhà nước gần 6.500 tỷ đồng; khởi tố hình sự 1.899 vụ với 3.271 bị can.
Siết chặt quản lý và tăng cường kiểm soát
Trước vấn nạn thực phẩm, mỹ phẩm giả tràn lan, các bộ, ngành liên quan đã và đang tích cực vào cuộc.
Bộ Y tế đã chỉ đạo rà soát quy định về xử lý, xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, không rõ nguồn gốc; siết chặt quản lý công bố thiết bị y tế và thực phẩm chức năng; yêu cầu các sàn thương mại điện tử lớn ngừng quảng cáo và kinh doanh thực phẩm chức năng không có hoặc chưa được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm. Đồng thời, Bộ Y tế đang hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Y tế đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15 theo hướng: phân loại sản phẩm, hàng hóa thực phẩm theo mức độ nguy cơ để thiết lập các biện pháp quản lý phù hợp; thống nhất về phân cấp, phân quyền và thực hiện các thủ tục hành chính ở cấp cơ sở; tăng cường quản lý, hậu kiểm các sản phẩm có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm và chống gian lận thương mại, chống hàng giả.
Bộ Công an đang cùng Bộ Công Thương và VNPT xây dựng hệ thống về xuất xứ hàng hóa, dự kiến vận hành thử nghiệm cuối năm nay. Nền tảng này sẽ giúp người dân truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần ngăn chặn gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhập lậu, đồng thời cung cấp dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách.
Thời gian tới, để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng liên quan cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm của các cán bộ, công chức, sỹ quan trong thực thi nhiệm vụ, xem xét trách nhiệm của địa phương, lãnh đạo, công chức trong công tác quản lý địa bàn. Chỉ khi có sự đồng bộ, quyết liệt từ chính sách đến thực thi, vấn nạn thực phẩm bẩn mới có thể được đẩy lùi, mang lại môi trường kinh doanh lành mạnh và đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân.