Số dự án điện than đề xuất giảm 76% kể từ Thỏa thuận Paris 2015

Tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu E3G nhận định, thế giới đang tiến gần đến mục tiêu 'không có điện than mới' sau khi số lượng dự án được đề xuất giảm mạnh kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015.

Số lượng các dự án điện than mới được đề xuất đã giảm mạnh tới 76% kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015 (Ảnh: Internet).

Số lượng các dự án điện than mới được đề xuất đã giảm mạnh tới 76% kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015 (Ảnh: Internet).

Báo cáo mới nhất của E3G đánh giá các dự án mới trên toàn cầu cho biết, số lượng dự án điện than mới được đề xuất đã giảm mạnh tới 76% kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015. Sự thay đổi này đang mang đến tia hy vọng về việc chấm dứt xây dựng các nhà máy điện than mới.

Theo đó, 44 quốc gia không có dự án tiền xây dựng và sẵn sàng cam kết “không xây dựng thêm nhà máy điện than mới”. Các nước này sẽ tham gia cùng 40 quốc gia khác đã thực hiện cam kết từ bỏ các dự án điện than mới từ năm 2015. Như vậy, khoảng 84 quốc gia có thể sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, “không xây dựng thêm nhà máy điện than mới vào năm 2021”.

Đáng chú ý, báo cáo của E3G cũng cho thấy, chỉ cần 6 quốc gia có hành động cũng có thể giúp loại bỏ 82% các dự án điện than đang trong quá trình tiền xây dựng còn lại trên thế giới. Trong đó, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 55% số lượng dự án toàn cầu, tiếp theo là Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh. Các dự án còn lại nằm rải rác tại 31 quốc gia khác và chỉ cần 16 nước trong số đó loại bỏ thêm 1 dự án là có thể nắm trong tay một tương lai không có điện than.

Các chuyên gia của E3G nhận định, nếu Trung Quốc cũng nối gót Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc chấm dứt tài trợ điện than ở nước ngoài thì điều này sẽ tạo điều kiện cho việc loại bỏ hơn 40GW dự án đề xuất tại 20 quốc gia.

Hiện nay, điện than là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc cho biết, việc sử dụng than cần giảm 79% vào năm 2030 so với mức năm 2019 để đáp ứng những cam kết mà các quốc gia đã ký trong Thỏa thuận Paris.

Phó Giám đốc E3G Chris Littlecott chia sẻ: “Sự suy giảm của các dự án và sự gia tăng các cam kết của Chính phủ về “không xây dựng thêm nhà máy điện than mới” đang song hành cùng nhau. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) vào tháng 11 năm nay, các Chính phủ có thể cùng nhau xác nhận kế hoạch chuyển đổi từ than đá sang năng lượng sạch”.

“Điện than đang ngày càng kém cạnh tranh hơn so với năng lượng tái tạo về phương diện kinh tế, trong khi rủi ro về tài sản bị mắc kẹt tăng lên. Do đó, các Chính phủ hiện nay có thể tự tin hành động để cam kết “không có điện than mới”.

Khoảng 44 quốc gia không có dự án tiền xây dựng và sẵn sàng cam kết “không xây dựng thêm nhà máy điện than mới” (Ảnh: Internet).

Khoảng 44 quốc gia không có dự án tiền xây dựng và sẵn sàng cam kết “không xây dựng thêm nhà máy điện than mới” (Ảnh: Internet).

Trong khi đó, Giám đốc phụ trách mảng điện than tại tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (Global Energy Monitor) Christine Shearer cho biết: “Các nhà máy điện than mới không phù hợp với Thỏa thuận Paris về khí hậu quốc tế. Các cơ quan khoa học hàng đầu thế giới đều nhận định rõ ràng: điện than về cơ bản cần phải được loại bỏ dần trong 2 thập kỷ tới để ngăn chặn biến đổi khí hậu lên tới mức nguy hiểm”.

“Các cuộc đàm phán về khí hậu sắp tới là thời điểm và cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới xích lại gần nhau, cùng cam kết hướng tới một thế giới không có nhà máy điện than mới”.

Theo kế hoạch, báo cáo của E3G sẽ được công bố trước Đại hội đồng Liên hợp quốc và cuộc Đối thoại Cấp cao về Năng lượng, nơi các quốc gia sẽ thúc đẩy các cam kết hành động của cá nhân và tập thể.

Dịch Phong

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/so-du-an-dien-than-de-xuat-giam-76-ke-tu-thoa-thuan-paris-2015-314893.html