Sở GD TPHCM tuyển viên chức năm học 2024 - 2025, GV quan tâm cần lưu ý gì?

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tuyển dụng 263 giáo viên các bộ môn và 74 nhân viên. Người dự tuyển được đăng ký 02 nguyện vọng.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn số 3719/TB-SGDĐT về tuyển dụng viên chức công tác ở các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đợt 1, năm học 2024 - 2025.

Theo đó, Công văn này có một số nội dung chính như sau:

 Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Tình hình nhu cầu tuyển dụng

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý 125 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Tính đến năm 2024, có 05 đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên tổ chức tuyển dụng viên chức theo thẩm quyền quy định và 29 đơn vị sự nghiệp công được phân cấp tổ chức tuyển dụng viên chức.

Sau khi tổng hợp nhu cầu tuyển dụng đợt 1, năm học 2024 – 2025 của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc chưa được phân cấp tổ chức tuyển dụng, Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng 30 vị trí với số lượng 337 viên chức.

Trong đó: 263 viên chức vị trí giáo viên các bộ môn và 74 viên chức vị trí nhân viên; đồng thời, người dự tuyển đối với 30 vị trí việc làm này đều được đăng ký 02 nguyện vọng.

Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển ở từng vị trí việc làm

Người dự tuyển vào vị trí việc làm Giáo viên các môn (Chức danh nghề nghiệp: Giáo viên Trung học phổ thông hạng III - Mã số V07.05.15):

Phải đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo qui định: có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông.

Trường hợp có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp nhưng không thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học phổ thông theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Người dự tuyển các vị trí việc làm nhân viên:

Phải đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo qui định hiện hành tương ứng với chức danh nghề nghiệp nhân viên đăng ký dự tuyển, cụ thể:

a) Đối với vị trí Văn thư:

Chức danh nghề nghiệp: Văn thư viên - Mã số 02.007:

Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành văn thư - lưu trữ, lưu trữ học, lưu trữ học và quản trị văn phòng.

Trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành hoặc chuyên ngành văn thư hành chính, văn thư - lưu trữ, lưu trữ.

Chức danh nghề nghiệp: Văn thư trung cấp - Mã số 02.008:

Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên với ngành hoặc chuyên ngành văn thư hành chính, văn thư - lưu trữ, lưu trữ, lưu trữ và quản lý thông tin. Trường hợp có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp.

b) Đối với vị trí Thư viện:

Chức danh nghề nghiệp: Thư viện viên hạng III - Mã số V.10.02.06:

Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành thông tin - thư viện. Trường hợp tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thông tin - thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.

Chức danh nghề nghiệp: Thư viện viên hạng IV - Mã số V.10.02.07:

Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành thông tin - thư viện. Trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thông tin - thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.

c) Đối với vị trí Thiết bị, thí nghiệm (Chức danh nghề nghiệp: Nhân viên thiết bị, thí nghiệm - Mã số V.07.07.20):

Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành Công nghệ thiết bị trường học hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên các chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm thiết bị, thí nghiệm ở trường trung học.

d) Đối với vị trí Công nghệ thông tin:

Chức danh nghề nghiệp: Công nghệ thông tin hạng III - Mã số V.11.06.14:

Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên các ngành đào tạo về công nghệ thông tin hoặc các ngành gần đào tạo về công nghệ thông tin.

Chức danh nghề nghiệp: Công nghệ thông tin hạng IV - Mã số V.11.06.15:

Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên các ngành đào tạo về công nghệ thông tin hoặc các ngành gần đào tạo về công nghệ thông tin.

đ) Đối với vị trí Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật (Chức danh nghề nghiệp: Nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật - Mã số V.07.06.16):

Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành hỗ trợ giáo dục người khuyết tật hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên một trong các ngành, nghề thuộc lĩnh vực, nhóm ngành, nghề: Đào tạo giáo viên, Tâm lý học, Công tác xã hội, Sức khỏe (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội);

e) Đối với vị trí Kế toán:

Chức danh nghề nghiệp: Kế toán viên, mã số 06.031:Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính.

Chức danh nghề nghiệp: Kế toán viên trung cấp, mã số 06.032: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính.

g) Đối với vị trí Thủ quỹ (Chức danh nghề nghiệp: Nhân viên - Mã số 01.005):

Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc ngành đào tạo kế toán, kiểm toán, tài chính phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm thủ quỹ.

h) Đối với vị trí Y tế (Chức danh nghề nghiệp: Y sĩ hạng IV - Mã số V.08.03.07):

Có bằng tốt nghiệp y sĩ trình độ trung cấp.

i) Đối với vị trí Giáo vụ (Chức danh nghề nghiệp: Nhân viên giáo vụ - Mã số V.07.07.21):

Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên (hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên các chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm giáo vụ).

Hình thức và nội dung tuyển dụng

Vòng 1: Thi kiểm tra kiến thức chung

a) Hình thức thi: trắc nghiệm trên máy vi tính.

b) Nội dung Kiến thức chung: 60 câu hỏi hiểu biết về pháp luật viên chức, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực giáo dục. Thời gian thi 60 phút.

c) Kết quả thi vòng 1: được xác định theo số câu trả lời đúng được thông báo cho thí sinh biết ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài thi trên máy vi tính và nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên thì người dự tuyển được thi tiếp vòng 2.

Lưu ý: Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả thi vòng 1 trên máy vi tính.

Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành để kiểm tra năng lực về chuyên môn và nghiệp vụ giảng dạy của người dự tuyển

a) Hình thức thi: Thực hành.

b) Nội dung thi: Kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

c) Thời gian thi: 30 phút/thí sinh (bao gồm không quá 15 phút chuẩn bị).

d) Thang điểm: 100 điểm.

Lưu ý: Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả thi vòng 2.

Bạn đọc có thể xem số liệu nhu cầu tuyển dụng viên chức giáo viên, nhân viên theo vị trí việc làm TẠI ĐÂY.

Tài liệu tham khảo:

https://hcm.edu.vn/thong-bao/thong-bao-ve-tuyen-dung-vien-chuc-cong-tac-o-cac-don-vi-su-nghiep-cong-lap-truc/ctfull/41012/75655

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/so-gd-tphcm-tuyen-vien-chuc-nam-hoc-2024-2025-gv-quan-tam-can-luu-y-gi-post243516.gd