Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tích cực chuyển đổi số

Thông tin kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, Sở GTVT Hà Nội cho biết công tác chuyển đổi số, xây dựng hệ thống giao thông thông minh đang dần hoàn thiện. Đáng chú ý, phát triển nền tảng số cho vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đạt kết quả khả quan.

Hoàn thiện, phát triển nền tảng số

Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Hữu Bảo cho biết, 6 tháng đầu năm, Sở đã tích cực thực hiện một số nhiệm vụ chuyển đổi số trọng tâm của ngành GTVT và Đề án giao thông thông minh trên địa bàn.

Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, Sở GTVT đã hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng và trình TP phê duyệt Đề án giao thông thông minh. Trên cơ sở tiếp thu và giải trình ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan, hiện nay Sở GTVT đang hoàn thiện đề án.

Về công tác phát triển nền tảng số, Sở GTVT đã triển khai thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông cho mạng lưới VTHKCC tính từ ngày 28/11/2023 – 31/12/2024 với 25 tuyến xe buýt.

Thanh toán điện tử trên phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Thanh toán điện tử trên phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Tính đến ngày 11/6/2024 đã phát hành 30.567 thẻ. Trong đó, có 17.551 thẻ vật lý (5.103 thẻ 1 tuyến; 12.408 thẻ liên tuyến); 13.056 thẻ ảo (3.559 thẻ 1 tuyến, 9.497 thẻ liên tuyến trong đó có 858 thẻ miễn phí).

100% thẻ vé tháng 1 tuyến trên các tuyến thí điểm đã sử dụng vé điện tử; đã cung cấp ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” cho người dân khai thác, sử dụng, đăng ký thẻ và mua vé trực tuyến từ 1/4/2024.

Trên cơ sở đánh giá giai đoạn thí điểm, Sở GTVT đã trình TP Hà Nội chấp thuận chủ trương thuê dịch vụ triển khai hệ thống vé điện tử liên thông cho mạng lưới VTHKCC đa phương thức.

Đề xuất triển khai trên toàn địa bàn Hà Nội với quy mô hệ thống có khả năng đáp ứng cho khoảng trên 2.000 xe buýt đang khai thác vận hành và 02 tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 2A đoạn Cát Linh – Hà Đông; tuyến số 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội). Phần mềm có khả năng đáp ứng kết nối, điều hành cho khoảng 5.000 phương tiện buýt tại cùng một thời điểm.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất triển khai xây dựng hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông trên bản đồ số trực tuyến.

Sở GTVT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai chia sẻ dữ liệu từ ứng dụng "Busmap Hà Nội", dữ liệu các bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe ứng dụng giải pháp công nghệ thu giá trông giữ xe không dùng tiền mặt tại 61 điểm thuộc 8/30 quận huyện lên ứng dụng "Công dân số Thủ đô".

Triển khai thiết bị xác thực điện tử trong đào tạo sát hạch lái xe (mô hình 17) thí điểm tại trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 1 từ tháng 6 - 9/2024.

Song song với đó, Sở GTVT cũng phát triển dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở dữ liệu hạ tầng VTHKCC và các ứng dụng dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hiện 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (04 dịch vụ toàn trình và 115 dịch vụ một phần).

Thí điểm triển khai hệ thống giao thông thông minh

Về đề án giao thông thông minh, Sở GTVT định hướng phương án theo giai đoạn cụ thể, trong đó hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông chung của TP vào năm 2025.

Khung kiến trúc chung của hệ thống giao thông thông minh với 4 thành phần chính là: người dùng ITS; phương tiện giao thông tích hợp camera thông minh; cơ sở hạ tầng giao thông thông minh; trung tâm điều hành, giám sát giao thông TP.

Chức năng của hệ thống ITS là thu nhập các nguồn dữ liệu về hệ thống giao thông TP; chia sẻ thông tin cho các cơ quan tổ chức; xử lý phân tích dữ liệu và bảo mật thông tin.

Ứng dụng có 12 chức năng gồm: giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự ATGT; quản lý GTCC; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; mô phỏng giao thông trong công tác quản lý, khai thác và điều hành GTVT.

Việc phát triển ITS được hình thành qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (năm 2024 – 2026) đưa vào khai thác vận hành trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh với 9/12 chức năng (ngoại trừ 3 chức năng: quản lý vận tải; quản lý nhu cầu (thu phí nội đô); mô phỏng giao thông, trong 12 chức năng nêu trên).

Phạm vi dự kiến đầu tư tại 60 nút trên các tuyến vành đai 1, 2, 3 và các trục xuyên tâm với 600 camera, 20 VMS, 10 tủ điều khiển đèn tín hiệu.

Giai đoạn 2 (2027 – 2029) đưa vào vận hành đủ 12/12 chức năng, tích hợp quản lý điều hành giao thông TP tại Trung tâm. Mở rộng triển khai lắp đặt các thiết bị ngoại vi ITS cho 150 nút và vị trí, bao phủ toàn bộ các tuyến vành đai 1, 2, 3, các tuyến trục chính đô thị, các tuyến hướng tâm…

Giai đoạn 3 (từ năm 2030) nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo nên di chuyển thông minh trong thành phố, đưa Hà Nội trở thành TP có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực. Đồng thời, tiếp tục mở rộng phạm vi và duy trì hoạt động 12/12 chức năng kết hợp cập nhật và bổ sung chức năng mới theo nhu cầu.

Về việc thí điểm triển khai hệ thống giao thông thông minh, Tập đoàn Viettel cho biết sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ các chi phí để triển khai thí điểm. Thời gian dự kiến từ 5/2024 – 12/2024.

UBND TP đã có văn bản 1524/UBND-ĐT ngày 17/5/2024 thống nhất với nội dung thí điểm giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội. Sở GTVT phối hợp với Tập đoàn Viettel và các đơn vị liên quan triển khai lắp đặt cơ bản hoàn thành phần hạ tầng và trang thiết bị tại trung tâm TOC (số 1 Kim Mã) và 2 nút giao thông trên đường Phạm Văn Bạch (ngõ 9 và Hoàng Quán Chi).

Hiện nay đang triển khai tích hợp, xây dựng ứng dụng quản lý, giám sát điều hành tại trung tâm TOC.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/so-giao-thong-van-tai-ha-noi-tich-cuc-chuyen-doi-so.html