Sơ hở, chủ quan dễ bị... mất trộm
Theo cơ quan Công an, bước vào mùa cao điểm nắng nóng, oi bức, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có nhiều diễn biến phức tạp. Sự bất cẩn trong sinh hoạt là một trong những nguyên nhân tạo sơ hở để các loại tội phạm như cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản,… thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Cơ hội cho phạm tội lộng hành
Theo cơ quan Công an, thực tế từ các vụ án cho thấy, các đối tượng trộm cắp thường có sự quan sát kỹ lưỡng địa điểm dự định đột nhập, tìm thời điểm thích hợp, lợi dụng sơ hở của chủ nhà hoặc lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp để gây án. Thủ đoạn trộm cắp tài sản của các đối tượng không mới nhưng do sự chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong bảo vệ tài sản của người dân đã tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội.
Thời gian qua, một số đơn vị của Công an thành phố Hà Nội đã liên tiếp phát hiện, triệt phá các vụ trộm cắp tài sản của người dân. Đơn cử như mới đây, Công an phường Phúc La, quận Hà Đông đã phối hợp Đội Điều tra tổng hợp Công an quận khẩn trương vào cuộc điều tra, truy xét, làm rõ đối tượng Trương Công Thành (sinh năm 1996; trú tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) về hành vi “Trộm cắp tài sản”. Theo điều tra, do khó khăn về kinh tế, không có việc làm, thu nhập nên Thành đã nảy sinh ý định trộm cắp chiếc xe máy nhãn hiệu Honda Sh 125i của bạn để tiêu xài cá nhân. Trước đó, Thành đến nhà bạn ngủ lại, lợi dụng cơ hội đánh tráo vé gửi xe máy, sau đó Thành ra về. Mấy hôm sau, đối tượng cải trang mặc đồ kín mít rồi quay lại khu nhà của bạn, dùng vé xe và chìa khóa đánh cắp chiếc xe máy sau đó bán lấy tiền tiêu xài cá nhân.
Không chỉ trộm cắp tài sản trong nhà dân mà tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, tình trạng kẻ gian đột nhập lấy cắp tài sản có chiều hướng phức tạp, mặc dù các nơi này luôn có bảo vệ trực ngày, đêm. Điển hình như mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố ổ nhóm trộm cắp tài sản chuyên trộm cắp đồ tại các siêu thị. Theo điều tra, đây là những đối tượng lang thang, không nghề nghiệp. Để có tiền ăn tiêu, các đối tượng bàn bạc với nhau thực hiện hành vi trộm cắp tài sản với thủ đoạn lợi dụng đêm tối vắng người, mang theo công cụ phương tiện như: Xà cầy, búa đinh, kìm, đục, vam chữ T, cưa, dây dù, mũ len và găng tay… đột nhập vào trong siêu thị để trộm cắp tài sản. Theo đó, 6 đối tượng đã thực hiện 5 vụ trộm cắp tài sản với tổng trị giá tài sản là gần 750 triệu đồng, gồm chiếm đoạt của Siêu thị Eco - Mart tại thôn Thưởng Lệ, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội và của 2 người dân tổng số tiền hơn 313 triệu đồng…
Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác
Trước tình hình phức tạp về hoạt động của các loại tội phạm nói chung, tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản nói riêng, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp chặt chẽ với Công an các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, kiên quyết tấn công tội phạm, điều tra triệt để, làm rõ tận gốc các vụ án trộm cắp tài sản nhà dân, xử lý nghiêm các đối tượng gây án… Hiện nay, tại hầu hết quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, cơ quan Công an đã phối hợp chính quyền địa phương có nhiều hình thức tuyên truyền vào các buổi họp tổ dân phố và tới từng nhà dân để hướng dẫn cách phòng ngừa tội phạm.
Ghi nhận tại phường Phương Mai, quận Đống Đa, đây là một trong những phường điểm của quận Đống Đa cũng như của Thành phố trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Ngoài số lượng người dân vãng lai khi đến bệnh viện Bạch Mai khám chữa bệnh, còn có hàng nghìn nhà trọ cho sinh viên các trường đại học trong khu vực… Đây cũng là một trong những điều kiện mà tội phạm trộm cắp tài sản nhắm đến.
Thông tin với phóng viên, Trung tá Nguyễn Duy Định - Trưởng Công an phường Phương Mai cho biết, mùa hè, nhiều người dân có thói quen mở cửa sổ, ô thoáng, cửa tum, cửa thông tầng khi đi ngủ cho mát, đã vô tình tạo sơ hở để tội phạm trộm cắp lợi dụng gây án. Một dạng khác, cũng vào mùa hè, tội phạm lợi dụng chủ nhà đi nghỉ mát dài ngày, dùng công cụ cạy cửa vào nhà lấy cắp tài sản, hoặc chờ đêm khuya, rạng sáng khi người dân đang ngủ say sau chuyến đi xa về, đột nhập qua tầng tum vào trong trộm tài sản…
Theo Chỉ huy Công an phường Phương Mai, đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi, có dấu hiệu hoạt động chuyên nghiệp, như: Sử dụng quần áo, mũ, đeo khẩu trang, đi găng tay và giày thể thao để tránh việc nhận dạng, thường đi một mình, di chuyển trên các tuyến đường để theo dõi, phát hiện nhà dân không có người ở nhà, không khóa cửa, ngủ say; cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp không có bảo vệ hoặc có bảo vệ nhưng đã ngủ say thì tiếp cận dùng kìm cộng lực cắt, phá khóa, dùng công cụ khác phá cửa đột nhập hoặc đi vào lối cửa mở để trộm cắp tài sản.
Điều đáng nói là ngoài thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, tội phạm đột nhập nhà dân rất manh động, khi bị phát hiện sẵn sàng dùng hung khí tấn công lại gia chủ để tẩu thoát hoặc bịt đầu mối, tránh bị cơ quan Công an phát hiện, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân…
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, ý thức phòng ngừa nhằm bảo vệ tài sản và giữ gìn an ninh trật tự cho từng tuyến phố, khu dân cư. Thường xuyên có người trông coi nhà, trường hợp đi vắng, trước khi ra khỏi nhà cần kiểm tra lại hệ thống cửa, khóa cửa an toàn, đồng thời nhờ người thân hoặc hàng xóm trông coi giúp. Trước khi đi ngủ hoặc đi tập thể dục phải kiểm tra lại hệ thống cửa ra vào, cửa sổ, cửa tum, cửa ban công, cổng… Đối với phương tiện giao thông phải để ở nơi có người trông coi, xe máy nên lắp khóa càng và khi dựng xe phải khóa càng. Không để xe máy ở cửa nhà khi không có người trong nhà và để ở các nơi công cộng khác mà không có người trông coi. Các cơ sở kinh doanh các dịch vụ vui chơi giải trí, cần chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, không kinh doanh quá giờ quy định. Đồng thời phải có biện pháp trông coi bảo vệ tài sản, không để xảy ra trộm cắp tài sản và mất an ninh trật tự.
Trong mọi trường hợp, khi nhận thấy các đối tượng có biểu hiện, dấu hiệu nghi vấn thực hiện tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản,… người dân cần nhanh chóng phản ánh đến lực lượng Công an nơi gần nhất, hoặc gọi điện thoại đến “đường dây nóng” của Công an thành phố Hà Nội theo số điện thoại 113, hay 069.2196.777, để lực lượng Công an kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra hậu quả xấu.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/so-ho-chu-quan-de-bi-mat-trom-171998.html