Số hóa dữ liệu nghệ thuật bài chòi

Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa vừa tổ chức hội thảo khoa học "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để quản lý cơ sở dữ liệu nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa", với hơn 200 nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia. Qua đó, làm rõ hơn những giá trị văn hóa, hiệu quả xã hội của nghệ thuật bài chòi trong xu hướng số hóa dữ liệu hiện nay.

Góp phần phát huy giá trị bài chòi

Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ được UNESCO vinh danh nằm ở 9 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa. Trong đó, bài chòi Khánh Hòa vừa có những nét chung, vừa có những giá trị đặc sắc. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha - hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, mỗi tỉnh, thành phố trong khu vực có mô hình hội đánh bài chòi khác nhau. Riêng tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Định có mô hình hội đánh bài chòi gần giống nhau. Bộ bài chòi trong hội đánh bài chòi ở Khánh Hòa có 27 quân. Bên cạnh hội hô bài chòi, ở Khánh Hòa còn có sân khấu bài chòi thu hút đông đảo khán giả trong mỗi đêm diễn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều nghệ nhân, nhiều người giỏi hô hát, biểu diễn nghệ thuật bài chòi.

Theo nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức, nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa đã có sự phát triển mạnh mẽ từ hô đố tên quân bài trong các hội chơi bài chòi; biểu diễn các bài ca lẻ đến câu chuyện ngắn, rồi câu chuyện dài trong nghệ thuật bài chòi trải chiếu, bài chòi đất. Đặc biệt, nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa còn có loại hình sân khấu kịch hát, hay còn gọi dân ca kịch bài chòi với những vở diễn để lại tiếng vang lớn trong khán giả nhiều thế hệ.

Ban tổ chức tặng quà tri ân các nghệ sĩ, nghệ nhân bài chòi.

Ban tổ chức tặng quà tri ân các nghệ sĩ, nghệ nhân bài chòi.

Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, nhưng lâu nay, nghệ thuật bài chòi mới chỉ được lưu giữ trong trí nhớ của người dân hoặc một số tài liệu in ấn, thu âm, ghi hình. Những cách thức này đều bộc lộ những hạn chế khi ngày càng có nhiều tư liệu, hình ảnh, tri thức dân gian bị mai một, mất mát. “Việc ứng dụng CNTT để quản lý cơ sở dữ liệu bài chòi là hoạt động cần thiết, dấu ấn quan trọng trong việc phát huy sức mạnh mềm của văn hóa gắn với công nghệ. Trong số 9 tỉnh, thành phố có di sản văn hóa phi vật thể bài chòi được vinh danh, đến nay, chỉ có tỉnh Khánh Hòa tiên phong trong việc sử dụng CNTT để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản nghệ thuật bài chòi ở địa phương”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Toàn - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết.

Xây dựng phần mềm dữ liệu

Tại hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu phần mềm quản lý, khai thác dữ liệu nghệ thuật bài chòi. Phần mềm là một phần của Đề án Ứng dụng CNTT để quản lý cơ sở dữ liệu nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa được UBND tỉnh phê duyệt năm 2020 nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh. Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thu Thúy - Trường Đại học Nha Trang: “Để lập hồ sơ khoa học về tài liệu, tư liệu nghệ thuật bài chòi, nhóm tác giả đã đi điền dã, sưu tầm, kiểm kê, cập nhật số liệu về di sản bài chòi, nghệ nhân bài chòi, người biết đàn - hát bài chòi, các tổ chức sinh hoạt bài chòi, tư liệu, hiện vật liên quan đến bài chòi… Từ đó, tiến hành số hóa tư liệu, hiện vật; xây dựng cơ sở dữ liệu nghệ thuật bài chòi dân gian ở Khánh Hòa”.

Phần mềm cơ sở dữ liệu bài chòi hoạt động trên nền tảng ứng dụng web với các tính năng hoạt động ổn định, hữu ích cho người dùng, giúp việc quản lý dữ liệu liên quan đến nghệ thuật bài chòi dễ dàng, linh hoạt, tránh tình trạng thất lạc hồ sơ và sai sót như cách lưu trữ lâu nay vẫn sử dụng. Từ phần mềm, chúng ta sẽ dễ dàng trong việc truy xuất, bổ sung dữ liệu liên quan. Website còn giúp quảng bá hình ảnh, thông tin về di sản bài chòi của tỉnh, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập của nhiều đối tượng khác nhau. Từ đó, góp phần quan trọng trong phát huy giá trị bài chòi theo xu hướng công nghệ số.

Ông LÊ VĂN HOA - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Sau hơn 5 năm nghệ thuật bài chòi dân gian được UNESCO vinh danh, chúng ta đã có nhiều hoạt động tích cực để thực hiện việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Việc xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu nghệ thuật bài chòi phù hợp với tình hình thực tế trong việc triển khai các mục tiêu lưu trữ, sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy, thực hành… về mọi khía cạnh khác nhau của nghệ thuật bài chòi”.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chuyen-doi-so/202307/so-hoa-du-lieu-nghe-thuat-bai-choi-6fe0e14/