Sở hữu trí tuệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo nghệ thuật

Trong thời đại số và trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các sản phẩm âm nhạc, từ bản nhạc viết tay đến bản phối hiện đại trên nền tảng số, đều có thể dễ dàng bị sao chép, khai thác trái phép… Bởi vậy, cần có hệ thống sở hữu trí tuệ hiệu quả, phù hợp để ngăn chặn.

Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay cho thấy sở hữu trí tuệ là công cụ pháp lý bảo vệ kho tàng nghệ thuật của nhân loại. (Ảnh: BÍCH LIÊN)

Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay cho thấy sở hữu trí tuệ là công cụ pháp lý bảo vệ kho tàng nghệ thuật của nhân loại. (Ảnh: BÍCH LIÊN)

Sở hữu trí tuệ giúp ý tưởng sáng tạo thành hiện thực

Trong kỷ nguyên công nghệ số, đổi mới sáng tạo không chỉ là chìa khóa giúp các doanh nghiệp cạnh tranh mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của một quốc gia. Và để bảo vệ những ý tưởng sáng tạo, sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng then chốt, tạo động lực cho ý tưởng sáng tạo trở thành hiện thực.

Năm 2025, với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ,” Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tiếp tục kêu gọi sự quan tâm và hành động của các quốc gia đối với việc bảo vệ các tác phẩm âm nhạc và những người sáng tạo. Thông qua các hoạt động này, cộng đồng được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực sáng tạo, trong đó có âm nhạc.

Theo thống kê WIPO, ngành công nghiệp sáng tạo toàn cầu đóng góp khoảng 2,25 nghìn tỷ USD mỗi năm vào nền kinh tế và sử dụng hơn 30 triệu lao động. Trong năm 2022, xuất khẩu dịch vụ sáng tạo toàn cầu đạt 1,4 nghìn tỷ USD, tăng 29% so với năm 2017. Tổng thu nhập của các nhà sáng tạo toàn cầu đã tăng 7,6% vào năm 2023.

Theo WIPO và Brand Finance (hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập có trụ sở tại Anh), các tập đoàn hàng đầu như Apple, Microsoft, Nvidia ngày càng phát triển với giá trị hàng nghìn tỷ USD đều dựa trên tài sản trí tuệ, từ sáng chế, nhãn hiệu, đến bí mật kinh doanh và phần mềm… khi được đảm bảo bằng công cụ sở hữu trí tuệ sẽ là nguồn tạo ra giá trị gia tăng vô tận. Đây là bằng chứng rõ ràng rằng, trong kỷ nguyên số, tài sản vô hình, đặc biệt là sở hữu trí tuệ, chính là chìa khóa cho sự phát triển bứt phá nhờ khoa học, công nghệ.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là 3 trụ cột chiến lược để đưa đất nước vươn lên trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Trong cả 3 trụ cột này, sở hữu trí tuệ đóng vai trò then chốt. Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời đã khẳng định mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Có thể khẳng định, sở hữu trí tuệ không chỉ là động lực thúc đẩy sáng tạo và tăng trưởng kinh tế, không chỉ là tài sản trí tuệ có giá trị lớn đối với người dân và doanh nghiệp, mà còn là công cụ bảo vệ các kho tàng nghệ thuật của nhân loại.

Tuy nhiên, trong thời đại số và trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các sản phẩm âm nhạc, từ bản nhạc viết tay đến bản phối hiện đại trên nền tảng số, đều có thể dễ dàng bị sao chép, khai thác trái phép, bởi vậy rất cần có hệ thống sở hữu trí tuệ hiệu quả, phù hợp để ngăn chặn.

Theo bà Vũ Việt Hồng, giảng viên bộ môn đàn tranh (Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cho biết: Trong âm nhạc, AI không chỉ là một công cụ kỹ thuật mà còn đang trở thành đối tác sáng tạo cùng nghệ sĩ. Mặc dù mối quan hệ giữa trí tuệ nhân tạo và âm nhạc là một sự giao thoa giữa công nghệ và nghệ thuật, mở ra tiềm năng sáng tạo to lớn nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi mới. AI không thay thế con người trong âm nhạc, mà đang trở thành một người bạn đồng hành, hỗ trợ nghệ sĩ trong hành trình khám phá cái đẹp và cảm xúc thông qua âm thanh.

Các chuyên gia cũng cho rằng, sự bùng nổ của thị trường nhạc số, cùng với xu hướng phát trực tuyến đã giúp không ít nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu trong chớp mắt, khi bài hát hay album của họ đạt triệu view trong vài ngày, mang lại cho họ khoản doanh thu lâu dài. Với những công nghệ hiện đại giúp kiểm soát và mang lại tiền tác quyền cho các tác giả, nếu không “chất xám” của nhạc sĩ sẽ thất thoát nhiều... Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của các sáng chế này, cần một hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh mẽ và toàn diện là điều kiện tiên quyết.

Công cụ pháp lý bảo vệ âm nhạc và người sáng tạo

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, quyền sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ thành quả sáng tạo và thúc đẩy phát triển bền vững.

Có thể khẳng định, hơn cả một công cụ quản lý, sở hữu trí tuệ còn là chỗ dựa tinh thần cho nhạc sĩ… Khi một ca khúc được bảo hộ, tên người sáng tác được ghi nhận, điều này không chỉ mang lại cảm giác tự hào, an tâm mà đó còn là sự khẳng định bản sắc nghệ thuật cá nhân có giá trị về mặt tài chính, pháp lý. Sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ luôn là yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp âm nhạc phát triển mạnh mẽ. Bởi vậy, để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, cần nâng cao nhận thức về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó sở hữu trí tuệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Theo ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, công nghệ không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là động lực thay đổi trong ngành công nghiệp âm nhạc. Từ các sáng chế giúp cải thiện chất lượng âm thanh, cho đến những giải pháp bảo vệ bản quyền âm nhạc, công nghệ đang từng ngày làm thay đổi cách chúng ta sáng tác, biểu diễn và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nghệ thuật này.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ đã luôn xác định sở hữu trí tuệ là một trong những trụ cột quan trọng nhất của chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia. Hiện nay, cục đã và đang tích cực phối hợp cùng các cơ quan, bộ, ngành liên quan tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ cộng đồng hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long cũng cho biết, cục đang hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thể chế, hiện đại hóa quy trình xử lý đơn, tăng cường phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trong trường học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến hợp tác quốc tế cũng đang được triển khai nhằm giúp Việt Nam tiếp cận các mô hình quản lý sở hữu trí tuệ tiên tiến, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ và khơi thông dòng chảy sáng tạo trong xã hội.

Có thể khẳng định, sở hữu trí tuệ đã góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và bền vững. Đồng thời nhắc nhở xã hội rằng: Âm nhạc không chỉ là giải trí, mà còn là lao động nghệ thuật đáng được trân trọng và gìn giữ, để truyền lại cho thế hệ sau.

BÍCH LIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/so-huu-tri-tue-thuc-day-doi-moi-sang-tao-nghe-thuat-post875614.html