Sở hữu trí tuệ thúc đẩy sáng tạo và bảo vệ kho tàng nghệ thuật của nhân loại

Sáng 25-4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Thủy lợi tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4 (IP Day).

Hà Nội hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4 (IP Day) năm 2025

Hà Nội hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4 (IP Day) năm 2025

Năm nay, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới có chủ đề “Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc – Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ”. Đây là cơ hội để thế giới tôn vinh và bảo vệ những đóng góp của các chủ thể sáng tạo (nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, người biểu diễn và tất cả những ai định hình nên âm nhạc), nhà sáng chế và doanh nhân trong ngành công nghiệp âm nhạc nói riêng và lĩnh vực sáng tạo nói chung.

Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long, thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ năm nay nhắc nhở mọi người suy nghĩ sâu sắc hơn về vai trò của Sở hữu trí tuệ đối với thế giới tinh thần của con người. Sở hữu trí tuệ không chỉ là nội lực thúc đẩy sáng tạo và tăng trưởng kinh tế, không chỉ là tài sản trí tuệ có giá trị lớn đối với mỗi người dân, doanh nghiệp... mà còn là phương tiện bảo vệ kho tàng nghệ thuật của nhân loại.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long phát biểu

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long phát biểu

Âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh và nhịp điệu, là món ăn tinh thần không thể thiếu nuôi dưỡng đời sống tâm hồn của người dân trong xã hội hiện đại. Cũng như các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật khác, nghệ thuật âm nhạc đòi hỏi một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ rất mạnh mới đủ năng lực để bảo vệ và thúc đẩy khai thác một cách có hiệu quả các quyền thương mại và tinh thần của các nhà sáng tạo và trình diễn.

Đảng và Nhà nước ta đã xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chiến lược để đưa đất nước vượt lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trong cả 3 trụ cột này, sở hữu trí tuệ đóng vai trò then chốt.

“Dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ luôn xác định sở hữu trí tuệ là một trong những trụ cột quan trọng nhất của chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia. Chúng tôi đã và đang tích cực phối hợp cùng các chuyên gia, bộ, ngành liên quan tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ cộng đồng hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đầy giáo dục và phổ biến công tác sở hữu trí tuệ trong trường học, doanh nghiệp..., hỗ trợ bảo hộ thương mại hóa tài sản trí tuệ” – Ông Lưu Hoàng Long nêu rõ.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà phát biểu

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà phát biểu

Phát biểu tại sự kiện, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà nêu rõ, Sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ pháp lý, mà còn là động lực thúc đẩy sáng tạo và cống hiến. Bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ giúp nghệ sĩ, nhà sáng chế, nhà khởi nghiệp yên tâm đóng góp, sáng tạo và lan tỏa các giá trị văn hóa, khoa học, công nghệ. Trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò then chốt trong bảo vệ tài sản trí tuệ, giảm thiểu rủi ro vi phạm bản quyền, sao chép trái phép.

Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Thành phố đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND và các quyết định cụ thể nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với các sản phẩm, giống cây trồng, nhãn hiệu, sáng chế... Đồng thời, tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ. Năm 2024 có hơn 11.400 đơn đăng ký và gần 10.000 văn bằng được cấp; tổ chức các chương trình hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sản phẩm khoa học công nghệ. Đến nay có khoảng 200 sản phẩm OCOP được bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ.

Đồng thời thành phố Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức lớp đào tạo, hội thảo, triển lãm kết nối sản phẩm sở hữu trí tuệ; kiểm tra, hướng dẫn việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đúng quy định pháp luật cho quận, huyện và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động đánh dấu sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới 26-4-2025.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động đánh dấu sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới 26-4-2025.

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố Sáng tạo”, phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tập trung vào AI, Blockchain, chuyển đổi số và công nghệ xanh; nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường giáo dục về sở hữu trí tuệ trong trường học, truyền thông đại chúng, để người dân hiếu rõ giá trị của tài sản trí tuệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thúc đẩy hợp tác với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tận dụng chính sách pháp luật mới, phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai các cơ chế hỗ trợ mới theo Luật Thủ đô và các chính sách phát triển tài sản trí tuệ.

“Thành phố Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ các Bộ, ngành Trung ương, viện trường, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế để phát triển hệ sinh thái sở hữu trí tuệ bền vững, góp phần vào sự nghiệp đổi mới. sáng tạo và phát triển Thủ đô” – ông Nguyễn Quốc Hà nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu đã thăm quan khu trưng bày “Sản phẩm Khoa học công nghệ, Đổi mới Sáng tạo” tại khuôn viên trường Đại học Thủy lợi.

Tin và ảnh Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/so-huu-tri-tue-thuc-day-sang-tao-va-bao-ve-kho-tang-nghe-thuat-cua-nhan-loai-700306.html