Sở hữu trí tuệ trong EVFTA: Tiền đề để bảo vệ thương hiệu
Sáng 27/8, tại Hà Nội, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức Hội nghị phổ biến về EVFTA: 'Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU - Một số cam kết quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý'.
Sản phẩm không có thương hiệu sẽ bị đào thải
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, EVFTA là một hiệp định dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam. Với EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ trưởng nhấn mạnh, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới rất toàn diện, rất nhiều lĩnh vực phi truyền thống đã được đề cập, đàm phán, ký kết ở mức độ rất cao. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, với những FTA thế hệ mới thì phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở của thị trường hàng hóa. EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ. Đây là một nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít FTA mà Việt Nam tham gia, trong đó có EVFTA. “Việc tham gia ký kết EVFTA giúp chúng ta mở rộng thị trường, phát triển thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, việc tham gia Hiệp định cũng tạo nên những thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) của Việt Nam và các cơ quan quản lý. Đặc biệt, đối với DN là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường trong phân phối sản phẩm hàng hóa. Bởi vì dù tham gia Hiệp định, được thuận lợi trong việc cắt giảm thuế quan nhưng đối với những mặt hàng, sản phẩm không có thương hiệu, chất lượng kém, không đảm bảo sở hữu trí tuệ thì chắc chắn sẽ thất thế và có thể bị đào thải.
“Do EVFTA là hiệp định toàn diện, trải dài trên nhiều lĩnh vực nên nếu cơ quan chức năng không có cho mình những chương trình hành động cụ thể, nhất là việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, thể chế để thực thi các cam kết trong EVFTA chúng ta sẽ trở thành những đối tượng chịu chế tài, đối tượng bị trừng phạt thương mại từ các nước tham gia khuôn khổ cam kết EVFTA”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý.
Thêm cơ hội cho nông sản Việt
Nhận định về những quy định, cam kết liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại EVFTA, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, các cam kết cụ thể mức độ bảo hộ trong Hiệp định EVFTA sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN hai bên và là động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghệ chế biến, sản xuất hàng nông sản, thực phẩm, công nghiệp năng lượng, dược phẩm, chế tạo máy móc thiết bị… cùng nhiều lĩnh vực khác từ EU vào Việt Nam. EVFTA không chỉ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý cho nông sản của Việt Nam, vốn đã có mặt tại thị trường EU từ lâu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột… mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho các sản phẩm đặc sản khác. Tuy nhiên, các cam kết về sở hữu trí tuệ cũng mang lại những thách thức nhất định cho các DN, tổ chức cá nhân tại Việt Nam. Việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ nghiêm hơn, chế độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ chặt chẽ hơn. Điều này có thể khiến các DN Việt Nam - đặc biệt là khi chưa nhận thức đầy đủ về các nội dung quy định thì có thể gặp khó khăn. Ví dụ như gặp sự kiểm soát hàng ở biên giới khi xảy ra tranh chấp hoặc kiện tụng.
Để khai thác được thị trường EU rộng lớn, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, các DN cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU. Điều này đòi hỏi các DN phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.