Sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại
Sáng 4/7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền (YDCT), kết hợp YDCT với y dược hiện đại (YDHĐ). Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và chỉ đạo hội nghị.
Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: Y tế; Nông nghiệp và Môi trường; Dân tộc và Tôn giáo; Khoa học và Công nghệ; Nội vụ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài chính,; Công thương; Văn phòng UBND tỉnh; Hội Đông y tỉnh.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.
Ngày 25/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1893/QĐ-TTg về Chương trình phát triển YDCT, kết hợp YDCT với YDHĐ đến năm 2030. Sau 5 năm thực hiện đạt được nhiều thành tựu như: Hệ thống các cơ sở YDCT cơ bản được đầu tư nâng cấp; mạng lưới YDCT ở tuyến y tế cơ sở được củng cố và phát triển; chất lượng dược liệu, vị thuốc được bảo đảm, thuốc cổ truyền đa dạng và hiệu quả điều trị cao; dịch vụ khám, chữa bệnh trong lĩnh vực YDCT ngày càng phong phú và đa dạng hóa, chất lượng được nâng cao. Cả nước có 5 bệnh viện YDCT tuyến Trung ương, 61 bệnh viện YDCT tuyến tỉnh, thành phố và cơ sở. Mạng lưới khám chữa bệnh bằng YDCT ngoài công lập cũng được các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và tổ chức thực hiện. Đến nay có 10 bệnh viện YDCT tư nhân; có 5.504 phòng chẩn trị phòng khám chuyên khoa YDCT.
Tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh YDCT, kết hợp YDCT với YDHĐ tuyến Trung ương chiếm 3,3%, giảm 0,9% so với năm 2019; tuyến tỉnh chiếm 13,8%, giảm 0,1% so với năm 2019; tuyến huyện chiếm 15.2%; tuyến xã chiếm 25,9%. Tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh YDCT, kết hợp YDCT với YDHĐ chưa đạt mục tiêu theo Quyết định 1893/QĐ-TTg.
Chương trình duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái, xây dựng và ban hành trên 150 quy trình kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, chế biến của 40 loài cây thuốc làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân tham khảo. Lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc. Ứng dụng kỹ thuật hiện đại (sinh học phân tử) đánh giá một số nguồn gen về đa dạng di truyền; gần 30 loài cây thuốc được chọn lọc, tập trung nghiên cứu phục vụ công tác chọn tạo giống. Có 17 doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng 106 dược liệu và được cấp giấy chứng nhận dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, diện tích 1.705 ha, sản lượng 5.720 tấn/năm, doanh thu trên 340 tỷ đồng/năm.
Từ tháng 7/2019 - 12/2024, Cục Quản lý YDCT, Bộ Y tế cấp 1.462 giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu; 121 giấy xác nhận nội dung thông tin thuốc, quảng cáo thuốc; 47 giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền (GMP); 99 giấy chứng nhận thực hành tốt bảo quản dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền (GSP); 133 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; 154 giấy chứng nhận dược liệu đạt GACP-WHO; 288 hồ sơ kê khai giá thuốc.
Tại hội nghị, các đại biểu, địa phương, các ngành, đơn vị tham luận, thảo luận về những bất cập, hạn chế, tồn tại; đề xuất những giải pháp như: Việc triển khai chương trình còn một số hạn chế, các bệnh viện đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại nhưng chưa thu hút được người bệnh đến khám, chữa bệnh; đào tạo lĩnh vực YDCT chưa phù hợp với thực tiễn; đầu tư nguồn lực cho YDCT chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác phát triển YDCT chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương… Cần ban hành chính sách, kinh phí và văn bản quy phạm pháp luật về công tác kế thừa, bảo mật các bài thuốc và các phương pháp phòng bệnh chữa bệnh YDCT; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược và chương trình đảm bảo an ninh dược liệu, tăng cường công tác phối hợp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng YDCT kết hợp YDHĐ; hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển YDCT, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, chính sách đủ mạnh, tạo cơ chế cho YDCT phát triển...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân bằng y học cổ truyền; tập trung đổi mới mạnh mẽ tư duy, có giải pháp cụ thể, khả thi, mang tầm chiến lược lâu dài; chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng chức danh nghề nghiệp, vị trí xứng đáng đối với đội ngũ làm công tác y học cổ truyền; gắn kết, xây dựng sản phẩm y học cổ truyền như các phẩm OCOP; chú trọng các nguồn lực đầu tư cho y học cổ truyền, các bệnh viện trọng điểm, phát triển nguồn dược liệu; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường quảng bá, đưa YDCT Việt Nam ra các nước trên thế giới…