Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng
Chiều nay (13/3), tại Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị Khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ ngành Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, các tỉnh miền Trung.
Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị là văn kiện chính trị có tính định hướng quan trọng, lâu dài và mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng lớn để thành phố Đà Nẵng phát triển trong giai đoạn mới. Nhận thức được ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đó, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết và kịp thời ban hành 12 chương trình, kế hoạch chuyên đề cụ thể để thực hiện Nghị quyết với 525 nhiệm vụ. Đến nay, thành phố đã hoàn thành 113 nhiệm vụ, tiếp tục triển khai 395 nhiệm vụ.
Thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là phối hợp với các cơ quan Trung ương trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách quan trọng như Nghị quyết số 119 của Quốc hội khóa 14 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị định số 34 năm 2021 của Chính phủ về quy định chi tiết biện pháp thi hành Nghị quyết 119; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung thành phố thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng đã bám sát và gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị khóa 13 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều định hướng quan trọng. Đó là, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; Phát triển kinh tế biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ Logisstic và trung tâm tài chính quốc tế, quy mô khu vực; trở thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu, Trung tâm văn hóa nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, thành phố Đà Nẵng tích cực triển khai và tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Theo đó, kinh tế thành phố tiếp tục có bước phát triển mới, cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại với tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm hơn 70% trong tỷ trọng GRDP của thành phố.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, quốc phòng an ninh được giữ vững. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện với nhiều chính sách mang tính nhân văn. Đây là những cơ sở quan trọng để thành phố có thể phát triển nhanh và bền vững trong thời gian đến.
Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết quan trong này, thành phố Đà Nẵng cũng còn nhiều hạn chế. Đó là, mức tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu ổn định, quy mô kinh tế chưa có sự bứt phá, cơ cấu kinh tế bộc lộ những điểm chưa phù hợp. Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Vai trò, vị trí của thành phố Đà Nẵng trong mối liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Tây Nguyên chưa rõ nét.
Những hạn chế, tồn tại vừa nêu, ngoài những nguyên nhân khách quan thì các nguyên nhân mang tính chủ quan vẫn là cơ bản. Đó là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung nhiều thời gian và công sức cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bão lũ và phục hồi kinh tế sau đại địch. Trong cùng một thời điểm, thành phố phải giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, bản án gây lãng phí các nguồn lực, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Đà Nẵng hiện chưa có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phù hợp và chưa tạo ra nguồn lực lớn để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: Việc tổ chức Hội nghị sơ kết Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị là cơ hội để thành phố Đà Nẵng nhận diện những mặt mạnh, yếu; tiếp tục phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện Đề án để báo cáo Bộ Chính trị ngay trong tháng 3/2024. Trên cơ sở này sẽ tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, trong đó, đề xuất Bộ Chính trị ủng hộ, thống nhất chủ trương chỉ đạo các cơ quan Trung ương quan tâm, xem xét ban hành một số cơ chế, chính sách mới, mang tính đặc thù tạo động lực mới cho sự phát triển phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của thành phố.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 119 năm 2020 của Quốc hội Khóa XIV, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã phát huy tính ưu việt của mô hình này. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng mạnh dạn đề xuất với Trung ương xem xét cho thành phố áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị trong thời gian đến.
“Để thực hiện được điều này, thành phố cần những cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như một số địa phương khác đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua và các cơ chế, chính sách mới phù hợp với tình hình thực tiễn thành phố nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới để thành phố phát triển bứt phá hơn trong thời gian đến góp phần sớm hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Điều này, đã được Quốc hội thống nhất chủ trương tại Nghị quyết số 110 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14. Hiện nay, thành phố đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020 trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5/2024”. Ông Nguyễn Văn Quảng cho biết thêm.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia phát biểu, hiến kế những nhóm giải pháp, nhiệm vụ để xây dựng và phát triển Đà Nẵng có sự bứt phá trong thời gian tới. Về giải pháp phát triển kinh tế biển, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi đề xuất 2 nhóm giải pháp lớn. Thứ nhất là nhóm giải pháp nghiệp vụ mang tính bao trùm. Thứ hai là đẩy mạnh liên kết, liên kết từ những vấn đề giao thông, hạ tầng số. Thứ ba là triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách để làm sao thích ứng với biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương, trong đó có nước biển dâng.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi đề xuất: “Về những giải pháp cụ thể, tôi nghĩ rằng, thứ nhất là những vấn đề về du lịch thì tôi cho rằng là vấn đề rác thải, nhựa và những vấn đề môi trường. Đà Nẵng cũng đã và đang tiên phong nhưng mà cố gắng duy trì cái này tốt hơn nữa. Cái thứ hai là huy động nguồn lực để mở rộng và hiện đại hóa cảng Đà Nẵng. Đây là cái tiềm năng nhưng mà cảng Đà Nẵng muốn phát triển được thì phải liên kết thành cụm cảng. Tiếp theo là chuyển dịch cơ cấu nghề cá theo hướng tăng cường đánh bắt xa bờ, thậm chí ngay cả viễn dương, nhất là lúc chúng trong lúc chúng ta vừa rồi ký hiệp định về biển cả thì cái cơ hội để phát triển viễn dương rất tốt”. PGS-TS Nguyễn Chu Hồi đề nghị.