Số liệu phải thực sự 'biết nói'

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Thống kê toàn quốc với chủ đề 'Tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả', tổ chức sáng 17/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian phân tích, nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thống kê và tác động, ảnh hưởng của hoạt động thống kê với kinh tế - xã hội đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh công tác lãnh đạo chỉ đạo phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, thực tiễn được thể hiện rất rõ qua các con số thống kê, những thông tin quan trọng được hình thành từ công tác thống kê.

Đấy là nói chuyện riêng về công tác thống kê. Nhưng suy rộng ra thì không chỉ công tác thống kê mà nói chung là ở lĩnh vực nào, ngành nghề nào cũng đang rất cần các thủ lĩnh ngành, địa phương phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Ảnh minh họa.

Vì sao phải cần như vậy? Là bởi muốn phát triển thì phải xuất phát từ thực tiễn mới đề ra được chiến lược phù hợp. Có chiến lược phù hợp thì mới có giải pháp đúng, có lộ trình đầu tư phù hợp nguồn lực. Ở tầm vĩ mô, Đại hội XIII của Đảng đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa xác định tầm nhìn dài hạn với trù liệu các mục tiêu trung hạn và ngắn hạn, giữa hoạch định mục tiêu và quản trị mục tiêu, khi xác định tầm nhìn dài hạn đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI, được liên thông với mục tiêu ngắn hạn và trung hạn qua các mốc năm 2025, năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Rất nhanh sau đó, riêng đối với lĩnh vực thống kê, ngày 1/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành "Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045".

Nói như thế để thấy, công tác thống kê đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm, mà cái rất cần đó là chúng ta phải có các số liệu, dữ kiện nhanh, chính xác, trên mọi lĩnh vực thì mới có thể hoạch định được các chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển. NHANH nhưng đặc biệt phải CHÍNH XÁC, như ông cha ta răn dạy là: "Nói có sách, mách có chứng", nếu không thì "như đi trên mây".

Ở ta, lâu nay trong các loại báo cáo tình hình vẫn có lúc xuất hiện những "con số đẹp". Học sinh đi học bây giờ gần như đều đạt loại giỏi và tốt, nhưng chất lượng đầu ra của giáo dục thế nào thì chúng ta đã rõ. Lĩnh vực y tế cũng thế, có những địa phương báo cáo đã đầu tư rất thỏa đáng nhưng đến khi cần chống dịch thì mới tòi ra vô vàn cái thiếu, thiếu cả hàng loạt nhân sự "cầm cân nảy mực" ở ngay tuyến y tế cơ sở. Đất đai, tài nguyên… cập nhật thống kê liên tục, nhưng cứ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc lại thòi ra những sự thất thoát khó tưởng.

Nói "Con số đẹp" tức là con số không có thực, được tô vẽ ra mục đích là để lấy thành tích. Cái này đã trở thành căn bệnh - "bệnh thành tích". Bây giờ cứ nhìn vào từng lĩnh vực, từng địa phương sẽ thấy không ít các báo cáo đẹp, đẹp cả về sự đoàn kết, cả về kết quả của sự điều hành chỉ đạo… nhưng rốt cuộc thì đất nước vẫn chưa phát triển được như mong muốn, vẫn còn vô vàn những khó khăn.

Ngành Thống kê, nói rộng ra là Đảng và Nhà nước, luôn cần những con số thực sự, cho dù đó là những thực trạng chưa tốt. Dẫu là con số chưa tốt nhưng đó là số liệu thực sự "biết nói", để từ đó nhìn ra thực trạng mà tháo gỡ, có chiến lược để đầu tư và đầu tư đúng trọng tâm, đúng hướng, phù hợp nguồn lực. Thời buổi công nghệ phát triển, sẽ kỳ vọng nhiều vào sự kiểm soát từ công nghệ, nhưng công nghệ nào thì cũng phụ thuộc vào con người.

Đây là một đòi hỏi của thực tiễn, và là trách nhiệm của trước hết là cán bộ, đảng viên, công chức trong mọi vị trí công tác.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/so-lieu-phai-thuc-su-biet-noi-i648070/