Sơ lược tiểu sử cố Hòa thượng Thích Nhật Sách (Pháp hiệu Thích Tinh Cần)
Cố Hòa thượng Thích Nhật Sách là hiện thân của tinh thần kiên cường, vượt khó, hết lòng hộ trì phật pháp, phụng sự quê hương Hà Tĩnh những giai đoạn Phật giáo khó khăn.
Lời mở đầu Cuốn sách nhỏ này được biên soạn nhằm tưởng nhớ và tri ân Cố Hòa thượng thượng Nhật hạ Sách (Pháp hiệu Thích Tinh Cần), một bậc cao tăng lỗi lạc, người đã góp phần chấn hưng Phật giáo Hà Tĩnh trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử.
Nội dung sách dựa trên tư liệu sưu tầm, ghi chép của các phật tử, kết hợp bổ sung các dẫn chứng lịch sử, địa danh, hình ảnh minh họa, cùng trích dẫn từ Nguyệt San Viên Âm và nhiều nguồn tư liệu khác.
Bối cảnh lịch sử và Phật giáo Việt Nam - Hà Tĩnh đầu thế kỷ XX Nửa đầu thế kỷ XX là một giai đoạn đầy biến động của dân tộc Việt Nam. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đất nước chìm trong nghèo đói, lầm than, chiến tranh liên miên. Trong hoàn cảnh ấy, Phật giáo Việt Nam, vốn đã trải qua thời kỳ suy vi, đứng trước nguy cơ mai một.
Tuy nhiên, nhờ tinh thần chấn hưng Phật giáo lan tỏa khắp ba miền, từ Bắc chí Nam, những đốm lửa phục hưng lại được nhen nhóm. Các bậc cao tăng, học giả, trí thức Phật giáo đồng lòng dấn thân: mở trường dạy tăng tài, lập hội Phật giáo, in ấn kinh sách, hoằng pháp lợi sinh, gắn kết cộng đồng phật tử, xây dựng tổ chức và cơ sở Phật giáo vừa truyền thống, vừa canh tân.
Trên mảnh đất Hà Tĩnh miền Trung, vốn quanh năm bão lũ, đời sống dân sinh cơ cực, việc gìn giữ và phát triển Phật giáo càng gian nan. Nhưng chính tại đây, với tấm lòng son sắt của những bậc tiền bối điển hình như Cố Hòa thượng thượng Nhật hạ Sách (pháp hiệu Thích Tinh Cần) và các cư sĩ phật tử hạt giống Phật pháp đã được gieo trồng, bén rễ, vượt qua bao phong ba bão táp để thế hệ hậu lai tiếp nối phát huy vươn lên mạnh mẽ.
Cuộc đời và hành trạng của Hòa thượng Thích Nhật Sách trong ký ức của một số ít người còn lại thuộc hàng phụ lão năm nay đã thượng thọ ở vùng đất Thành Sen, Đại Tiết xưa, thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay, hình bóng Sư Hanh, vẫn luôn hiện về như một ngọn hải đăng rực sáng giữa cơn bão tố của thời cuộc.
Hòa thượng Thích Nhật Sách, pháp hiệu Thích Tinh Cần, tục danh Hà Thế Hanh (thường gọi Sư Hanh), sinh năm 1902 tại xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Thân phụ là cụ ông Hà Văn Đạt thân mẫu là cụ bà Hà Thị Ái Năm, 2 ông bà đều mất năm 1945. Năm 14 tuổi (1916), Ngài xuất gia tại Cố đô Huế, vốn nổi tiếng là trung tâm Phật học cả nước. Nhờ tư chất thông minh, cần cù Ngài nhanh chóng tinh thông giáo lý, trở thành một vị Tỳ kheo trẻ tuổi, phẩm hạnh trang nghiêm, được các bậc tôn túc yêu quý.
Năm 1935 (Ất Hợi), ở tuổi 33, Đại đức Thích Tinh Cần được bổ nhiệm ra Hà Tĩnh hoằng pháp. Từ đây, một trang sử mới của Phật giáo Hà Tĩnh được mở ra.
Ngài trụ trì chùa Cổ Lam (nay là khu vực Nhà văn hóa tỉnh Hà Tĩnh, (còn sót lại cây ngô đồng cổ thụ), đồng thời Ngài đi khắp các chùa lớn nhỏ như chùa Yên Lệ (phường Nguyễn Du ngày nay), chùa Đại Nài (núi Cảm Sơn), chùa Vĩnh Phúc (nay xã Tân Lâm Hương), chùa Kẻ Da (Thạch Điền), chùa Phú Hào (phường Bắc Hà), chùa Triều Sơn (Thạch Hà), chùa Tĩnh Lâm (Rú Trò, xã Thạch Lâm)…
Một trong những nhân chứng hiếm hoi còn sống và ghi nhớ rõ về Sư Hanh là bà Viên Cẩm Loan, năm nay đã 93 tuổi, hiện trú tại thành phố Hà Tĩnh. Trong ký ức của bà, khoảng những năm 1942-1943, khi bà còn là một thiếu nữ 10-12 tuổi, gia đình bà sống gần khu vực ngã tư đường Phan Đình Phùng - Nguyễn Công Trứ (ngày nay), nơi này khi đó tập trung đông đảo người Hoa kiều sinh sống và buôn bán. Cha bà là ông Viên Bảo Quý, một lương y nổi tiếng, đồng thời là Phật tử thuần thành, thường xuyên lui tới chùa lễ Phật và tham gia các hoạt động phật sự.

Bà Viên Cẩm Loan 93 tuổi, thành phố Hà Tĩnh - Ảnh chụp tháng 06/2025
Bà Loan kể rằng, thời điểm đó viên Công sứ Pháp tên Moll khuyến khích người Hoa kiều xây dựng chùa chiền để tạo dựng sự đoàn kết trong cộng đồng. Nhân cơ hội ấy, Sư Hanh đã tích cực vận động xây dựng một ngôi chùa bằng gỗ, được gọi là Hội Quán Phật Học tại xóm Đồng Quế, thị xã Hà Tĩnh (gần khu vực đường 26/3 ngày nay). Ông Viên Bảo Quý cùng nhiều Phật tử người Hoa như ông Hồng Ninh Ký, Hoàng Nghi Lục, Phan Bình An, Kiều Quyên, Trần Đức Hòa, Trần Đức Dụ, Hoàng Văn Ngôn, Hà Huy Ba, Dương Ngọc Cư... đã phối hợp cùng Sư Hanh vận động tài lực và nhân lực cho công trình Hội Quán Phật Học.
Do có mối quan hệ thân thiết, Sư Hanh thường lui tới nhà ông Viên Bảo Quý để thăm hỏi, trao đổi phật sự. Nhờ vậy, bà Loan có cơ duyên biết đến Sư Hanh từ thời niên thiếu và từng theo cha đến chùa Cổ Lam lễ Phật.
Bà vẫn nhớ như in hình ảnh vị sư có dáng người vừa tầm, giọng nói nhẹ nhàng, khoác áo nâu giản dị, luôn toát lên phong thái điềm đạm và từ hòa.


Bản tin thông báo thành lập Tỉnh Hội Phật giáo Hà Tĩnh đăng trên Nguyệt San Viên Âm số 46, năm thứ 4
Ngài không chỉ trùng tu xây dụng chùa tháp, mà còn tổ chức giảng dạy, kết nối Phật tử, mở lớp Phật học tại Hội Quán Phật Học với sự phối hợp của các Chư tăng từ Nghệ An, như Thầy Thích Mật Thể. Mỗi tháng, chùa Phật Học đều có lớp học giáo lý thu hút 40-50 học viên, cả tại gia lẫn xuất gia, với khoảng 20 vị xuất gia chính thức.

Ban thờ Cố Hòa thượng tại ngôi cổ tự Vĩnh Phúc, xã Tân Lâm Hương
Phật giáo Hà Tĩnh thời bấy giờ gắn bó mật thiết với Trung ương Giáo hội, phát triển mạnh từ 1935 đến 1955. Nhưng biến cố lịch sử sau Cách mạng tháng Tám 1945, nạn đói Ất Dậu cướp đi sinh mạng hàng triệu người, trong đó có cha Ngài là cụ ông Hà Văn Đạt và mẹ Ngài là cụ bà Hà Thị Ái cùng anh chị của Ngài.
Năm 1945, Đại đức Thích Tinh Cần trở về quê Quảng Bình đón cháu ruột Hà Thế Nhơn (sinh 1930) về nương cửa Phật, nối dõi hương hỏa. Đến năm 1954, khi đất nước chia cắt, Phật giáo miền Bắc chịu nhiều biến động: cải cách ruộng đất, phong trào chống mê tín khiến chùa chiền bị đập phá, pháp khí thất tán, tăng ni hoàn tục.
Hòa thượng Thích Nhật Sách, nay đã được tấn phong Hòa thượng, phụ trách Tỉnh hội Phật giáo Hà Tĩnh, chịu áp lực nặng nề. Chùa Cổ Lam, trụ sở Phật Học tỉnh hội, bị triệt hạ, tượng Phật bị ném xuống sông Cụt, nhiều hiện vật may mắn được người dân thờ cúng hoặc lưu giữ, như pho tượng Đản sanh “chín rồng phun nước” ở đền Võ Miếu ngày nay, bức hoành phi “Giác Ngạn Từ Hàng” đang lưu lạc tại nhà người dân ở xã Tân Lâm Hương hay chiếc mõ đỏ dùng cúng thí thực, và một ít bộ kinh sách còn được giữ lại.

Bức hoành phi đang lưu lạc tại một gia đình ở xã Tân Lâm Hương


Ngày 3 tháng 7 năm Ất Mùi (20/08/1955), Ngài viên tịch tại chùa Cổ Lam trong cảnh cô quạnh. Thi thể Ngài được an táng gần Hồ Thành xưa, sau thời gian chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành Nghệ An và Hà Tĩnh vài năm mộ phần Ngài di dời về nghĩa trang Đồng Nài, xã Tân Lâm Hương, Hà Tĩnh.

Tháp mộ Cố Hòa thượng Thích Nhật Sách tại nghĩa trang Đồng Nài, xã Tân Lâm Hương, Tp. Hà Tĩnh
Suốt 40 năm xã thân cầu đạo, hơn 20 năm cống hiến cho Phật giáo Hà Tĩnh, Ngài đã nhen nhóm lên ngọn đuốc chính pháp giữa những năm tháng đen tối nhất, trong thời gian hành đạo nhiều ngôi chùa và Hội quán Phật Học được Ngài và Phật tử xây dựng nhưng thời cuộc và lòng người đã không thể bảo vệ được những di sản đó.
Giai đoạn này nhiều đệ tử, phật tử tận tụy, hộ trì nối tiếp chí nguyện hoằng pháp. Trong số những người được Ngài truyền dạy, nổi bật có:
+ Phật tử Lê Văn Lung (pháp danh Lệ Thủy, tự Duyên Sinh, Hội trưởng Phật tử Yên Lệ)
+ Phật tử Biện Văn Hiếu (pháp danh Lệ Quảng, tự Thanh Bình, Hội Phật tử Tân Trào, Thạch Hương)
+ Ông Viên Bảo Quý (không rõ pháp danh)
+ Phật tử Nguyễn Văn Đản (pháp danh Chân Đôn, Thạch Linh)
+ Phật tử Lê Văn Loát (Thạch Linh)
+ Ông Phạm Như Mậu (ông Cửu Mậu, Thạch Hương)
+ Bà Nguyễn Thị Lợi (Thị xã Hà Tĩnh)
+ Bà Phan Lương Cầm (Huế di cư Hà Tĩnh)
+ Ông Hà Thế Nhơn (cháu ruột, sinh 1930)

Đây là mẫu chứng nhận “Tùy Hỷ hội viên” phát nguyện gia nhập An Nam Phật Học Hội, được cấp cho cụ bà Nguyễn Thị Lợi, ngày 1 tháng Giêng năm 1941, trú tại Thị xã Hà Tĩnh

Bà Nguyễn Thị Lợi, pháp danh (..Kim) tự Thung Dung

Phật tử Lê Văn Lung, Pháp danh Lệ Thủy tự Duyên Sinh (sinh 1919), Hội trưởng Hội Phật tử chùa Yên Lệ - xã Đại Tiết xưa, nay là Thành phố Hà Tĩnh.

Phật tử Nguyễn Văn Đản, pháp danh Chân Đôn, Hội Phật giáo chùa Yên Lệ

Ông Hà Thế Nhơn (sinh 1930) người cháu gọi Ngài bằng chú

Cụ Biện Văn Hiếu Hiếu - pháp danh Lệ Quảng, tự Thanh Bình
Họ là những nhân chứng sống sau những thập niên 60-70-80, tiếp nối hộ trì Tam bảo và truyền thống Phật giáo qua những giai đoạn khốc liệt nhất.
Ngày nay, sau gần một thế kỷ, Phật giáo Hà Tĩnh hồi sinh mạnh mẽ: chùa tháp được xây dựng, khóa tu đông đảo, cờ Phật giáo tung bay khắp nơi nơi. Khi hậu thế cúi đầu trước phần mộ Hòa thượng Thích Nhật Sách, đã được tu bổ năm 2023, không chỉ là tưởng niệm một bậc cao tăng, mà còn là tri ân tinh thần hy sinh, ý chí sắt đá, ngọn lửa chính pháp mà Ngài đã dày công thắp lên.
Ngài chính là hiện thân của bậc mô phạm, suốt 40 năm xả thân cầu đạo, 20 năm gắn bó Hà Tĩnh, để hôm nay, màu áo lam hiền lan tỏa khắp quê hương, để mùa Vu lan nào cũng vang vọng lời nhắc nhở: tiếp nối chí nguyện tiền nhân, giữ vững ngọn cờ chánh pháp, phụng sự nhân sinh, làm rạng rỡ quê hương đất nước.
Cố Hòa thượng Thích Nhật Sách là hiện thân của tinh thần kiên cường, vượt khó, hết lòng hộ trì Phật pháp, phụng sự quê hương Hà Tĩnh những giai đoạn Phật giáo khó khăn. Cuốn sách nhỏ này mong được trở thành nén hương lòng, góp phần lưu giữ hình ảnh, hành trạng, công đức của Ngài cho muôn đời sau.
Tác giả: Phật tử Tịnh Đức - Tâm Nghiêm sưu tầm, biên soạn
PL.2557 - DL.2013, chỉnh lý lại 2025
Các địa danh cũ:
+ Chùa Cổ Lam: nay là Nhà văn hóa tỉnh Hà Tĩnh
+ Chùa Vĩnh Phúc: nay thuộc xã Tân Lâm Hương
+ Chùa Kẻ Da: Thạch Điền
+ Chùa Triều Sơn: xã Thạch Hà
+ Chùa Tĩnh Lâm: Rú Trò
Tư liệu tham khảo:
- Các nhân chứng, ông Lung, ô Hiếu, bà Loan, ô Loát, ô Nhơn
- Phật tử chùa Kẻ Gia, chùa Yên Lệ, chùa Vĩnh Phúc và một số nguồn khác.
- Kinh sách chữ viết, ký lưu tại nhà ô L.V.Lung.