Số lượng tài khoản mở mới tăng kỷ lục tại sao thanh khoản vẫn thấp?

Dòng tiền chứng khoán vẫn cầm chừng khi nhà đầu tư tiếp tục quan sát các diễn biến kinh tế và động thái của khối ngoại. Thị trường chứng khoán cũng đang phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác trong việc thu hút dòng vốn ngắn hạn.

(KTSG) – Dòng tiền chứng khoán vẫn cầm chừng khi nhà đầu tư tiếp tục quan sát các diễn biến kinh tế và động thái của khối ngoại. Thị trường chứng khoán cũng đang phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác trong việc thu hút dòng vốn ngắn hạn.

Tính tới ngày 13-9-2024, giá trị giao dịch trung bình phiên của VN-Index chỉ đạt khoảng 13.673 tỉ đồng/phiên, giảm 17,5% so với giá trị giao dịch trung bình phiên trong tháng 8-2024. Ảnh: LÊ VŨ

Tính tới ngày 13-9-2024, giá trị giao dịch trung bình phiên của VN-Index chỉ đạt khoảng 13.673 tỉ đồng/phiên, giảm 17,5% so với giá trị giao dịch trung bình phiên trong tháng 8-2024. Ảnh: LÊ VŨ

Tài khoản mở mới tiếp tục tăng mạnh

Theo thống kê của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tính tới cuối tháng 8-2024 tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư đạt 8,7 triệu, tăng 1,4 triệu tài khoản so với cuối năm 2023.

Sau giai đoạn Covid-19, số tài khoản mở mới đã tăng gấp 3,5 lần chỉ trong vòng chưa tới năm năm. Nếu chỉ tính riêng tháng 8-2024, số tài khoản mở mới đạt hơn 330.000 và tăng cao nhất kể từ đầu năm tới nay.

Sự tăng trưởng vượt trội của số lượng tài khoản không chỉ nhờ vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán (TTCK) sau dịch bệnh mà còn có đóng góp lớn từ sự chuyển đổi công nghệ. Thay vì phải có mặt tại công ty chứng khoán theo hình thức truyền thống, nhà đầu tư dễ dàng mở tài khoản ở bất cứ đâu nhờ hình thức xác minh điện tử eKYC.

Tuy nhiên, số tài khoản giao dịch tăng nhanh không có nghĩa trùng khớp với số lượng nhà đầu tư trên TTCK vì mỗi nhà đầu tư có quyền mở tài khoản ở nhiều công ty chứng khoán. Giả định trung bình mỗi nhà đầu tư hiện đang có tài khoản tại 3-5 công ty khác nhau thì số lượng nhà đầu tư tham gia trên thị trường chỉ khoảng 1,8-2,9 triệu.

Giả định này hoàn toàn có cơ sở khi thời gian qua các công ty chứng khoán đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn thu hút nhà đầu tư dịch chuyển, trong khi việc mở thêm tài khoản rất dễ dàng. Với sự phát triển và tăng cường nhận thức về tài chính, một lượng lớn sinh viên đại học chủ động tham gia vào TTCK giúp cho số lượng tài khoản mở rộng.

Thanh khoản thị trường vẫn èo uột

Tính tới ngày 13-9-2024, giá trị giao dịch trung bình phiên của VN-Index chỉ đạt khoảng 13.673 tỉ đồng/phiên, giảm 17,5% so với giá trị giao dịch trung bình phiên trong tháng 8-2024. Giá trị giao dịch trung bình phiên quí 3 chỉ đạt khoảng 15.738 tỉ đồng/phiên, giảm 29,5% so với quí 2.

Ngay cả khi so sánh với cùng kỳ quí 3-2023, thanh khoản hiện nay vẫn đang thấp hơn 26%, chỉ tương đương với thanh khoản giai đoạn quí 4-2022, giai đoạn khủng hoảng của TTCK Việt Nam.

Thực tế, số lượng tài khoản mở mới không đại diện cho dòng tiền mới tham gia thị trường. Điều này được hiểu là một số lượng lớn tài khoản mở mới chỉ là sự dịch chuyển của nhà đầu tư giữa các công ty chứng khoán và nhóm mở mới làm tệp nhà đầu tư không mang dòng vốn lớn.

Giai đoạn này, thị trường chưa hình thành rõ xu hướng trong khi định giá ở mức không rẻ. Một mặt, nhà đầu tư kỳ vọng vào chính sách tiền tệ đảo chiều từ các quốc gia phát triển nhưng mặt khác cũng vẫn lo ngại khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong nước, dù cửa phục hồi kinh tế đang sáng hơn nhưng do độ mở của nền kinh tế lớn, nhà đầu tư vẫn lo ngại thị trường chịu tác động từ bên ngoài. Do vậy, nhà đầu tư vẫn mang tâm lý thăm dò, chờ đợi thêm dữ liệu để xác định rõ hơn xu hướng.

Trong khi đó, nửa đầu tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 2.300 tỉ đồng và lũy kế từ đầu năm tới nay gần 66.400 tỉ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên thị trường Việt Nam trong khi đã quay lại mua ròng ở một số nước Đông Nam Á, điều này càng khiến nhiều nhà đầu tư trong nước băn khoăn hơn về lý do.

Ngoài ra, không loại trừ một phần dòng tiền được dịch chuyển qua kênh bất động sản và vàng. Trong các kênh đầu tư thì bất động sản và vàng có thể cạnh tranh dòng tiền ngắn hạn với kênh chứng khoán. Thời gian qua, hai kênh này bắt đầu sôi động trở lại. Bất động sản bắt đầu nóng lên với sự tăng giá khá mạnh ở một số khu vực. Trong khi đó, giá vàng thế giới biến động, tâm lý đầu cơ có thể khiến một lượng tiền của nhà đầu tư bị dịch chuyển qua kênh này.

Cuối cùng, tăng trưởng tín dụng bắt đầu thực chất hơn có thể cũng khiến cho dòng tiền vào thị trường ngắn hạn bị hạn chế. Tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 7-9 đạt 7,79%, tăng mạnh so với con số 5,14% cuối tháng 7. Khi tín dụng thực chất bắt đầu chảy vào kinh doanh, trong ngắn hạn dòng tiền vào TTCK cũng bị ảnh hưởng.

Nhiều kỳ vọng phía trước

Trong ngắn hạn, các cơ quan chức năng đang ráo riết sửa đổi một số thông tư liên quan đến hoạt động nâng hạng TTCK có thể khiến cho FTSE Russell có cái nhìn tích cực về thị trường Việt Nam trong kỳ đánh giá này và có thể xem xét nâng hạng trong kỳ tháng 3-2025. Dài hạn hơn, Chính phủ dự kiến trình dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán để hướng tới việc được MSCI nâng hạng trong năm 2025 cũng sẽ có tác động tốt tới thị trường.

Xu hướng đảo ngược chính sách tiền tệ của các quốc gia phát triển đã thấy rõ hơn, dòng tiền đầu tư nước ngoài có thể sẽ bắt đầu quay lại mua ròng tại thị trường Việt Nam từ quí 4 trở đi. Hơn nữa, áp lực vĩ mô lên chính sách tiền tệ của Việt Nam đã giảm, trong khi xu hướng phục hồi sản xuất kinh doanh đang rõ ràng hơn sẽ là nền tảng cho các doanh nghiệp niêm yết gia tăng lợi nhuận.

Sự phục hồi của TTCK trong ngắn hạn đôi lúc không song song với hoạt động kinh tế thực nhưng sự phục hồi rõ ràng của nền kinh tế hiện nay sẽ là nền tảng cho sự tăng trưởng của TTCK trong năm 2025.

Trịnh Duy Viết

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/so-luong-tai-khoan-mo-moi-tang-ky-luc-tai-sao-thanh-khoan-van-thap/