Số lượng trẻ mắc Covid-19 ở TP.HCM giảm

Số trẻ em mắc Covid-19 tại các bệnh viện nhi ở TP.HCM đang có chiều hướng giảm mạnh so với giai đoạn trước.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 6/1, thành phố có 73 trẻ dưới 16 tuổi đang được điều trị Covid-19, giảm 40 ca so với hôm qua. Trong khi đó, vào ngày 26/11/2021, TP.HCM có đến 578 trẻ em F0. Như vậy, hiện nay, số lượng trẻ mắc Covid-19 nhập viện có chiều hướng giảm mạnh.

Các bệnh viện nhi đã qua giai đoạn quá tải

Theo khảo sát của Zing, hầu hết khu điều trị Covid-19 tại các bệnh viện nhi đồng ở TP.HCM đều giảm số lượng trẻ em F0 nhập viện.

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết tính đến ngày 6/1, khoa Covid-19 có 79 người, trong đó có 58 F0 (còn lại là người nhà vào chăm sóc). Trong số các bệnh nhân Covid-19, 37 trường hợp là trẻ em và 21 người lớn.

"Số trẻ em F0 nhập viện thời gian gần đây có xu hướng giảm dần. Giai đoạn cao điểm vào tháng 8-9, khoa điều trị khoảng 120-130 trẻ em nhiễm bệnh, cũng lúc cả khoa đông hơn 200 F0. Đầu tháng 10, số trẻ nhập viện giảm dần. Tháng 11, số lượng tăng vọt trở lại, kéo dài đến tháng 12. Từ giữa tháng 12 đến nay, số trẻ F0 giảm dần", bác sĩ Việt chia sẻ.

 Một trẻ mắc Covid-19 nguy kịch được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Bé có cơ địa béo phì. Ảnh: Thúy Nguyễn.

Một trẻ mắc Covid-19 nguy kịch được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Bé có cơ địa béo phì. Ảnh: Thúy Nguyễn.

Các bệnh nhi mắc Covid-19 chủ yếu là trẻ nhỏ, chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Trong số 37 trẻ F0 đang được điều trị tại khoa Covid-19, 40% là trường hợp có bệnh lý nền, còn lại là béo phì, dưới 12 tuổi nên chưa tiêm vaccine.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng đơn vị điều trị Covid-19, cho biết tính đến ngày 5/1, đơn vị này có khoảng 100 trẻ F0 đang điều trị. Trong đó, 4 trẻ có tình trạng nặng phải thở máy, hơn 10 trẻ thở oxy mask và thở áp lực dương liên tục.

"Giai đoạn quá tải của khoa rơi vào khoảng tháng 9 và tháng 11. Từ cuối tháng 12 đến nay, số trẻ nhập viện đã giảm mạnh", PGS Nguyên nói.

Ưu tiên vaccine cho trẻ nguy cơ cao dưới 12 tuổi

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Châu Việt cho biết Bệnh viện Nhi đồng 2 đang điều trị cho 2 trường hợp trẻ mắc Covid-19 rất nặng.

Bé trai 8 tuổi có bệnh tiểu đường, được chuyển viện từ tỉnh Tây Ninh. Sau thời gian điều trị tích cực hơn một tháng, bé đã âm tính nhưng vẫn còn tổn thương đa cơ quan, viêm phổi, nhiễm trùng nặng.

Một bệnh nhi khác mắc hội chứng thận hư phụ thuộc Corticoid, được chuyển đến TP.HCM từ tỉnh Đồng Nai. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ vừa điều trị Covid-19 cho trẻ, vừa lọc máu, chạy thận. Ngoài ra, bác sĩ Việt cho hay đơn vị này đang điều trị cho một trẻ F0 mắc bệnh bại não, suy thận mạn, tiểu đường.

 Một bệnh nhi được thở máy do hội chứng viêm đa hệ thống tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC.

Một bệnh nhi được thở máy do hội chứng viêm đa hệ thống tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC.

Dự đoán khả năng số trẻ em mắc Covid-19 tăng trở lại sau khi học sinh trở lại trường học, bác sĩ Việt cho rằng cần theo dõi tình hình thêm khoảng 2 tuần.

"Người lớn có nguy cơ cao đang được tập trung tiêm ngừa, có nơi đã triển khai mũi 3, khả năng lây lan dịch cũng giảm hẳn. Phần lớn trẻ bị lây nhiễm từ người nhà. Hơn nữa, thành phố cũng từng bước mở lại trường học một cách thận trọng nên tình hình có thể sẽ không quá phức tạp", bác sĩ Việt nói.

Tuy nhiên, bác sĩ Việt cũng lo ngại trong bối cảnh biến chủng mới Omicron có khả năng lây lan nhanh, số trẻ em có nguy cơ cao chưa được tiêm phòng vaccine sẽ nguy hiểm nếu không may mắc Covid-19.

"Hiện trẻ từ 12 tuổi trở lên mới được tiêm vaccine, còn nhóm tuổi nhỏ hơn thì sao? Bởi những bé 8-10 tuổi có nguy cơ cao như bệnh nền, béo phì vẫn chuyển biến rất nặng khi mắc Covid-19. Chúng tôi cho rằng nên ưu tiên vaccine cho trẻ có bệnh lý nền, béo phì để bảo vệ các em", bác sĩ Đỗ Châu Việt chia sẻ.

Chia sẻ với Zing, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên cũng đồng ý rằng sau khi tiêm vaccne phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, cần ưu tiên tiếp cho trẻ 5-11 tuổi.

PGS Nguyên bày tỏ hy vọng chủ trương mua vaccine cho trẻ em 5-11 tuổi sớm được Chính phủ và Bộ Y tế tiến hành.

"Để một cộng đồng có được miễn dịch, khi có vaccine, nên tiêm cho toàn bộ người dân. Tình huống giới hạn vaccine, chúng ta cần chọn lọc đối tượng ưu tiên. Với trẻ em, nên tiêm cho trẻ có nguy cơ cao như mắc bệnh nền, thừa cân, béo phì bởi hầu hết ca nặng tập trung vào nhóm này", PGS Nguyên nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, cũng cho rằng việc ưu tiên vaccine cho trẻ có nguy cơ cao là điều tất yếu để bảo vệ trẻ. Tuy nhiên, ông cho rằng vấn đề này cần cân nhắc thận trọng và chờ đợi loại vaccine phòng Covid-19 phù hợp cho nhóm trẻ dưới 12 tuổi.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo trẻ em mắc Covid-19 thường bệnh nhẹ, khi tiêm vaccine, triệu chứng bệnh càng nhẹ hơn. Tuy nhiên, người dân cần đặc biệt lưu tâm khi trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng, sau đó lây nhiễm cho người cao tuổi trong gia đình, điều này rất nguy hiểm.

Do đó, vấn đề ưu tiên là tiêm ngừa cho người lớn tuổi và người nguy cơ cao, sau đó hạ độ tuổi.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tre-mac-covid-19-o-tphcm-giam-so-chuyen-nang-con-nhieu-post1287821.html