Số lượng triệu phú thế giới đạt mức cao kỷ lục: Mỹ, Nhật Bản, Đức và Trung Quốc dẫn đầu

Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán đã khiến nhiều người giàu có trên thế giới gia tăng tài sản và trở thành triệu phú. Mỹ, Nhật Đức và Trung Quốc dẫn đầu về số lượng triệu phú.

Số lượng triệu phú và tổng tài sản của các triệu phú toàn cầu năm 2023 đều đạt mức kỉ lục mới (Ảnh: Deutsche Welle)

Số lượng triệu phú và tổng tài sản của các triệu phú toàn cầu năm 2023 đều đạt mức kỉ lục mới (Ảnh: Deutsche Welle)

Kinh tế toàn cầu phục hồi, số lượng người giàu tăng lên

Trong vòng một năm qua, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới tăng trưởng đã thúc đẩy mức tăng tài sản của những người giàu có, giúp nhiều người gia nhập câu lạc bộ triệu phú đô la.

Theo “Global Wealth Report 2024” (Báo cáo về sự giàu có toàn cầu 2024) do Công ty tư vấn quản lý Capgemini có trụ sở tại Paris công bố, số người có tài sản có thể đầu tư hơn 1 triệu USD trên toàn thế giới năm 2023 đã tăng 5,1% lên 22,8 triệu người. Đây là mức cao nhất kể từ khi việc thống kê được bắt đầu vào năm 1997.

Tổng tài sản của những người giàu có này đã tăng 4,7%, đạt 86,8 nghìn tỉ USD. Báo cáo này dựa trên kết quả khảo sát của 71 quốc gia và khu vực có tổng sản phẩm quốc nội chiếm hơn 98% toàn cầu, và phỏng vấn 3.119 triệu phú USD về chiến lược đầu tư.

Ở Đức, bất chấp tình hình suy thoái kinh tế chung trong năm qua, số triệu phú USD vẫn tăng thêm 34.000 người (tăng 2,1%) và số lượng tài sản tăng 2,2% đạt gần 6,3 nghìn tỉ USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nêu trên vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu.

 Tổng tài sản của các triệu phú toàn cầu năm 2023 tăng 4,7%, đạt 86,8 nghìn tỉ USD - mức cao kỷ lục (Nguồn: Capgemini).

Tổng tài sản của các triệu phú toàn cầu năm 2023 tăng 4,7%, đạt 86,8 nghìn tỉ USD - mức cao kỷ lục (Nguồn: Capgemini).

Số triệu phú ở Trung Quốc năm ngoái thậm chí còn tăng chậm hơn Đức, tăng từ 1.498.000 lên 1,5 triệu người, tức chỉ có thêm 2 nghìn triệu phú mới.

Quốc gia có số lượng người giàu tăng nhiều nhất là Mỹ. Số triệu phú ở đây tăng thêm 7,1% lên 7,43 triệu người và tài sản của họ tăng 7,2% lên 26 nghìn tỉ USD. Nguyên nhân của sự tăng trưởng mạnh mẽ bao gồm kinh tế tăng trưởng mạnh, lạm phát chậm lại và tình hình thị trường chứng khoán tăng mạnh.

Phân tích theo khu vực, số lượng cá nhân có giá trị ròng cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng 4,8% và số tài sản của họ tăng 4,2%. Sự tăng trưởng của các cá nhân có giá trị ròng cao ở châu Âu và tài sản của họ lần lượt tăng là 4,0% và 3,9%.

Bắc Mỹ có mức tăng trưởng lớn nhất về số lượng cá nhân và tài sản của các cá nhân, lần lượt là 7,1% và 7,2%. Châu Phi là khu vực duy nhất chứng kiến sự suy giảm cả về số lượng cá nhân có giá trị ròng cao và số lượng tài sản, nguyên nhân do giá hàng hóa giảm và đầu tư nước ngoài và xuất khẩu đều giảm.

70% triệu phú là người tự thân lập nghiệp

Năm vị trí dẫn đầu trong danh sách về số lượng triệu phú thế giới không có sự thay đổi so với năm trước. Đứng đầu danh sách là Mỹ (7,43 triệu người), tiếp theo là Nhật Bản (3,78 triệu), Đức thứ 3 (1,65 triệu) và Trung Quốc thứ 4 (1,5 triệu).

Ông Klaus-Georg Meyer, chuyên gia về vấn đề tài sản tại Công ty Capgemini, nói với Thông tấn xã Đức DPA: “Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa thể vượt qua Đức” về mặt này.

 70% số triệu phú USD toàn cầu là người tự thân lập nghiệp và 20% dưới 40 tuổi (Ảnh: Deutsche Welle)

70% số triệu phú USD toàn cầu là người tự thân lập nghiệp và 20% dưới 40 tuổi (Ảnh: Deutsche Welle)

Trong câu lạc bộ triệu phú, quy mô tài sản cá nhân vẫn có sự khác biệt lớn. Báo cáo ước tính, trong số các triệu phú chỉ 1% số triệu phú có thể đầu tư hơn 30 triệu USD tài sản, nhưng lượng tài sản của họ lại chiếm tới 34% tổng tài sản của tất cả các thành viên "câu lạc bộ".

Trong số các triệu phú USD trên thế giới hiện nay, 70% là những người “tự thân lập nghiệp” và 20% ở độ tuổi dưới 40. Tác giả báo cáo ước tính rất nhiều người trong số họ là doanh nhân ngành kỹ thuật số.

71 quốc gia được đề cập trong báo cáo này có tổng thu nhập quốc dân (GNI) chiếm 98% của thế giới và chiếm 99% vốn hóa thị trường chứng khoán thế giới. Các loại tài sản cá nhân được đưa vào số liệu thống kê bao gồm cổ phiếu, chứng khoán có lãi suất cố định, các hình thức đầu tư khác như vốn cổ phần tư nhân, tiền mặt và bất động sản không thuộc sở hữu tự dùng.

Theo Deutsche Welle, Yahoo

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/so-luong-trieu-phu-the-gioi-dat-muc-cao-ky-luc-my-nhat-ban-duc-va-trung-quoc-dan-dau-post175514.html