Số người mắc cúm gia cầm ở Trung Quốc tăng cao, chuyên gia lo ngại

Sự gia tăng số ca mắc cúm gia cầm ở Trung Quốc trong năm nay khiến chuyên gia lo ngại chủng virus lưu hành trước đây có vẻ thay đổi theo hướng dễ lây sang người hơn.

“Sự gia tăng trong số ca nhiễm ở người tại Trung Quốc trong năm nay là điều đáng lo ngại. Đây là loại virus có tỷ lệ tử vong cao”, giáo sư bệnh học so sánh Thijs Kuiken thuộc Trung tâm Y tế Đại học Erasmus tại Rotterdam (Hà Lan) nhận định, Reuters đưa tin ngày 26/10.

Trước đó, Trung Quốc báo cáo lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về 21 ca nhiễm chủng virus cúm gia cầm H5N6 ở người trong năm nay, so với chỉ 5 ca nhiễm trong năm 2020.

 Người dân khử trùng một khu chợ gia cầm tại Vũ Hán, Trung Quốc vào năm 2013. Ảnh: AFP.

Người dân khử trùng một khu chợ gia cầm tại Vũ Hán, Trung Quốc vào năm 2013. Ảnh: AFP.

Tuy số lượng thấp hơn nhiều so với con số hàng trăm ca mắc chủng H7N9 trong năm 2017, đợt lây nhiễm này nghiêm trọng hơn. Nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch và ít nhất 6 người đã chết.

Số ca nhiễm H5N6 nhiều nhất tập trung tại tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc. Một số tỉnh khác cũng ghi nhận người nhiễm virus là Trùng Khánh, Quảng Tây, Quảng Đông, An Huy và Hồ Nam.

Ít nhất 10 ca nhiễm phát sinh do các loại virus có bộ gene rất giống virus H5N8 từng tàn phá trang trại gia cầm khắp châu Âu vào mùa đông năm trước và làm chết chim hoang dã ở Trung Quốc. Điều này cho thấy những ca nhiễm H5N6 mới đây tại Trung Quốc có thể là biến chủng mới.

Đa số các ca nhiễm nói trên tại Trung Quốc đều từng tiếp xúc với gia cầm và chưa có trường hợp nào lây từ người sang người được ghi nhận, WHO cho biết, thêm rằng cần “gấp rút” điều tra thêm để hiểu rõ rủi ro và sự gia tăng trong số ca lây sang người.

Trung Quốc là nhà sản xuất thịt gia cầm lớn nhất thế giới, đồng thời là nơi đi đầu trong sản xuất thịt vịt, loài gia cầm có vai trò như kho dự trữ virus cúm.

Các loại virus cúm gia cầm thường lưu hành trong gia cầm và chim hoang dã, nhưng hiếm khi lây cho người. Tuy nhiên, quá trình virus biến đổi đã được đẩy mạnh song song với sự tăng trưởng trong số lượng gia cầm.

Trung Quốc có tiêm ngừa cho gia cầm, nhưng loại vaccine được dùng trong năm 2020 có thể chỉ bảo vệ được một phần trước những loại virus mới nổi, từ đó ngăn chặn bùng dịch lớn nhưng vẫn cho phép virus lưu hành, Filip Claes - điều phối viên phòng thí nghiệm khu vực tại Trung tâm Khẩn cấp Bệnh truyền nhiễm xuyên biên giới, thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) - nhận định.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-nguoi-mac-cum-gia-cam-o-trung-quoc-tang-cao-chuyen-gia-lo-ngai-post1273218.html