Số phận 9 con hổ được giải cứu còn sống bây giờ ra sao?
Chi phí chăm sóc 9 con hổ lên tới 20 triệu đồng/ngày và hiện vẫn chưa có đơn vị nào nhận nuôi.
Liên quan đến vụ giải cứu 17 con hổ nuôi bị nhốt trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), ngày 25/8, theo lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, hiện kinh phí phải chi trả cho đơn vị nuôi 9 con hổ còn sống là rất cao.
Trên báo Dân trí, vị lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cho biết: "Các cá thể hổ sống hiện tại chưa có ai nhận. Hiện nay, chúng tôi đang gửi ở Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, mỗi ngày họ đề nghị trả chi phí nuôi dưỡng khoảng 20 triệu đồng/ngày cho 9 con (bao gồm tiền ăn, công chăm sóc), chúng tôi rất nóng ruột".
"UBND tỉnh đã giao kiểm lâm chủ trì xử lý các cá thể hổ và UBND tỉnh cũng có báo cáo, đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một đơn vị nào đứng ra nhận nuôi số hổ này (9 con hổ còn sống). Một số đơn vị như ở Ninh Bình họ trả lời không nhận", vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Về việc xử lý 8 con hổ chết, vị lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cho biết, phải chờ kết thúc vụ án, tang vật sẽ được tòa tuyên khi vụ án được đưa ra xét xử.
"8 con hổ đã chết đang được cấp đông theo quy định xử lý vật chứng theo từng giai đoạn của vụ án. Khi Cơ quan CSĐT chuyển hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố sẽ kèm theo vật chứng để phục vụ quá trình truy tố.
Khi chuyển sang quá trình xét xử thì viện kiểm sát sẽ chuyển sang tòa án. Việc xử lý như thế nào còn phụ thuộc bản án tuyên xử lý vật chứng của tòa", vị lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cho biết thêm.
Trước đó, về 9 con hổ còn sống, ông Nguyễn Ích Hiếu, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu, Nghệ An), cho biết đơn vị đã tiếp nhận và đang chăm sóc 9 con hổ này.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) nhận định, việc thả các cá thể hổ còn lại về môi trường tự nhiên là không khả thi. Thay vào đó, có thể đưa vào các khu chăm sóc mang tính bảo tồn, giáo dục.
"Những cá thể hổ này được nuôi nhốt từ lâu, mất khả năng săn mồi, mất khả năng sinh tồn trong tự nhiên nên có thể chết. Hơn nữa, hổ có thể tấn công người", ông nói.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam cho rằng việc chuyển những con hổ này đến những đơn vị được cấp phép với điều kiện chăm sóc tốt và cơ sở vật chất đảm bảo phúc lợi động vật là sự lựa chọn phù hợp, nhân văn nhất.
Tuy nhiên, không có nhiều đơn vị đồng ý thu nhận các con hổ này do việc nhận nuôi hổ phải đảm bảo cơ sở vật chất, đảm bảo môi trường sống và chi phí thức ăn, chăm sóc rất cao.
Như đã đưa tin, vào sáng 4/8, Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra đột xuất nhà ông Nguyễn Văn Hiền (39 tuổi) và nhà bà Nguyễn Thị Định (50 tuổi, cùng ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), phát hiện 17 con hổ đã trưởng thành (200-265 kg/con) được nuôi nhốt trái phép.
Chủ nhà khai nhận mua số hổ này từ Lào khi hổ còn nhỏ, sau đó cải tạo hệ thống chuồng trại, xây tầng hầm với diện tích khoảng 80-120 m2 rồi chia thành từng ô rộng khoảng 4m2 để nuôi nhốt.
Số cá thể hổ này hiện được chuyển đến khu sinh thái ở xã Diễn Lâm (huyện Diễn Châu) để chăm sóc, phục vụ công tác điều tra. Ngày 6/8, trong số 17 cá thể hổ này, 8 con được xác định đã chết. Cơ quan chức năng đã cấp đông số cá thể hổ này để phục vụ điều tra.
K.N (th)