Số phận của hàng chục trụ sở xã bỏ hoang sau 5 năm sáp nhập

Sau sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 và giai đoạn 2023 - 2025 ở Hà Tĩnh có hàng chục trụ sở xã dôi dư, bỏ hoang. Đến nay, sau 5 năm, hàng loạt trụ sở này vẫn chưa có hướng xử lý.

Giai đoạn 2019-2021, căn cứ Nghị quyết số 819 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Hà Tĩnh thực hiện việc sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố (trừ thị xã Hồng Lĩnh) để thành lập 34 đơn vị, giảm 46 xã.

Theo tìm hiểu, từ năm 2020 đến nay, hàng chục trụ sở xã tại Hà Tĩnh dôi dư sau sáp nhập đang bỏ hoang, chưa có hướng xử lý. Nhiều trụ sở đã xuống cấp, hư hỏng do không có người trông coi, quản lý.

Khu hành chính xã Thạch Hương cũ (nay là xã Tân Lâm Hương) bỏ hoang sau 5 năm sáp nhập.

Khu hành chính xã Thạch Hương cũ (nay là xã Tân Lâm Hương) bỏ hoang sau 5 năm sáp nhập.

Tại huyện Thạch Hà, hình thành xã mới Tân Lâm Hương dựa trên việc sáp nhập ba xã Thạch Tân, Thạch Lâm, Thạch Hương. Sau sáp nhập, trung tâm hành chính của xã mới là trụ sở xã Thạch Tân cũ, dư thừa 2 trụ sở xã Thạch Lâm, Thạch Hương cũ.

Cổng, biển hiệu trung tâm hành chính xã Thạch Hương (cũ) đã bong tróc.

Cổng, biển hiệu trung tâm hành chính xã Thạch Hương (cũ) đã bong tróc.

Thời điểm sáp nhập, trung tâm hành chính của xã Thạch Hương (cũ) có diện tích rộng hàng nghìn m2, gồm 2 dãy nhà hai tầng cùng hội trường khang trang được xây dựng vào năm 2018 với nguồn vốn 8 tỷ đồng. Song vừa đưa vào sử dụng chưa được 2 năm, công trình này bị bỏ hoang sau đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Bên trong kuôn viên trụ sở xã Thạch Hương cũ được tu bổ với kinh phí 8 tỷ đồng, sau 2 năm thì bỏ hoang đến nay.

Bên trong kuôn viên trụ sở xã Thạch Hương cũ được tu bổ với kinh phí 8 tỷ đồng, sau 2 năm thì bỏ hoang đến nay.

Một người dân sống cạnh trụ sở xã Thạch Hương (cũ) cho biết: "Lúc sáp nhập 3 xã Thạch Tân, Thạch Lâm và Thạch Hương đã bỏ dư 2 trụ sở của xã Thạch Hương và Thạch Lâm. Thời điểm đó, trụ sở xã Thạch Hương mới tu bổ lại rất khang trang. Người dân kỳ vọng sẽ sớm có phương án xử lý trụ sở dôi dư, nhưng suốt 5 năm qua, trụ sở này vẫn đang bỏ hoang, không có người trông coi dẫn đến việc nhiều vị trí đã hư hỏng, xuống cấp".

Nhiều khu vực đã xuống cấp do bỏ hoang nhiều năm.

Nhiều khu vực đã xuống cấp do bỏ hoang nhiều năm.

Ông Nguyễn Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương cho biết, việc dôi dư trụ sở, xã đã đề xuất lên cấp trên 2 phương án: Thứ nhất là phương án thanh lý tài sản, còn đất để lại làm trung tâm văn hóa thể thao của xã. Phương án thứ 2 là cho thuê đất và tài sản trên đất, cũng có doanh nghiệp về kiểm tra để thuê nhưng xa trung tâm nên không mặn mà.

Trụ sở xã Thạch Lâm bỏ hoang sau sáp nhập.

Trụ sở xã Thạch Lâm bỏ hoang sau sáp nhập.

"Trụ sở cũ hiện tại không có người trông coi do không có kinh phí để chi trả, dẫn đến các phòng làm việc đã bị kẻ xấu phá hoại, lấy sắt vụn để bán", ông Ninh nói.

Phòng làm việc tại trụ sở xã Thạch Lâm cũ trở nên hoang tàn.

Phòng làm việc tại trụ sở xã Thạch Lâm cũ trở nên hoang tàn.

Tương tự, giai đoạn 2019-2020, huyện Đức Thọ là địa phương có nhiều xã sáp nhập nhất nước. Sau sáp nhập có 12 trụ sở xã ở Đức Thọ đang dư thừa, bỏ hoang.

Tại xã Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ), sau sáp nhập 3 xã gồm Bùi Xá, Đức La và Đức Nhân, đến nay cả 3 trụ sở xã cũ nói trên đang dôi dư, chưa có giải pháp để xử lý. Đáng nói, trong khi 3 trụ sở cũ đang bỏ hoang, trụ sở mới của xã Bùi La Nhân vừa được xây dựng với tổng kinh phí 12 tỷ đồng.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân cho hay, sau sáp nhập, hiện nay cả 3 trụ sở xã (cũ) đang bỏ hoang. Trong đó có địa điểm ở xã Đức Nhân (cũ), quỹ tín dụng xã đang mượn văn phòng một cửa để làm trụ sở làm việc.

"Việc bỏ hoang 3 trụ sở gây ra sự lãng phí, cử tri cũng nhiều lần kiến nghị. Nhiều người có ý định thuê lại mặt bằng để kinh doanh, song không thuê được vì đang vướng cơ chế liên quan đến đất đai", ông Linh cho hay.

Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân nêu lý do, trong khi 3 trụ sở xã đang bỏ hoang, trụ sở mới của xã sau sáp nhập lại được xây dựng thêm với kinh phí 12 tỷ đồng.

"Sau sáp nhập, xã đã trưng dựng ngôi trường ở xã Bùi Xá để làm trụ sở làm việc mới. Tuy nhiên, ngôi trường cũ đã xuống cấp, nên buộc phải xây mới lại trụ sở xã mới kinh phí 12 tỷ đồng. Nếu tận dụng 1 trong 3 trụ sở cũ sẽ không đủ công năng sử dụng. Khuôn viên cũng hẹp. Ở xã Đức La cũ thì xảy ra lũ lụt, xa trung tâm nên không trưng dụng được", ông Nguyễn Xuân Linh nói thêm.

Cảnh nhếch nhác tại một phòng làm việc của trụ sở xã Thạch Lâm sau khi bỏ hoang.

Cảnh nhếch nhác tại một phòng làm việc của trụ sở xã Thạch Lâm sau khi bỏ hoang.

Liên quan đến việc này, đại diện Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua, việc xử lý tài sản công dôi dư trên địa bàn Hà Tĩnh được các cơ quan, bộ, ngành trung ương rất quan tâm và đã có nhiều văn bản hướng dẫn, nhưng hiện tại chưa có phương án xử lý cụ thể.

"Hiện tại chưa xử lý được trụ sở dôi dư do các nghị định liên quan đến xử lý đối với các sơ sở nhà đất này liên tục sửa đổi, bổ sung. Theo nghị định mới thì trụ sở dôi dư sẽ không bán được nữa", đại diện Sở Tài chính nói.

Cũng theo đại diện Sở Tài chính, căn cứ vào các quy định và hướng dẫn mới của Bộ Tài chính, các cơ quan, đơn vị địa phương đang tiếp tục rà soát, lập phương án xử lý.

"Chúng tôi đang đề xuất, thay đổi phương án phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ sở nhà đất với việc điều chỉnh tổng thể phương án sắp xếp, xử lý nhà đất của các đơn vị, địa phương để đẩy nhanh quá trình xử lý nhà, đất dôi dư trên địa bàn", đại diện Sở Tài chính cho biết thêm.

Thiện Lương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/so-phan-cua-hang-chuc-tru-so-xa-bo-hoang-sau-5-nam-sap-nhap-2403225.html