Số phận của hàng ngàn đầu máy xe lửa trên 40 năm tuổi
Bộ GTVT đề xuất kéo dài thời gian sử dụng các đầu máy, toa xe đường sắt trên 40 năm tuổi đến hết năm 2030.
Bộ GTVT vừa chính thức trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi một số nghị định liên quan đến lĩnh vực đường sắt, nhằm kéo dài thời gian sử dụng các đầu máy, toa xe đường sắt có thời gian sử dụng trên 40 năm.
Không có tiền đầu tư mới, buộc phải dùng đồ cũ
Theo Nghị định 65, đầu máy và toa xe chở khách có niên hạn sử dụng tối đa 40 năm, toa hàng tối đa 45 năm và lộ trình thực hiện từ năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp vận tải đường sắt gặp khó khăn nên Chính phủ ban hành Nghị định 01/2022 điều chỉnh thời gian áp dụng niên hạn của phương tiện đường sắt đến cuối năm 2023.
Dù vậy, Bộ GTVT khẳng định hiện ngành đường sắt vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, ba năm 2020, 2021 và 2022 lỗ liên tiếp. Mặt khác, theo cam kết quốc tế, đến năm 2050 toàn bộ đầu máy, toa xe đang có hiện tại của các doanh nghiệp đường sắt Việt Nam phải dừng hoạt động và thay thế mới toàn bộ. Vì vậy, nếu giờ đầu tư đầu máy, toa xe mới cũng chỉ khai thác tối đa là 22 năm nữa, tức thấp hơn niên hạn sử dụng, như vậy sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế và gây lãng phí.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi các nghị định liên quan để kéo dài thời điểm áp dụng niên hạn phương tiện giao thông đường sắt đến hết năm 2030, tức thêm bảy năm nữa. Lý do chọn mốc thời gian này là vì Luật Đường sắt đang thực hiện các bước sửa đổi. Dự kiến dự luật cũng sẽ đề xuất không quy định niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.
Các phương tiện vẫn đảm bảo an toàn
Theo Bộ GTVT, để đi đến đề xuất trên, Tổng Công ty Đường sắt (VNR) đã thành lập hội đồng đánh giá chất lượng kỹ thuật phương tiện giao thông đường sắt có thời gian sử dụng trên 40 năm.
Hội đồng này nhận định: “Các phương tiện đầu máy, toa xe hiện nay được bảo dưỡng, sửa chữa tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy chuẩn, quy trình sửa chữa bảo dưỡng hiện hành, đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật. Do đó, các phương tiện trên 40 năm vẫn còn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và đảm bảo an toàn trong vận dụng”.
Thực tế, các nước trên thế giới không quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt trong các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ quy định khung về an toàn, quản lý khai thác và chính sách phát triển đường sắt.
“Ngay như Hàn Quốc sau một thời gian áp dụng quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt thì đến năm 2019 Luật An toàn đường sắt Hàn Quốc cũng đã sửa đổi và bỏ quy định này…” - Bộ GTVT dẫn chứng.•
Các bộ đồng tình việc kéo dài niên hạn
Góp ý cho đề xuất trên, ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ KH&CN, đồng ý với việc kéo dài niên hạn. Tuy nhiên, ông Giang đề nghị để đảm bảo các điều kiện kỹ thuật và sử dụng an toàn của các phương tiện khi khai thác sử dụng và Bộ GTVT cần có biện pháp tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật của các phương tiện.
Còn đại diện Bộ Tư Pháp cho rằng việc sửa đổi quy định để kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt cần đảm bảo an toàn giao thông và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật và sử dụng an toàn của các phương tiện. Song song đó, bổ sung vào nghị định quy định tổ chức xây dựng và thực hiện các giải pháp về kỹ thuật tăng cường bảo dưỡng, sửa chữa, rút ngắn chu kỳ sửa chữa, thay thế các bộ phận quan trọng nếu đánh giá ảnh hưởng đến an toàn, đặc biệt là với toa xe khách, đầu máy kéo chính tuyến sử dụng trên 40 năm.
Nguồn PLO: https://plo.vn/so-phan-cua-hang-ngan-dau-may-xe-lua-tren-40-nam-tuoi-post761577.html