Số phận 'siêu máy bơm' chống ngập ở TPHCM sẽ ra sao?
Chuyên gia cho rằng khu vực đô thị ở TPHCM nhiều nơi có địa hình trũng thấp, hệ thống cống thoát nước xuống cấp cần phải có sự can thiệp của máy bơm để chống ngập, thành phố nên chuyển 'siêu máy bơm' trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đi các điểm khác để chống ngập thay vì kết thúc hợp đồng trước hạn.
Ngày 17/5, trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, đơn vị đang chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để mời đại diện Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Chủ đầu tư "siêu máy bơm") để đàm phán về hợp đồng chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh sau khi tuyến đường này được đầu tư nâng cấp, cửa thoát nước dẫn ra máy bơm được bịt kín.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển, thuộc Liên hiệp hội Khoa học – Kỹ thuật TPHCM (đơn vị theo dõi, đánh giá hoạt động của "siêu máy bơm") cho rằng, sau 6 năm hoạt động chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, hệ thống máy bơm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ; việc ngưng chống ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh là vì lý do khách quan.
Sau khi nâng cấp, từ năm 2021 đến nay khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh không có mưa lớn nên chưa có số liệu để đánh giá kết quả chống ngập. Tuy nhiên, khu vực nhà dân hai bên đường bị trũng thấp, hiện vẫn phải dùng thêm máy bơm điện công suất nhỏ hơn "siêu máy bơm" để chống ngập khu dân cư.
Theo ông Dũng, trên địa bàn TPHCM còn có nhiều khu vực trũng thấp, hệ thống cống thoát nước đã cũ, việc tự thoát nước kém như Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Nghi (quận Gò Vấp) hay khu Thảo Điền (TP Thủ Đức)..., dẫn đến tình trạng đường bị ngập khi trời mưa to hoặc mưa kết hợp triều cường. Do đó, nếu muốn chống ngập cho các khu vực này thì cần phải sử dụng máy bơm để cưỡng ép nước thoát ra ngoài nhanh hơn.
"Hiện nay có nhiều nơi vẫn còn ngập mênh mông mỗi khi mưa lớn, triều cường. Trong khi đó, thành phố thuê hệ thống máy bơm này 7 năm nên hiện tại hoàn toàn có quyền chuyển đến các điểm khác để chống ngập. Việc này vừa giúp giải quyết các điểm ngập lại tránh được những khiếu kiện nếu dừng hợp đồng trước thời hạn", ông Dũng phân tích.
Đồng quan điểm, Ths. Nguyễn Ngọc Thiệp, giảng viên bộ môn Cấp thoát nước - trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng, hiện nay nhiều khu vực đô thị ở TPHCM có địa hình thấp hơn mực nước biển. Do đó, khi trời mưa lớn hoặc mưa kèm theo triều cường thì nước không thể tự thoát ra sông dẫn đến tình trạng ngập sâu.
Đồng thời, tình trạng lún nền ở TPHCM vẫn đang tiếp diễn với tốc độ nhanh (mỗi năm TPHCM lún khoảng 2,5cm), cộng với tình trạng nước biển dâng khiến việc thoát nước tự nhiên là không khả thi. "Nếu thực hiện nâng nền tạo độ dốc để chống ngập thì cần phải nâng toàn TPHCM lên từ 2,5-3m mới hết ngập. Tuy nhiên, việc này là không khả thi. Do đó, tương lai TPHCM sẽ phải chấp nhận sống chung với ngập hoặc dùng máy bơm để chống ngập", ông Thiệp nói.
Liên quan đến hệ thống "siêu máy bơm" trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, ông Thiệp cũng cho rằng thành phố nên chuyển đến một điểm ngập khác. "TPHCM có thể chuyển hệ thống bơm này đến một điểm ngập khác có lưu vực tương đương như đường Nguyễn Hữu Cảnh để chống ngập. Việc này vừa giúp giải quyết điểm ngập, vừa đúng chủ trương xã hội hóa công tác chống ngập ở TPHCM", ông Thiệp chia sẻ.
Hệ thống "siêu máy bơm" có công suất từ 27.000m3 đến 96.000m3 do tập đoàn Công nghiệp Quang Trung nghiên cứu, chế tạo và được TPHCM thuê chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh với diện tích 75Ha. Thời hạn thuê từ năm 2017 đến hết năm 2023 với cam kết "không hết ngập không thanh toán tiền".
Sau khi vận hành, "siêu máy bơm" được Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật TPHCM kết hợp với Trung tâm Chống ngập thành phố xây dựng phương pháp so sánh kinh tế, kỹ thuật với phương pháp chống ngập truyền thống. Các bên đã khẳng định sử dụng công nghệ bơm thông minh kiểu mới đã đảm bảo về kỹ thuật chống ngập và tiết kiệm trên 68.4% kinh phí cho thành phố.
Đến tháng 4/2021, đường Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành việc đầu tư nâng nền từ 0,5m-1,2m và thay hệ thống cống thoát nước để chống ngập với kinh phí gần 500 tỷ đồng. Sau khi nâng cấp, hệ thống thoát nước dẫn ra "siêu máy bơm" được bít lại và chuyển hướng thoát ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nên TPHCM quyết định dừng hoạt động "siêu máy bơm" từ ngày 1/4/2022.
Sau đó, UBND TPHCM giao Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM đàm phán với chủ đầu tư "siêu máy bơm" để kết thúc hợp đồng chống ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh. Chủ đầu tư "siêu máy bơm" cũng đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TPHCM ngỏ ý mong muốn được chuyển hệ thống bơm này đến điểm ngập khác.