Số tài khoản ngân hàng bị liệt vào danh sách nghi ngờ lừa đảo ngày càng tăng
Đến nay, danh sách nghi ngờ lừa đảo chỉ riêng do MB và Cục An ninh mạng (A05) cập nhật đã lên tới 3.500 tài khoản, tăng 500 tài khoản so với cuối tháng 7...
Trong bối cảnh lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 17/2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7) quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Theo đó, chậm nhất vào ngày 10 hằng tháng, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải cung cấp theo yêu cầu của NHNN thông tin về các tài khoản có dấu hiệu gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật. Việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng phương tiện điện tử theo hướng dẫn kỹ thuật kết nối của NHNN.
Trong đó, ngân hàng phải báo cáo NHNN danh sách khách hàng cá nhân mở và sử dụng tài khoản thanh toán nghi ngờ liên quan đến các hành vi giả mạo, lừa đảo. Thông tin báo cáo gồm các chỉ tiêu như mã khách hàng (CIF), số giấy tờ tùy thân, loại giấy tờ tùy thân, họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, số tài khoản, ngày mở tài khoản, số điện thoại đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, lý do nghi ngờ, trạng thái tài khoản…
Hiện, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05) đã triển khai giải pháp kết nối với các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán để thiết lập hệ thống thông tin kết nối trực tuyến.
Từ đó, thông tin về các tài khoản nghi ngờ giả mạo, gian lận lừa đảo từ các đơn vị công an sẽ được thông báo đến các ngân hàng để có thể tạm dừng giao dịch trên kênh online ngay lập tức.
Từ cuối tháng 6/2024, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) mới đây đã triển khai tính năng nhận diện thông tin tài khoản lừa đảo. Theo đó, khi khách hàng thực hiện chuyển tiền, hệ thống MB sẽ kiểm tra, đối chiếu nhanh để nhận diện tài khoản có nằm trong danh sách khả nghi hay không. Khách hàng sẽ nhận được cảnh báo trên màn hình khi thực hiện chuyển khoản cho những tài khoản đáng ngờ trong danh sách "đen", từ đó cân nhắc đến việc thực hiện lệnh chuyển tiền hay không.
Theo ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách Chuyển đổi số của MB, đây chỉ là danh sách trong diện nghi ngờ, trong đó có những tài khoản lừa đảo thật, nhưng cũng có những tài khoản đáng ngờ. Qua tính năng cảnh báo này, trong tháng 7, ngân hàng đã cảnh báo được 2.700 giao dịch chuyển tiền, kết quả có 1.500 khách hàng dừng chuyển tiền.
Bên cạnh đó, MB và Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cập nhật danh sách tất cả tài khoản tham gia hoặc có liên đới với hành vi lừa đảo trên toàn quốc. Danh sách tài khoản ngân hàng "đen" này sẽ được cập nhật liên tục. Cho đến thời điểm hiện nay đã lên 3.500 tài khoản, tăng 500 tài khoản so với cuối tháng 7.
Theo Thông tư 17, dấu hiệu của tài khoản nghi ngờ liên quan giả mạo, gian lận, lừa đảo mà ngân hàng phải báo cáo bao gồm: thông tin trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán của chủ tài khoản thanh toán không trùng khớp với thông tin của cá nhân đó trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tài khoản thanh toán nằm trong danh sách được quảng cáo, mua, bán, trao đổi trên các website, hội nhóm trên không gian mạng; tài khoản thanh toán nhận tiền từ nhiều tài khoản thanh toán khác nhau và được chuyển đi hoặc rút ra ngay trong thời gian rất ngắn (không để lại số dư hoặc để lại rất ít).
Đồng thời, tài khoản thanh toán có hơn 3 giao dịch nhận tiền từ các tài khoản nằm trong danh sách có dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến lừa đảo, gian lận, giả mạo... Tài khoản thanh toán phát sinh giao dịch bất thường. Ví dụ giá trị, số lượng giao dịch lớn, bất thường không phù hợp với nghề nghiệp, độ tuổi, địa chỉ cư trú, lịch sử giao dịch và hành vi... của chủ tài khoản thanh toán; phát sinh các giao dịch với địa điểm, thời gian, tần suất bất thường...