Sơ TÂM nhập ĐẠO

Người sơ tâm học đạo phải biết giữ tâm bình thường, không mong cầu danh lợi, địa vị…, người xưa có nói rằng: 'ngôn vô danh lợi, hành tuyệt hư phù' nghĩa là khi nói chuyện không nói về danh lợi, chức vị, tiền tài…hành vi cử chỉ trang nghiêm, oai nghi đỉnh đạt, không thể tùy tiện', đó chính là sự thể hiện tôn nghiêm và giữ thể diện cho bản thân và cho Phật giáo, và chỉ cần có chổ an ổn tu hành là đủ.

Người sơ Tâm học Đạo phải biết giữ tâm bình thường, không mong cầu danh lợi, địa vị…, người xưa có nói rằng: “ngôn vô danh lợi, hành tuyệt hư phù” nghĩa là khi nói chuyện không nói về danh lợi, chức vị, tiền tài… hành vi cử chỉ trang nghiêm, oai nghi đỉnh đạt, không thể tùy tiện”, đó chính là sự thể hiện tôn nghiêm và giữ thể diện cho bản thân và cho Phật giáo, và chỉ cần có chổ an ổn tu hành là đủ.

Thượng tọa Thích Thiện Hạnh
Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội

Muốn hướng về đời sống xuất gia theo đạo Phật, thì trước hết phải phát tâm có lòng tin đối với Tam bảo, nuôi dưỡng quyết tâm, thực hiện hạnh nguyện, để tiến nhập vào Phật đạo. Cho nên có câu “Bồ đề tâm hảo phát, hằng thường tâm nan tri”, nghĩa là phát tâm xuất gia học đạo có thể dễ, nhưng kiên trì giữ gìn tâm đó đến cùng thì vô cùng khó.

Cho nên khi tiến vào Phật đạo muốn được vững chắc, thì trước hết ta phải lựa chọn ngôi chùa nào phù hợp, và vị thầy ở đó có hợp duyên?, rồi xin ở trong chùa làm công quả như “Nấu cơm, pha trà, nấu nước, nhóm lửa, quét dọn nhà xí…” một thời gian với bản thân xem có thích hợp? Bởi vì còn tùy thuộc vào tông phái, đạo phong.., sẽ có ảnh hưởng không ích đến đời sống tu tập sau này.

Vì vậy mà trong giới luật có quy định, phải trải qua thời gian 4 tháng khảo sát, để khẳng định tâm tính thuần thiện, tự đánh giá xem, mình có phù hợp với đời sống xuất thế hay không, và để giúp cho bản thân tăng trưởng tín tâm đối với Phật pháp. Đây là ngăn ngừa trường hợp đến để hủy báng đạo pháp. Vả lại, trong giới luật quy định, nếu như có người đến cầu xin xuất gia, phải nói với họ xuất gia có các điều khổ như: “Về ăn mặc ngủ nghỉ, thậm chí chỗ ở cũng đơn giản. Phải thiền tụng, học vấn, tinh tấn hành đạo…”

Nếu có thể kham chịu những nỗi khổ như thế thì mới cho xuất gia, đây là ngăn ngừa trường hợp lười biếng đến để tìm cầu sự ăn mặc. Một đoàn thể Tăng già được hình thành từ cá nhân, cho nên phải chọn lựa người rồi mới cho xuất gia, đây là điều tối quan trọng liên quan đến vấn đề thịnh suy của đạo Phật.

Xuất gia không phải là việc một sớm một chiều, mà là suốt đời phụng hành Phật pháp. Vì lý tưởng cao đẹp, vì hạnh nguyện cao cả nên mới phát tâm xuất gia. Để làm lợi ích cho mình và người, để phụng sự Phật pháp, làm tốt cho cuộc đời. Thế nhưng, xuất gia vẫn có tiêu chuẩn ước định. Trước tiên là cần ước lượng xem tính cách của mình có thích hợp với đời sống xuất thế? Có niềm tin kiên cố, không bao giờ lay chuyển đối với ngôi Tam bảo?.

Người xuất gia phải lấy chân tâm làm căn bản, xuất gia là một việc khó, phải cứng rắn, chịu khổ, hoặc nhẫn được những điều khó nhẫn, làm được những điều khó làm.

Bởi vì xuất gia là việc lớn của một đời người, nếu đủ phúc duyên, hằng ngày ta chung sống trong tăng đoàn, cho nên bản thân của ta phải tích tập phúc đức, từng lời nói, từng hành động, cho đến mọi ý nghĩ, khởi tâm động niệm của chính mình, đó chính là vinh hoa phú quý, danh lợi quyền lực của thế gian không quyến luyến, không mong cầu, cũng không thích ứng. Khi thiện duyên tròn đủ được thầy thâu nhận, thì ta nên tỏ lòng cảm ân, kính trọng, và phục tùng.

Phát tâm nhập đạo, trước tiên cần có sự đồng ý của gia đình, cụ thể là cha mẹ. Nói đến sự đồng ý của gia đình, cũng có nhiều trường hợp thuận – nghịch xảy ra. Có cha mẹ tín ngưỡng Phật giáo, thật sự muốn con mình xuất gia, có cha mẹ tín ngưỡng Phật giáo, nhưng quá thương yêu quyến luyến con cái, không muốn con mình bỏ nhà vào chùa, cũng có cha mẹ không hiểu rõ Phật pháp, cho rằng con mình nếu xuất gia phải ăn uống kham khổ, nên cũng không muốn chấp thuận theo lời thỉnh cầu.

Bởi vì thân muốn hướng về đời sống xuất gia theo đạo Phật. Nhưng sự nghịch – thuận làm cho sự xuất gia bị phan duyên, cho nên hãy nghĩ cách giúp cho cha mẹ hiểu thêm về Phật pháp, và chùa chiền, khiến cho cha mẹ cảm thấy Phật pháp cao siêu, Phật môn thanh tịnh, nếu được xuất gia, thì rất có lợi ích và tương lai, một khi cha mẹ đối với chùa chiền đã khởi tín tâm, thì có khi chủ động nói với ta rằng “con nên đi xuất gia”.

Được cha mẹ chấp thuận rồi, thì ta không bị vướng vào hoàn cảnh gia đình gây khó dễ, sẽ thuận duyên trên bước đường tu tập.

Xuất gia là việc của bậc trượng phu, chẳng phải tướng văn, tướng võ có thể làm được, vàng ròng, bạch ngọc chẳng cho là quý, chỉ có ca sa đắp trên người mới là việc khó. Cho nên có đầy đủ tính cao quý, không thể sánh được. Nhân thế, yêu cầu trong Phật giáo, người có đầy đủ những điều kiện mới cho xuất gia.

Trong quyển 23, 24 luật Ma Ha Tăng Kỳ có nêu ra 26 hiện tượng không cho xuất gia. Về tuổi tác thì 7 tuổi, nếu chưa đến 7 tuổi không thể lo liệu những sinh hoạt hằng ngày, thì đều không cho xuất gia, nếu tuổi tác đã đầy đủ mà còn phải khảo xét về những yếu tố sinh hoạt cá nhân như bệnh nan y… và những chế độ sinh hoạt khác, nếu có liên quan đến những chế định trong giới luật, thì cũng không cho xuất gia.

Ngoài ra nếu như 2 căn (âm dương), không căn, không đầy đủ hình tướng nam nữ, thì không cho xuất gia. Cha mẹ không cho xuất gia thì cũng không xuất gia.

Khi Phật còn tại thế, “từng có vị Tỳ kheo độ một đứa bé xuất gia, nhưng chưa được sự đồng ý của cha mẹ, và cũng chưa được sự đồng ý của Tăng đoàn. Cha mẹ của đứa bé đó đi vào tự viện, hỏi thăm các Tỳ kheo, các Tỳ kheo trả lời là không biết chuyện này, cũng chưa thấy đứa trẻ ấy, nhưng kịp khi cha mẹ của đứa trẻ đó gặp lại con mình, thì đứa trẻ đó đã bị cạo đầu rồi, thế là họ hiềm trách các Tỳ kheo”.

Cho nên Phật quy định độ người xuất gia phải được sự đồng ý của cha mẹ, và được sự chấp thuận của Tăng đoàn, vi phạm pháp luật của quốc gia không cho xuất gia, thân thể bệnh bạch lại, ung thư, điên cuồng, sáu căn không đủ, tàn tật… cũng không cho xuất gia. Vì Tăng già cần phải ngoại hình nghiêm trang, để khởi phát lòng tin của Tín đồ, nhưng những hạng người này không thể khởi phát được lòng tin của tín đồ cũng không cho xuất gia.

Người phạm tội ngũ nghịch, giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật ra máu, người phá chuyển Pháp luân Tăng, sau khi thọ Tỳ kheo giới phạm 4 tội căn bản rồi hoàn tục sau khi xuất gia lại, mắc nợ người đều không được độ xuất gia. Nếu như có ngoại đạo tín ngưỡng Tôn giáo, đến để cầu thọ xuất gia, thì cũng phải phòng ngăn trường hợp hủy báng chính pháp.

Trong giới luật quy định nếu có người muốn cầu xuất gia, thì phải nói với họ xuất gia là khổ, ăn ngày một bữa, ngủ một đêm dưới gốc cây, phải tham thiền đọc kinh, học vấn tinh tấn hành đạo. Nếu như có thể kham chịu như thế mới cho xuất gia, đây là ngăn ngừa trường hợp những người vì sự ăn mặc mà đến để cầu xin xuất gia. Khi chọn được ngôi chùa thích hợp thì phải đem giấy đồng ý của cha mẹ đến để chứng minh.

Khi đến chùa gặp được vì thầy ở đó để nói lên nguyện vọng của chính mình. Khiến cho người thầy và bản thân ta có thích hợp thì sẽ được ở. Trong thời gian một năm thử thách, ngoài trách nhiệm hoàn thành tốt công việc trong chùa sắp đặt ra, lại còn phải nỗ lực học thuộc hai thời khóa tụng, học tập những oai nghi của người xuất gia, đọc nhiều điển tích Phật giáo, tự nâng cao nhận thức và tín ngưỡng của mình.

Qua một năm thử nghiệm, trong Tăng chúng biết được người này thật tâm xuất gia, thích ứng được nếp sống sinh hoạt của nhà chùa, thì mới cho thế độ xuất gia. Khi được thế phát xuất gia, thì bản thân phải phát lời nguyện dõng mãnh bằng cả thân và tâm của chính mình không bao giờ thối chuyển.

Bởi vì, chúng ta sinh ra ở đời, được làm thân người, sáu căn đầy đủ, quả là một phúc duyên lớn. Không những vậy chúng ta còn lại được gặp Phật pháp, thọ trì giới luật, sống không gia đình, thì thật sự không có thứ hạnh phúc nào có thể sánh bằng. Do đó, cần phải lập nguyện kiên cố phát tâm dõng mãnh, thành tựu đạo quả để giải thoát cho muôn loài. Điều đó luôn ấp ủ trong tâm chúng ta, nên khiến cho ngoại duyên đều bỏ ngoài tai, dần dần đưa đến siêng năng tu tập.

Bồ đề tâm, là thứ năng lượng bền vững, để ngăn chặn ngoại duyên và tháo gỡ những khổ đau. Khi đã quyết định đi trên con đường viễn ly sinh tử, thì mỗi hành giả hãy trang bị cho mình thứ vũ khí cần thiết, sắc bén để đương đầu với chúng ma phiền não. Vũ khí ấy là tâm Bồ đề kiên cố, là năng lượng được nuôi dưỡng từ đời sống tu tập.

Nhưng, khi được xuất gia ở trong chùa thời gian, thì lãng quên cái tâm nguyện ban đầu, chạy theo với bóng dáng của thế tục, đấm nhiễm vào trong tâm thức, không còn siêng năng tinh tấn dõng mãnh tu tập, như những ngày mới bắt đầu xuất gia.

Đối với thời đại hiện nay, khoa học ngày càng phát triển, ngược lại đạo đức con người ngày càng đi xuống một cách trầm trọng. Phật giáo của chúng ta cũng vậy, có nhiều tăng, ni trẻ hiện nay, chỉ biết lao mình vào các trường Đại Học để tìm cho mình một tấm bằng cấp mà quên đi mình là ai, những bằng cấp đó để làm gì?

Thân chỉ thích ăn sung mặc sướng, ưa chuộng những lời dịu ngọt, sẵn sàng phát lời sân hận trước những gì không vừa ý, đó là tiếp tay, mở cửa cho danh lợi, ái dục tự do đi vào, giống như người phàm tục, chỉ khác đầu tròn áo vuông, không nhớ lời nguyện ban đầu. Và rồi bản thân sẽ thọ nhận đau khổ vì chí nguyện không thành, cha mẹ buồn phiền, vì ước vọng của con mình bị dở dang. Thầy tổ thương xót, vì chúng ta tiếp tục trôi lăn trong vòng sinh tử.

Cho nên, Ngài Thật Hiền đã chỉ ra cho người xuất gia biết mười nhân duyên, để lập nguyện đền đáp, đó là:

1. Nhớ ân sâu nặng của đức Phật,

2. Nhớ ân cha mẹ,

3. Nhớ ân Sư trưởng,

4. Nhớ ân thí chủ,

5. Nhớ ân chúng sinh,

6. Nhớ khổ sinh tử,

7. Là vì tôn trọng linh tính của mình,

8. Sám hối nghiệp chướng,

9. Cầu sinh Tịnh độ,

10. Vì mong muốn làm cho Phật pháp tồn tại lâu dài.

Trong tất cả các ân trên, ân nào chúng ta xét thấy cũng có tầm quan trọng và phải đền đáp, vì vậy chúng ta hãy thiết nghĩ, cuộc sống hiện tại mình đang thọ lãnh đây, là đều nhờ vào ân thí chủ. Chúng ta xét xem mỗi hạt cơm, bao nhiêu vất vả. Đầu tiên phải cày cấy, tát nước, gieo mạ… phải thức khuya, dậy sớm, dãi nắng dầm mưa… đến khi lúa chín thì nào gặt, nào đập, nào phơi, nào xay…

Bao nhiêu mồ hôi tuôn chảy! Có hạt gạo rồi phải rửa, phải vo, phải nấu…. từ đó mới có bát cơm. Tất cả đều từ sức lực của kẻ khác đem đến dâng cúng cho ta. Vậy ta phải làm gì để đền đáp cho cân xứng, với những gì tín thí đã làm cho chúng ta? Chính vì thế, mà người xuất gia phải luôn xét lại tâm hạnh của mình, xem có xứng đáng có thật tu chưa? Chính điều này mới quyết định cuộc đời tu hành của chính mình.

Vì vậy phát Bồ đề tâm là môn học mà người xuất gia nào cũng cần phải nhớ, phải tự cố gắng nuôi lớn nguồn năng lượng của chí nguyện ban đầu, cần phải tư duy tỉnh thức, phải dành nhiều thời gian xoay lại xem xét cái tâm của mình. Tâm ta như con trâu vậy đó, chỉ thích rong chơi, ăn lúa xanh, uống nước mát. Do vậy phải canh chừng đừng cho lơi lỏng như câu Pháp Cú số 7 nói rằng:

“Ham thích sống trong vòng khoái lạc,
Tâm buông lung biếng nhác đọa đầy.
Ma kia dễ bắt người này,
Như cành mềm trước gió lay kinh cuồng”.

Cho nên hàng ngày, chúng ta hãy lập lời nguyện rộng lớn, xem nó là hành trang không thể thiếu trên lộ trình giải thoát cứu cánh. Chúng ta đã cắt ái, ra khỏi căn nhà của cha mẹ, xa lìa nơi thế tục, mà không tu học, thì không khác gì người mù, không biết xấu đẹp, không biết đường đi lối về, khiến cho đường tu bỏ dở thật là luống uổng.

Ngài Thật Hiền đã khái quát cho ta thấy được tám tướng: “Tà, chính, chân, ngụy, đại, tiểu, thiên, viên…” từ đó ta chọn lọc và lấy “Chính, chân, đại, viên”, để thực hành cho đạo quả được thành tựu. Nhờ đó mỗi chúng ta hãy làm rường cột vững chắc để phụ kề vai vào nhau, cùng nâng đỡ ngôi nhà phật pháp. Vận mệnh phật pháp, phụ thuộc hoàn toàn vào sự tồn vong của giới pháp, vì: “Giới luật còn thì phật pháp còn”.

Do đó, cần phải xây dựng hình tượng của người xuất gia, điều quan trọng là trước hết có oai nghi, tức là người xuất gia, cần có cử chỉ trang nghiêm, không thể cười đùa bỡn cợt, sôi động náo nhiệt. Do đó, làm một người xuất gia, oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi cần phải học tập, oai nghi đối nhân xử thế cũng cần phải học tập, lễ nghĩa của nhà Phật cũng phải học tập. Có oai nghi, có lễ nghĩa như thế thì mọi người mới chấp nhận được.

Cho nên hàng ngày, người xuất gia, cần có chính tư duy, chính kiến, chính niệm, nói năng, hành động…đều cần phải nghiêm túc đứng đầu. Vì vậy, hãy cố gắng duy trì và phát huy giới luật, để cùng nhau làm sống lại hình bóng giải thoát và tinh thần hòa hợp của Tăng già.

Thế nên, người xuất gia hàng ngày, thực hành đúng theo lời Phật dạy, thì người xuất gia phải mặc áo ca sa hay hoại sắc (áo nhuộm), là đắp y đã nhuộm màu sắc tối để người ta ít nhìn, ít chú ý. Vì vậy Y này còn gọi là y giải thoát, cho nên mỗi lần khoác y này lên trên vai, người xuất gia phải đọc bài kệ: “Thiện tai giải thoát phục, vô tướng phước điền y, phi phụng trì giới hạnh, quảng độ chư quần sinh.”

Chính vì vậy, người xuất gia là một tâm hạnh rất cao cả, siêu vượt cả thế gian, vì đã làm việc mà người thường khó làm được. Ở đời Đường, có vị Tướng quốc tên là, Đỗ Hồng Tiệm đến hỏi đạo với Thiền sư Vô Trụ, về ý nghĩa xuất gia.

Thiền sư đáp: “Xuất gia giả phi tướng, tướng chi sở năng vi”, nghĩa là việc của người xuất gia, không phải là việc của người làm tướng có thể làm được. Bởi vì làm tướng là chức vụ thuộc thế gian, còn xuất gia thì ở trong đạo, cho nên việc xuất gia rất là siêu việt.

Vì người xuất gia sẽ giải quyết được những vấn đề đã trói buộc con người từ vô lượng kiếp đến nay, như tình ân ái của gia đình cha mẹ, anh em, quyến thuộc, bạn bè…nếu vượt qua được thì điều này không phải tầm thường, đâu phải dễ làm, không những vậy mà còn hướng đến việc giải thoát sinh tử nữa.

Về thân tướng, trước khi xuất gia là trang sức theo thế gian, nhưng khi xuất gia rồi thì phải hủy bỏ, tức là vượt qua cái khuôn của người đời, như bài kệ đã xướng lên khi cạo tóc: “Hủy hình thủ khí tiết, cát ái từ sở thân, xuất gia hoằng thánh đạo, thệ độ nhất thiết nhân”. Vì vậy, tâm nguyện của người xuất gia, đang trên lộ trình giải thoát sinh tử luân hồi, phá vỡ màn lưới vô minh để lập chí nguyện “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”, xứng đáng là bậc xuất trần thượng sĩ.

Nhưng để đạt được như vậy, thì điều trước tiên, đối với người xuất gia phải phát tâm Bồ Đề. Đây cũng chính là lời khẩn thiết của Ngài Thật Hiền, khuyến cáo người xuất gia “Từng nghe, cửa yếu vào đạo, thì sự phát tâm làm đầu, việc khẩn cấp tu hành thì sự lập nguyện đứng trước. Nguyện lập thì có thể độ chúng sinh, tâm phát thì Phật đạo có thể thành.”

Mỗi người xuất gia, có nhiều lý do để bước vào cửa đạo. Hoặc chính tín xuất gia, hoặc ngộ đạo, hoặc thất tình và nhiều lý do khác nữa. Nhưng dù là lý do gì đi nữa, khi muốn bước chân vào cửa đạo, thì phải dõng mãnh phát Bồ đề tâm, cầu trí tuệ giải thoát, giác ngộ để đủ sức thẩm định, đủ lực phán đoán, không bị ràng buộc bởi các pháp.

Vì người xuất gia cần phải “Duy y tối thượng thừa, phát Bồ đề tâm, cầu vô thượng Bồ đề.” Không cầu thinh văn, duyên giác, hay quyền thừa Bồ tát. Vì tất cả những quả vị này Đức Phật dạy đó chỉ là hóa thành mà thôi, chưa phải chổ rổt ráo, tột cùng trong đạo pháp.

Phát Bồ Đề Tâm, cũng chính là phát tâm ngược lại với ma nghiệp, lập chí hướng dẫn chính mình cùng tha nhân, để hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm có câu “Vong thất Bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp”. Làm tất cả mọi việc mà quên mất tâm Bồ đề, hướng ngoại tuy cầu, đó chính là nghiệp của ma vậy.

Bởi vì người tu lâu ngày có khi quên dần chí nguyện ban đầu, nên cần thường xuyên nhắc nhở để mỗi người ý thức được việc làm của chính mình. Cổ nhân xưa có dạy: “Đạo cao nhất xích, ma cao nhất trượng”, trong quá trình tu tập thường khó tránh khỏi những ma chướng. Chính vì điều này, mà người xuất gia phát tâm học đạo, trước tiên cần phải biết rằng, hoàn cảnh quá tốt không nên tiếp cận, hoàn cảnh quá khổ cũng không nên chấp nhận.

Người sơ tâm học đạo phải biết giữ tâm bình thường, không mong cầu danh lợi, địa vị…, người xưa có nói rằng: “ngôn vô danh lợi, hành tuyệt hư phù” nghĩa là khi nói chuyện không nói về danh lợi, chức vị, tiền tài…hành vi cử chỉ trang nghiêm, oai nghi đỉnh đạt, không thể tùy tiện”, đó chính là sự thể hiện tôn nghiêm và giữ thể diện cho bản thân và cho Phật giáo, và chỉ cần có chổ an ổn tu hành là đủ.

Chúng ta phát tâm đi tu, và đã nguyện giải thoát những trói buộc của thế tục hay thế gian, nên đi tu là xuất thế, là thoát tục, không phải việc tầm thường dễ làm. Nếu không vì ý nguyện xuất thế, thì chúng ta đã sống ngoài đời, chính sự phát nguyện đó, nên mới vào đạo, tập cuộc sống thoát khỏi những tập khí trói buộc của thế gian. Trong Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ sách tấn: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục”.

Nghĩa là người xuất gia là cất bước vượt lên đến phương trời cao rộng, không phải chỉ đạp dưới đất, dưới bùn này thôi, mà còn tâm tư và thân tướng của người tu cũng phải khác với thế tục, để làm người xuất gia tu hành, làm những việc khó làm, nhẫn những việc khó nhẫn trong đạo, không vướn bận những của cải, danh vọng, sắc thân ở thế gian. Nếu thân tướng xuất gia ở chùa, nhưng tâm quay trở về với thế tục, thật đáng buồn, đáng trách.

Cho nên, xuất gia là đánh dấu một bước đi, một cái mốc quan trọng của đời mình, không phải là chuyện dễ dàng, tầm thường được. Cho nên tất cả chúng ta ai cũng có Phật tính, thế nên đức Phật ra đời thuyết pháp với mục đích duy nhất là giúp chúng ta “ngộ nhập Phật tri kiến” để tu hành và thành tựu Phật đạo.

Thượng tọa Thích Thiện Hạnh
Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/so-tam-nhap-dao.html