Sơ tán hàng chục ngàn hộ dân tránh bão số 13
Các tỉnh miền Trung chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó bão số 13.
Tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà kể từ 12h trưa nay. Chủ động ứng phó với bão số 13, tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành di dời hơn 19.000 hộ dân với gần 66.000 nhân khẩu. Tỉnh này cũng đã cho học sinh nghỉ học ngày hôm nay và hoàn thành công tác di dời người dân đến nơi an toàn ngay trong sáng nay.
Ông Hoàng Viết Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền, huyện Phong Điền cho biết hơn 800 hộ dân trong xã bị ngập lụt nặng hơn 1 tháng nay, địa phương đã sơ tán các hộ già cả, neo đơn đến nơi an toàn.
“Cơn bão số 13 là một cơn bão rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rất là lớn thì xã Phong Hiền đã triển khai các phương án. Chúng tôi xác định phòng chống bão, kết hợp sau bão sẽ có hoàn lưu bão và gây lụt. Nước bây giờ chừ đang ngập ở các khu dân cư, do vậy, hoàn lưu bão sẽ gây ra lụt thì chúng tôi tập trung di dời các hộ yếu thế, người già cả, neo đơn”, ông Trung nói.
Hiện công tác ứng phó với bão số 13 đang được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai khẩn trương. Sáng nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa lớn, gió mạnh dần lên. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết tỉnh đã yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc các phương án phòng chống bão.
“Để ứng phó cơn bão 13, chúng tôi cũng sẽ vận hành hồ để bảo đảm, nếu có mưa 300mm hai sông lớn sẽ dưới báo động 3. Còn về tàu thuyền cả tháng nay không có đi ra biển nữa, giờ tàu thuyền rất ổn. Di chuyển khoảng 19.000 hộ, dự kiến 10 giờ sáng nay kết thúc di dân” - ông Phương cho biết.
Còn tại thành phố Đà Nẵng, Sở GT-VT thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu tạm ngừng các hoạt động vận tải đến địa phương này kể từ 11h hôm nay (14/11) cho đến khi bão đi qua. Thành phố yêu cầu một số chủ phương tiện đưa tàu, thuyền nhỏ lên bờ để trú bão an toàn. Tại khu vực ven biển Thọ Quang, nhiều ngư dân thuê cần cẩu đưa thuyền lên bờ. Sau khi kéo thuyền lên, họ dùng dây thừng cột vào các trụ sắt hoặc gốc cây để tránh bị gió thổi bay.
Ngư dân Lê Thanh Hùng ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết: "Bản thân tôi đi biển cũng mấy mươi năm nay rồi, bão sắp vào nghe nói bão mạnh nên tôi và những ngư dân ở đây ra cột bù hết để chuẩn bị ứng phó với bão"
Để bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng người dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các địa phương hoàn thành sơ tán người dân sống trong các căn nhà không an toàn đến những nơi trú bão tập trung hoặc đến nhà kiên cố, an toàn để trú ẩn trước 11h hôm nay.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, sau bão số 9, hàng chục khu vực sạt lở ven biển, đe dọa cuộc sống của hàng ngàn hộ dân. Người dân làng chài chưa kịp khắc phục hậu quả mưa bão nay lại đối mặt với bão số 13. Nỗi lo sạt lở, triều cường, sóng lớn đánh sập nhà cửa hiển hiện trước mắt.
Hơn 20 năm qua, chưa bao giờ người dân thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lại chứng kiến cảnh bờ biển bị xói lở nghiêm trọng như hiện nay. Từng đợt sóng lớn, triều cường liên tục tấp vào bờ gây sạt lở gần 1 km bờ biển, nhiều công trình bị hư hỏng, đổ nát.
Sau các đợt mưa bão vừa qua, tình trạng sạt lở, xâm lấn triều cường ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà cửa và cuộc sống người dân. Ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, chủ động ứng phó với bão số 13, chính quyền địa phương lên phương án di dời dân đến nơi an toàn:"Chúng tôi đang theo dõi sát sao công điện của cấp trên, nếu trường hợp bão 13 đổ bộ, chúng tôi vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn. Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét quan tâm đầu tư kè để đảm bảo cuộc sống bà con ổn định lâu dài"./.
Một số hình ảnh ứng phó bão số 13:
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/so-tan-hang-chuc-ngan-ho-dan-tranh-bao-so-13-817486.vov