Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 30]
Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.
Maistre Xavier de (1763-1852) là nhà văn.
Tác phẩm chính: Cuộc du lịch quanh phòng tôi (Voyage autour de ma Chambre, 1794).
Cuộc du lịch quanh phòng tôi là tác phẩm dí dỏm (thế kỷ XVIII ở châu Âu rất thịnh hành loại sách du ký), tác giả viết khi bị giam bốn mươi hai ngày.
Tác giả nhấn mạnh là cần biết du lịch trong phòng, như vậy đỡ bị may rủi, không ai đố kỵ.
Ông tả các đồ đạc trong phòng. Cuộc du lịch trong tưởng tượng gợi lại phong cảnh, tình cảm, bạn bè, và thể hiện một triết lý sống thoải mái, bao dung.
***
Malraux André (1901-1976) là nhà văn, chính khách (nghệ thuật là phương tiện chống lại sự hủy hoại của thời gian và bản năng chết – cái vô lý cuộc sống, hành động).
Tác phẩm chính: Những người chinh phục (Les Conquérants, 1928), Con đường hoàng gia (La Voie Royale, 1930), Phận người (La Condition Humaine, 1933),Thời khinh miệt (Le Temps du Mepris, 1935), Niềm hy vọng (L’Espoir, 1937), Những cây dẻ ở Altenburg (Les Noyers de l’Altenburg, 1943, luận văn), Những tiếng nói của im lặng (Les Voix du Silence, 1951, hồi ký), Phản hồi ký (Antimémoires, 1967).
Phận người là cuốn tiểu thuyết được coi là tác phẩm nội trội nhất của Malraux, được Giải thưởng Goncourt. Tác phẩm này cùng một nguồn cảm hứng với hai tiểu thuyết khác của Malraux (ra trước), cùng viết về Viễn Đông (Những người chinh phục và Vương đạo). Nó ghép thêm chủ đề “tình đoàn kết anh em” vào những chủ đề cũ: hành động, dũng cảm, cái chết, sự lo âu khắc khoải (cách mạng được đề cập dưới góc độ thực hiện cái tiềm năng của cá nhân).
Câu chuyện kể lại một sự kiện trong vài ngày (tháng 3/1927) của Cách mạng Trung Quốc, vào giai đoạn Quốc-Cộng liên minh để chiếm Thượng Hải, thành trì của bọn tướng quân phiệt miền Bắc liên kết với các nước đế quốc. Trong thành phố, các lực lượng vô sản theo Đảng Cộng sản (trong đó có những nhóm vô chính phủ) nổi dậy làm cách mạng thành công, không đợi sự phối hợp của Tưởng Giới Thạch đương tiến quân đến.
Tưởng chiếm được Thượng Hải, lật lọng, đòi tước vũ khí lực lượng cộng sản. Những người cộng sản không chịu, không nghe cả lệnh Quốc tế Cộng sản (vì sách lược, đồng ý với hành động của Tưởng); Tưởng ra lệnh bắt cộng sản và những người chỉ huy cộng sản, kể cả những người vô chính phủ. Họ bị hành hình chết bi thảm. Điều bi đát của những nhân vật là họ phải chơi một ván bài với Định Mệnh mà chỉ có mục đích là quan trọng, không đếm xỉa đến số phận cá nhân con người.
Họ biết Quốc tế cộng sản, tức là Định Mệnh, có lý; nhưng do ý thức về mỗi số phận cá nhân và số phận người nói chung, họ nổi dậy chống lại số phận, theo bản năng chứ không phải theo lý tính.
Họ đều muốn tỏ rõ “ý chí quyền lực”, kể cả Ferral, hiện thân của chủ nghĩa tư bản cường thịnh. Kyo (người Hoa lai Nhật), chồng bác sĩ May, làm cách mạng chỉ cốt tìm ý nghĩa cho cuộc đời của cá nhân.
Tchen là một người theo chủ nghĩa khủng bố, muốn đổ máu để rửa hận bản thân về nỗi tủi nhục của người Hoa bị đàn áp bóc lột. Hemmlrich, bị ám ảnh vì bất lực, không tìm ra được giải thoát trong cuộc chiến cuối cùng. Các nhân vật chìm đắm trong vũng bùn của phận người và đều tự giải thoát, con người vừa cao cả vừa hèn hạ, bản thân từng người phải cố vươn lên để vượt phận mình và khẳng định tự do của mình, mặc dù không ai thoát được phận người.
Niềm hy vọng là tiểu thuyết về việc tổ chức lại cách mạng ở Tây Ban Nha. Để chống lại bọn phát-xít có tính tổ chức cao, cần đề cao tình đoàn kết anh em trong chiến đấu (xem Phận người). Muốn thực hiện được niềm hy vọng đưa lại cho hàng triệu người một ý nghĩa cho cuộc đời, cần phải thanh toán tình trạng hỗn loạn của cách mạng.
Chỉ có Đảng Cộng sản làm được việc này, vì Đảng có mục đích rõ ràng để hành động, không e ngại một phương tiện nào, không bận tâm đến cá nhân và số phận con người. Nhưng Malraux lại cũng bận tâm đến những người vô chính phủ luôn luôn thắc mắc về con người và không muốn hy sinh một chút công lý nào vì mục đích; họ nhất định sẽ vô hiệu.
Niềm hy vọng được viết theo nhịp độ và trường đoạn của một cuốn phim, thể hiện cuộc chiến tranh lan dần, tổ chức kháng chiến. Niềm hy vọng có cơ sở: sự tổ chức lực lượng cách mạng theo hướng kỷ luật và có kỹ thuật; các chiến sĩ quốc tế đến đông, thành lập các binh đoàn quốc tế. Nhân vật phi công Magnin được miêu tả rất thành công.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/so-tay-van-hoa-dong-tay-mot-thoang-van-hoc-phap-ky-30-190079.html