Sở TN&MT tỉnh Yên Bái lên tiếng về tình trạng khai thác, vận chuyển đá phá nát đường dân sinh
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho rằng, những ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người dân sống trong khu vực khai thác, vận chuyển đá hoa trắng là do các doanh nghiệp có lúc chưa tuân thủ theo thiết kế cơ sở, cũng như giờ giấc làm việc xác định trong dự án đầu tư đã được phê duyệt.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng khai thác, vận chuyển đá tại xã An Phú, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân sinh sống xung quanh, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái đã có văn bản trả lời báo Người Đưa Tin về tình trạng trên.
Cụ thể, trên địa bàn xã An Phú, huyện Lục Yên, hiện có 03 mỏ đá trắng được bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác. Đại diện Sở này cũng xác định, giống như các hoạt động công nghiệp khác, hoạt động khai thác tại các mỏ này cũng có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người dân sống trong khu vực.
Nguyên nhân là các doanh nghiệp có lúc chưa tuân thủ theo thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ cũng như giờ giấc làm việc xác định trong dự án đầu tư đã được phê duyệt, chưa tuân thủ đầy đủ theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Hoạt động khai thác khoáng sản liên quan đến rất nhiều ngành quản lý. Vừa qua, sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý các vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý đối với các doanh nghiệp được cấp giấy phép trên địa bàn xã An Phú, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định.
Trả lời về vấn đề vận chuyển khoáng sản của các công ty gây ra tình trạng xuống cấp của tuyến đường từ xã An Phú đến xã Vĩnh Lạc, đại diện sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết thêm, các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại xã An Phú vận chuyển khoáng sản đi tiêu thụ hoặc về các nhà máy chế biến bằng đường thủy và đường bộ (tuyến đường An Phú – Lục Yên).
Theo sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, việc vận chuyển khoáng sản là một trong những yếu tố gây hư hỏng tuyến đường này. Ngoài vận chuyển khoáng sản còn có các hoạt động giao thông khác trên tuyến đường. Sự xuống cấp của đường bộ phụ thuộc vào tải trọng của xe di chuyển trên đường, tần suất sử dụng và chế độ duy tu bảo dưỡng.
Về việc quản lý, kiểm tra sử dụng đường giao thông vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông thuộc trách nhiệm của sở Giao thông Vận Tải và các cơ quan chức năng khác (chính quyền địa phương, công an …), không thuộc lĩnh vực quản lý của sở Tài nguyên và Môi trường.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý đối với các lĩnh vực thuộc nhiệm vụ được phân công, phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề liên quan khác trong hoạt động khoáng sản tại xã An Phú.
Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, tình trạng khai thác, vận chuyển đá trắng tại xã An Phú, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân nơi đây. Tình trạng khai thác suốt ngày đêm, xe chở đá có trọng tải lớn phá nát các tuyến đường dân sinh khiến người dân vô cùng bức xúc.
Theo tìm hiểu, tuyến đường dân sinh từ xã An Phú đến xã Vĩnh Lạc (Lục Yên, Yên Bái), tình trạng xe quá tải trọng vận chuyển những tảng đá lớn từ bãi khai thác trên địa bàn xã An Phú ra nhà máy chế biến tại xã Liễu Đô và xã Minh Tiến trên địa bàn huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, khiến tuyến đường này xuống cấp trầm trọng, xuất hiện nhiều những ổ voi, ổ gà.
Việc xuống cấp của các tuyến đường dân sinh nơi đây khiến việc đi lại của người dân trở nên vô cùng khó khắn. Ngoài ra, còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân quanh tuyến đường này.